Túi nilon tự hủy, hiểu sao cho đúng?

Ngoài việc trồng cây gây rừng để bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo cảnh quan thì càng ngày càng có nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường được ứng dụng vào thực tế. Trong đó phải kể đến những hành động thiết thực hạn chế sử dụng túi nilon và ưu tiên cho các

Theo một báo cáo năm 2017 của Hiệp hội bảo tồn đại dương, vấn đề rác thải nhựa là một trong những thách thức môi trường lớn nhất thế giới; trong đó Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan là những quốc gia đổ rác nhựa xuống biển nhiều hơn tất cả các nước, vùng lãnh thổ còn lại của thế giới cộng lại.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu cũng cho thấy, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng từ 5 - 7 túi nilon mỗi ngày, bao gồm cả túi to túi nhỏ và những túi siêu nhỏ. Trong khi quá trình phân hủy của một chiếc túi nilon có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Trước những thông tin đang báo động như trên thì rõ ràng các sản phẩm túi nilon tự hủy hay túi nilon phân hủy sinh học là cứu cánh cho những ai quan tâm về môi trường.

Túi nilon tự hủy là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng chú ý trong thười gian gần đây

Mặc dù giá có thể cao gấp đôi so với túi nilon thông thường nhưng khi nghĩ về ý nghĩa bảo vệ môi trường, người tiêu dùng vẫn mạnh tay chi. Với các mức giá đa dạng: từ 50.000 - 90.000 đồng/cuộn đối với hàng nội địa và từ 110.000 đồng/cuộn với các túi nhập khẩu từ Châu Âu, người dùng hiện nay có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm này ở các chợ, cửa hàng tiện ích, siêu thị…

Tuy nhiên, có phải túi nilon tự hủy nào cũng thân thiện với môi trường?

Về vấn đề này, TS. Kiều Lê Thủy Chung – Đại học Bách khoa TP.HCM chia sẻ: "Thật ra ở hầu hết các siêu thị, người ta nói vậy vô hình trung khiến người tiêu dùng hiểu là nó dễ dàng tự phân hủy ở môi trường. Thực tế các sản phẩm này chủ yếu có nguồn gốc từ nhựa, có nguồn gốc từ dầu mỏ; người ta thêm một số thành phần phụ gia để quá trình phân hủy của sản phẩm này nhanh hơn so với túi nhựa thông thường. Như vậy, các loại túi này sẽ dễ dàng chia nhỏ ra và tạo thành những mảnh, sợi vi nhựa, gây ra một số vấn đề ô nhiễm môi nhựa trong môi trường".

Như vậy, về bản chất, nhiều loại túi nilon tự hủy chỉ là những sản phẩm nhựa HDPE thông thường được thêm phụ gia để dễ phân rã thành vi nhựa, thậm chí còn nguy hiểm hơn khi dễ dàng hòa lẫn vào nguồn nước, đất, không khí. Sau khi bị động vật nuốt phải, vi nhựa sẽ quay trở lại chuỗi thực phẩm của con người.

Nói về những ảnh hưởng của vi nhựa đến môi trường tự nhiên, Thạc sĩ Trương Trần Nguyễn Sang – Nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm nghiên cứu về nước khu vực châu Á thuộc trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết: "Ngay khi vi nhựa tồn tại trong môi trường, đặc biệt là môi trường đất, nước, không khí, nó sẽ là tác nhân phát tán các chất phụ gia được thêm vào trong quá trình sản xuất".

Có thể nói hiện nay, với sự xuất hiện dày đặc của các sản phẩm gắn mác “tự hủy sinh học”, nhiều người tiêu dùng vẫn đang nhầm lẫn, chưa nhận diện đúng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn vì không đủ thông tin.

Vì vậy, mỗi chúng ta hãy thực sự là những người tiêu dùng thông nh, cần tỉnh táo để đọc kỹ các thành phần, lựa chọn đúng các sản phẩm mà sau khi phân hủy, sản phẩm cuối cùng là CO2, nước, mùn hữu cơ… những thành phần không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ sinh thái.