Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Phát triển nhà ở xã hội: Xin đừng thất hứa...

Huy Hoàng: Thứ sáu 12/04/2024, 10:47 (GMT+7)

Chính phủ đã ban hành kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước trong giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, dù đã trải qua gần 1 nửa chặng đường nhưng số dự án nhà ở xã hội đến được người cần là chưa đáng kể.

Điều này cho thấy việc đầu tư xây dựng và phát triển nhà ở xã hội ở TPHCM nói riêng, nước ta nói chung không khác gì nhiệm vụ bất khả thi. 

Anh Đinh Anh Huy (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) đã lập gia đình và có con nhỏ 3 tuổi. Anh Huy và vợ đang mong muốn tìm mua 1 căn nhà ở xã hội để có thể an cư trước khi con mình vào lớp 1, tuy nhiên mọi thứ không thực sự dễ dàng:

"Ở TPHCM nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn nên cũng không kén cá chọn canh được, chỉ cần khả thi về kinh tế hoặc gần chỗ làm là mình chọn luôn. Với mình thì chọn ngân hàng nào hay chính sách ra sao không còn quá quan trọng, chủ yếu là có dự án để mình đăng ký mua hay không".

Cùng cảnh ngộ, cách đây 2 năm chị Đặng Minh Trúc (28 tuổi, quên quán tỉnh Đồng Tháp) và chồng phấn khởi khi thấy dự án nhà ở xã hội phường Long Trường (thành phố Thủ Đức) được chào bán với các chính sách lẫn mức giá phù hợp.

Dù đã chuẩn bị và nộp đầy đủ các hồ sơ đăng ký mua nhà như tư vấn của nhân viên môi giới, thế nhưng đã hơn 700 ngày dự án vẫn án binh bất động dù đã tổ chức lễ khởi công ầm ĩ trước đó. Chị Trúc ngán ngẩm:

"Dù muốn tìm mua 1 căn hộ phù hợp với điều kiện kinh tế nhưng tôi không thể tìm thấy dự án nhà ở xã hội nào mở bán hay có thể tiếp cận được tại TPHCM. Dù nhiều lần chính quyền hay nhà nước nói đến việc phat triển nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế gần như không có dự án nào được triển khai, người muốn mua nhà chắc chỉ tìm trên tivi".

Tỷ lệ triển khai nhà ở xã hội của TPHCM là thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng

Tỷ lệ triển khai nhà ở xã hội của TPHCM là thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng

Được biết dự án nêu trên là 1 trong số 7 dự án nhà ở xã hội với quy mô gần 5000 căn trong diện đang thi công tại TPHCM, ngoài ra ở địa phương này cũng còn 88 dự án nhà ở xã hội khác đang nằm trong kế hoạch triển khai, chưa rõ tiến độ kế hoạch ra sao.

Theo ông Bùi Xuân Cường – Phó chủ tịch UBND TPHCM thì một trong những vướng mắc lớn nhất khi triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn chính là khâu quy hoạch:

"Hiện thành phố đang tập trung điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trong đó điều chỉnh các quy hoạch phân khu để đồng bộ với quy hoạch chung. Các vị trí nhà ở xã hội áp dụng theo cơ chế trong Nghị quyết 98, cũng như 88 khu đất đã rà soát sẽ tiếp tục được cập nhật để đảm bảo phù hợp quy hoạch, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo".

Dù gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng đã được Chính phủ thông qua nhằm hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, song trên thực tế tỷ lệ giải ngân gói tín dụng này là rất thấp. Được biết các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án nhà ở xã hội trên cả nước với số tiền khoảng 7000 tỷ đồng, song đến thời điểm này mới chỉ có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương đã được giải ngân khoảng 415 tỷ đồng.

Ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân nhận định:"Về vốn hiện nay với gói 120.000 tỷ của Ngân hàng Nhà nước thì người công nhân, người lao động khi tiếp cận gói đó không thể mua được nhà ở xã hội với thu nhập không chịu thuế khoảng chừng 15 triệu như hiện nay".

Từ thực tế của 1 dự án nhà ở xã hội tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng các nhà hoạch định chính sách phát triển nhà ở xã hội cần đánh giá đầy đủ các yếu tố hạ tầng liên quan như điện đường trường trạm gắn với bài toán quỹ đất:

"Đây là việc cần phải hết sức cân nhắc và các nhà làm quy hoạch cũng như các nhà làm chính sách cũng cần xem xét lại làm sao ưu tiên cái quỹ đất cho nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp. Trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đường vành đai 3 và vành đai 4 với hệ thống giao thông từng bước được cải thiện thì tôi cho rằng cũng cần ưu tiên cho các cái nhóm dự án này được bố trí làm sao nó phù hợp với về mặt giao thông cũng như các tiện ích về cơ sở hạ tầng xã hội".

