Tránh làm đột ngột khiến doanh nghiệp và người dân chới với

Xử lý nạn xe dù, bến cóc là câu chuyện lâu dài, cần giải pháp đồng bộ. Do đó, việc cấm hoàn toàn xe giường nằm vào nội ô TP.HCM phải có sự đánh giá, phân tích tác động trực tiếp đến hoạt động lưu thông của người dân và doanh nghiệp, nhằm tìm ra phương án tốt nhất trước khi áp dụng.

TP.HCM sẽ nghiên cứu phương án cấm xe khách giường nằm 24/24h vào nội đô -. Ảnh: Tuổi trẻ

Sở GTVT TP.HCM đề xuất chủ trương cấm xe giường nằm vào nội đô 24/24 giờ đang gây ra nhiều dư luận trái chiều; nhất là trong bối cảnh kinh tế thành phố đang có dấu hiệu đi xuống; ngành kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn. Các xe khách giường nằm phần lớn chuyên chở hành khách đi các tỉnh ền Trung, Tây nguyên và các tỉnh phía Bắc.

Các doanh nghiệp này hiện hầu hết đều kinh doanh cầm chừng; khách đi lại không nhiều; phải cạnh tranh trực tiếp với các loại hình xe dịch vụ khác.

Việc cấm xe giường nằm vào nội đô suốt cả ngày lẫn đêm thay vì chỉ từ 6h-22h như hiện nay là thêm một nút chặn khiến các nhà xe này chắc chắn sẽ lao đao. Về phía người dân khi lệnh cấm ban ra, muốn bắt xe vào đêm khuya sẽ phải theo xe trung chuyển lòng vòng hoặc phải trả thêm phí tắc xi, xe ôm; từ đó chắc sẽ ngần  ngại trong việc đưa ra lựa chọn có đi xe khách giường nằm đang đậu đỗ ở mãi ngoại thành xa xôi vừa tốn thêm chi phí lại mất nhiều thời gian di chuyển hay không.

Đây là những bất cập, phát sinh mà nhà quản lý cần tính toán khi đưa ra quyết định cuối cùng nhằm giúp cho quyết định của mình giảm thiểu đến mức thấp nhất các bất lợi có thể gây ra cho các bên.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận hiện nay nhiều xe khách giường nằm ở TP.HCM dù có xe đăng ký là xe dịch vụ nhưng đều chạy như tuyến cố định. Tức là gom khách đủ cho một chuyến xe ở khắp khu vực nội ngoại thành rồi mới xuất bến đến một điểm theo lịch trình.

Từ đây nảy sinh một thực trạng nhức nhối là khi hết giờ cấm, nhiều xe chạy rất ẩu vào các khu vực nội thành đón trả khách vô tội vạ; còn trong giờ cấm thì hình thành các bến cóc ở ven đường, quán cà phê, cây xăng hoạt động bát nháo; gây mất an ninh trật tự. Hành khách nhiều lúc cũng sống dở chết dở vì bắt nhầm các loại xe khách không uy tín, hứa chạy đến nơi đến chốn nhưng dọc đường là sang khách, bán khách.

Đó là chưa kể tình trạng chèo kéo,thậm chí là tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng bắt chẹt hành khách. Việc thành phố thực hiện việc cấm xe khách giường nằm vào nội đô theo khung giờ từ 6- 22h thời gian qua bước đầu đã tạo được nhiều tín hiệu tích cực. Nạn bến cóc xe dù; nạn chèn ép, gây phiền hà cho hành khách giảm hẳn.

Xe giường nằm vào các bến xe ền Đông, ền Tây tăng lên; tạo sự yên tâm ban đầu cho hành khách có nhu cầu. Giúp giảm tải áp lực phương tiện tham gia giao thông cho khu vực nội thành vào các khung giờ cao điểm; góp phần đáng kể vào quá trình chống ùn tắc và giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Điều đáng bàn là nếu việc cấm hoàn toàn xe khách giường nằm vào nội đô của TP.HCM lúc này chắc chắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy khi việc chuẩn bị không chu đáo, đầy đủ; nhất là trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp xe khách giường nằm đang gặp khó khăn sau đại dịch covid cũng như sự xuống sức của nền kinh tế nói chung đang tác động lên.

Do vậy, để thực hiện được việc cấm hoàn toàn xe khách giường nằm vào nội đô, ngành giao thông vận tải thành phố cần nghiên cứu kỹ các tác động của quyết định này khi tham mưu ban hành. Theo đó phải đảm bảo người dân di chuyển đến các điểm đậu đỗ xe ở ngoại ô vào đêm khuya khi không còn các tuyến xe công cộng hoạt động thì phải được chuyên chở an toàn, trật tự.

Tạo điều kiện để các nhà xe thuận lợi trong việc đưa đón hành khách. Một yêu cầu nữa mà nhiều nhà xe cũng kiến nghị là ngành giao thông cũng sớm chỉ rõ,” xếp nốt” quy củ để các xe khách giường nằm có chỗ đậu chờ trong các bến xe có sẵn cũng như khu vực dừng đỗ đúng quy định; tránh xe không biết bến bãi ở đâu và dễ bị mắc lỗi để bị xử phạt.

Rõ ràng, đề xuất cấm hoàn toàn xe khách giường nằm vào nội đô ở TP.HCM là một chủ trương đúng nhưng khi thực hiện cũng cần có thời gian, lộ trình phù hợp và chuẩn bị chu đáo, có độ trễ. Tránh làm đột ngột, khiến doanh nghiệp và người dân chới với vì chưa có đủ nguồn lực và tâm thế.