Các căn hộ thuộc Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc

Các căn hộ thuộc Dự án Nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc

Vì còn quá nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ nên các nhà đầu tư, thậm chí nhiều địa phương tỏ ra không mặn mà với việc phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Tình trạng này đả được đề cập tại hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” năm 2024 diễn ra cuối tháng 2 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng:

"Mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra, như Hà Nội mới chỉ triển khai được 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng được 9%. Thành phố Hồ Chí Minh triển khai được 7 dự án với 4.900 căn, đáp ứng được 19%. Một số địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội nào được khởi công trong giai đoạn vừa qua như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi… Một số địa phương chúng tôi thấy chưa có động thái để triển khai Đề án này".

Chính phủ đã xác định việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Để có thể hoàn thành khoảng 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 cũng như 1 triệu căn đến năm 2030, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị:

"Tất cả các chủ thể có liên quan với tinh thần trách nhiệm cao nhất, với tính sáng tạo và tinh thần kịp thời, cộng với trách nhiệm đạo đức xã hội để thực hiện cho tốt, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và mỗi người góp sức, "góp gió thành bão"  để ta tạo ra phong trào, tạo ra xu thế nhà ở xã hội đúng nghĩa nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các hình thức nhà ở khác.

Chính phủ thì phải nắm chắc tình hình phản ứng kịp thời chính sách, rồi đề xuất với các cấp có thẩm quyền những chính sách vượt thẩm quyền. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng sớm ban hành các Nghị định văn bản quy định tinh thần phân cấp tối đa các cấp, các ngành, rồi phân bổ nguồn lực, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ người dân và doanh nghiệp, tăng cường giám sát, kiểm tra, rồi nâng cao năng lực thực thi của cán bộ ở dưới".

Một trong những vướng mắc đó chính là làm thế nào để có quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Một trong những vướng mắc đó chính là làm thế nào để có quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Xin đừng thất hứa

 

Có thể nói chưa khi nào câu chuyện về nhà ở xã hội được nhắc nhiều đến vậy trong những năm gần đây. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cùng với gói tín dụng 120.000 tỷ ra đời không khác gì cơn mưa rào giữa sa mạc cạn khô.

Thế nhưng, đằng sau những chiến dịch truyền thông chính sách hay những buổi lễ khởi công linh đình lại là vô số cái lắc đầu ngao ngán của không ít người thu nhập thấp đô thị.

Phải đến tháng 5 năm nay thì Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi mới được Quốc hội xem xét thông qua, việc tưởng chừng không có gì đáng nói nhưng lại trầy trật suốt 10 năm trời mới được đưa lên bàn nghị sự để cất nhắc. Hàng tá bất cập, hàng trăm vướng mắc, hàng ngàn khó khăn tồn tại suốt một thập kỷ không được tháo gỡ kịp thời đã khiến “giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ”.

Dù đã có một số điểm sáng nhất định trong phát triển nhà ở xã hội những năm gần đây, song như khẳng định của người đứng đầu Chính phủ là không thực sự đáng kể, nếu không muốn nói là chưa đạt yêu cầu.

Dù việc đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người dân được xem là chủ trương, là trách nhiệm của Nhà nước song trên thực tế không ít cá nhân, tập thể thực thi công vụ không quá “nhiệt tình” để gỡ khó mà vẫn cứ “bình chân như vại”.

Nhà ở vốn đã bức thiết, nhà ở có mức giá phù hợp với người thu nhập thấp lại càng bức thiết hơn, đặc biệt là tại các đô thị đông dân hay các đầu mối quan trọng như Hà Nội, TPHCM. Do vậy, việc đáp ứng nhu cầu an cư cần phải được quan tâm thực chất hơn chứ không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, vận động. Hơn hết, cần phải gắn nhiệm vụ đảm bảo nhà ở với trách nhiệm chính trị cho từng vị trí lãnh đạo cụ thể mới mong tạo ra được sự chuyển biến.

Dù muộn nhưng việc Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi sắp được thông qua cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ là đòn bẩy hết sức quan trọng để nhà ở xã hội không còn quá xa vời. Tuy nhiên, cần có cách làm mới, tư duy mới để nhà ở xã hội không còn nằm trên giấy, và người mua nhà không còn phải tìm trên báo, trên tivi.

Huy Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn