Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, vì sao vẫn khó?

Nguyễn Yên: Thứ năm 11/04/2024, 15:15 (GMT+7)

Tới nay, chuyện cha mẹ đội mũ bảo hiểm cho mình nhưng quên đội cho con vẫn diễn ra phổ biến. Vì sao cha mẹ vẫn ngó lơ việc đội mũ bảo hiểm cho con khiến các em đối mặt nguy cơ mất an toàn. Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, sau nhiều năm với nhiều giải pháp, sao vẫn khó thực hiện?

 

Trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy (Hà Nội) vào buổi chiều ngày 8/4 có thể thấy rất nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi xe máy. Giờ tan trường, học sinh ùa ra lên xe máy về nhà nhưng 10 em chỉ có 3,4 em là có đội mũ bảo hiểm; có những phụ huynh chở cả 2 trẻ không đội mũ bảo hiểm.

Trong khi tất cả phụ huynh đều đội mũ nhưng nhiều trẻ em ngồi sau để đầu trần. Lý do thờ ơ đội mũ bảo hiểm cho con được các phụ huynh tại đây cho biết:

"Vào buổi sáng bố đèo đi rồi để xe của bố, em đi làm về thì em đón cháu luôn"

"Nhiều khi chủ quan là như tôi hôm nay đi đón cháu vì nhà ngay cạnh đây nên tôi cũng không mang mũ cho cháu".

Cổng trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy vào giờ tan trường

Cổng trường Tiểu học Dịch Vọng B, quận Cầu Giấy vào giờ tan trường

Trong khi cũng tại cổng trường này, nhiều phụ huynh khẳng định, quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy đã được nhà trường thường xuyên nhắc nhở; phụ huynh và học sinh đều nắm rõ quy định này:

"Ở trường, các cô giáo thường dạy các con chấp hành đội mũ bảo hiểm và các hoạt động ngoài giờ cũng hướng dẫn chu đáo nên phụ huynh nếu không chấp hành thì các con cũng nhắc ông bà, bố mẹ mang mũ bảo hiểm và đội cho con"

"Xác định là phải đội mũ bảo hiểm rồi, nhưng quan trọng hơn là tạo cho các con thói quen phải đội mũ bảo hiểm khi ra đường. Mình có 2 cháu khi ra đường đều tự giác đội mũ bảo hiểm".

Từ khảo sát thực tế của trường Đại học Y tế công cộng tại 10 tỉnh, thành phố, PGS.TS. Phạm Việt Cường- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương cho biết, chỉ có 44% trẻ đội mũ bảo hiểm; ở vùng nông thôn thì con số này còn thấp hơn rất nhiều:

"Trẻ em, đặc biệt là nhóm dưới 6 tuổi hiện nay đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông có tỷ lệ rất thấp, nhiều nơi có tỷ lệ khoảng 10-20%. Ở khu vực thành phố thì thực hiện tốt hơn còn ở vùng nông thôn thì việc thực hiện vô cùng thấp. Đây là yếu tố nguy cơ đối với nhóm trẻ đang tham gia giao thông bằng xe máy hiện nay".

Có những phụ huynh chở cả 2 trẻ đều không đội mũ bảo hiểm

Có những phụ huynh chở cả 2 trẻ đều không đội mũ bảo hiểm

Trong khi trẻ em còn chưa nhận thức đầy đủ, chưa thể tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, còn cha mẹ lại thờ ơ với quy định đội mũ bảo hiểm cho con thì việc thực hiện nghiêm túc quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trở thành vấn đề khó khăn mà bao năm qua chưa mấy cải thiện.

Mặt khác, lực lượng chức năng cũng gặp khó trong việc xác định độ tuổi để xử phạt hay việc xử phạt làm ảnh hưởng đến giờ học của các em nên kết quả xử phạt chưa cao. Điều này càng khiến nhiều phụ huynh có tâm lý chủ quan không thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm cho con em mình.

Ông Tạ Đức Giang  - Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội đánh giá, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em đã được nhiều phụ huynh quan tâm hơn, tuy nhiên vẫn còn bộ phận cha mẹ chủ quan và chưa thấy hết tầm quan trọng việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ nên thực hiện mang tính đối phó, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc:

"Một bộ phận phụ huynh chưa tự giác tuân thủ quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi chở các cháu là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông cho lứa tuổi trẻ em nói chung và học sinh. Năm 2023 có hơn 2000 trẻ em bị thương vong do tai nạn giao thông. Điều này đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực hơn để đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em"

Theo ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, trẻ em là một trong những đối tượng yếu thế nhất khi tham gia giao thông và tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với lứa tuổi 4- 15 tại nước ta nhưng tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm vẫn còn ở mức thấp. Đáng chú ý, có việc hiểu không đúng về trẻ em dưới 6 tuổi không cần đội mũ bảo hiểm; không xử phạt người lớn chở trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm trên xe máy và cũng chưa có quy chuẩn về mũ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, ông Hà Đình Bốn cho rằng, nên đưa vào dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định mọi người khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm.

"Đưa vào và tiếp tục khẳng định là tất cả mọi người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, đó là quy định bắt buộc. Có thể giao Chính phủ và các Bộ quy định rõ quy chuẩn mũ bảo hiểm cho phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em khi tham gia giao thông. Khi có quy chuẩn thì những nhà sản xuất, kinh doanh cũng có quy định cho họ để họ làm chuẩn mực, phù hợp với thể trạng trẻ em Việt Nam", ông Hà Đình Bốn cho biết.

Cùng với việc ban hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về mũ bảo hiểm cho trẻ em, các chuyên gia cho rằng, cũng cần hoàn thiện quy định về xử phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Đồng thời, có thể mở rộng nghiên cứu các quy định về tốc độ khi chở trẻ em, cũng như các kết cấu ghế hoặc đai được chuẩn hóa khi chở trẻ em dưới 6 tuổi trên xe máy.

Rất nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi xe máy

Rất nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi xe máy

Trong tư tưởng và hành động của hầu hết cha mẹ đều có ý thức muốn bảo vệ con em mình, vậy nhưng, chiếc mũ bảo hiểm giúp giảm thiểu được chấn thương cho trẻ khi sự cố không may xảy ra lại đang bị xem nhẹ.

Dưới góc nhìn của VOV Giao thông, để trẻ em tuân thủ đội mũ bảo hiểm thay cho những chiếc mũ vải hay để đầu trần tham gia giao thông thì cần bắt đầu từ chính chiếc mũ dành cho các em: "Tự giác đội mũ bảo hiểm bắt đầu từ chính... chiếc mũ".

Trong những nguyên nhân khiến cả phụ huynh và học sinh ngại đội mũ bảo hiểm, có lý do đến từ chính chiếc mũ. Trong gần 20 năm thực hiện việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe máy, chúng ta dường như quan tâm tới các tiêu chuẩn và ưu tiên sản xuất mũ bảo hiểm dành cho người lớn; còn mũ bảo hiểm dành cho trẻ em thì đến nay vẫn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn; việc sản xuất và bày bán mũ bảo hiểm dành cho trẻ em trên thị trường còn hạn chế hoặc có giá thành cao.

Sản phẩm mũ bảo hiểm cho trẻ em trên thị trường nhìn chung ít hơn hẳn sản phẩm dành cho người lớn. Riêng loại mũ bảo hiểm chính hãng dành cho trẻ dưới 6 tuổi dù đã xuất hiện nhưng sản phẩm và hệ thống phân phối hạn chế nên người có nhu cầu rất khó tiếp cận. Như loại mũ xốp mềm dành cho trẻ dưới 6 được bày bán tại các cửa hàng chuyên đồ trẻ em hiện chỉ có 1 nhãn hiệu và 1 kích cỡ duy nhất với giá bán khá cao.

Thực tế này khiến nhiều em phải sử dụng những chiếc mũ không vừa với kích thước vòng đầu, gây khó chịu, mệt mỏi. Còn phụ huynh thì lo lắng đội mũ bảo hiểm có thể dẫn đến ảnh hưởng cột sống cổ của trẻ nhỏ hoặc mũ không đảm bảo chất lượng cũng gây tác động tiêu cực và nhiều khi các con cũng khó hợp tác trong việc đội mũ.

Vì thế, trước tiên, để trẻ có thể đội được mũ bảo hiểm thì cần có những chiếc mũ phù hợp.  Đó là những chiếc mũ có kích cỡ hợp với đầu của trẻ, tránh bị tuột, lệch trong quá trình sử dụng. Thêm vào đó, chiếc mũ cũng nên có những màu sắc, hình vẽ trẻ yêu thích để tạo cảm giác thích thú, yên tâm hơn cho trẻ khi đội mũ bảo hiểm.

Hiện chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về mũ bảo hiểm dành cho trẻ dưới 6 tuổi nên cần sớm có những nghiên cứu thực tế, phù hợp để bổ sung những quy chuẩn cụ thể ở lứa tuổi cần đội mũ nào. Tiếp đến là cần xóa bỏ những quan niệm sai lệch của người lớn về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Có nhiều phụ huynh lo ngại rằng, đội mũ bảo hiểm cho trẻ em sẽ gây ảnh hưởng đến đốt sống cổ của trẻ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh những tác động đó. Các chuyên gia nhi khoa thế giới đã khẳng định, hiện không có một dữ liệu chính thức nào kết luận phần cổ của trẻ em sẽ bị tổn thương nếu đội mũ bảo hiểm được thiết kế đúng quy chuẩn. Thậm chí, theo khuyến cáo của Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á, trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể đội mũ bảo hiểm khi cha mẹ cho lưu thông bằng phương tiện xe máy.

Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định tất cả người ngồi trên mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng Nghị định 100/2019 quy định về mức xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm loại trừ trẻ dưới 6 tuổi. Điều này khiến nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ dưới 6 tuổi thì không cần đội mũ bảo hiểm còn lực lượng chức năng gặp khó khăn khi xác định độ tuổi để xử lý hành vi này. Để gỡ khó, cần bổ sung quy định xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện chở trẻ dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho tất cả trẻ em khi ngồi trên xe máy.

Nhiều năm qua, Công ty Honda Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1. Qua đó, các em thích thích với những chiếc mũ được thiết kế phù hợp và làm quen với việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nếu có thêm được những chương trình như vậy sẽ mang lại nhiều ý nghĩa trong quá trình tuyên truyền, gửi gắm thông điệp về an toàn giao thông trong giáo dục.

Để những hoạt động tuyên truyền có thể chuyển biến thành ý thức tự giác, các nhà trường cần chú trọng hơn đối với việc nội dung về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nhằm giúp học sinh luôn ghi nhớ, hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy; kể cả khi phụ huynh có quên thì các em cũng nhắc nhở ông bà, cha mẹ nghiêm túc thực hiện.

 

Nguyễn Yên/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Ám ảnh câu chửi của quái xế “tránh ra cho bố mày đi”

Ám ảnh câu chửi của quái xế “tránh ra cho bố mày đi”

"Em đi bình thường thôi, rồi một đoàn xe đi sát người em, còn quát em là ‘đi gọn vào cho bố mày đi’, chúng chửi và quá ngông cuồng. Em và những người khác nữa cả già lẫn trẻ cứ phải nép lại cho đoàn xe đấy đi”, anh Quân chia sẻ.

Không thể để “quái xế” lộng hành

Không thể để “quái xế” lộng hành

Những tiếng rú ga, nẹt pô xuất hiện trở lại gần đây trên một số tuyến đường, thậm chí ngay giữa trung tâm lúc đêm về sáng, trở thành nỗi bất an, khiếp đảm với người tham gia giao thông!

Vì sao chưa cho phép người học lái xe ô tô tự học lý thuyết?

Vì sao chưa cho phép người học lái xe ô tô tự học lý thuyết?

Tại dự thảo nghị định quy định về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ GTVT đã cho phép người học lái xe máy có thể tự học lý thuyết, sau đó đăng ký kiểm tra và thi sát hạch, còn học lái xe ô tô thì vẫn phải học qua các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe.

Xe máy đi vào đường vành đai, cao tốc vì… không biết chữ

Xe máy đi vào đường vành đai, cao tốc vì… không biết chữ

Những ngày gần đây VOV Giao thông nhận được phản ánh của nhiều bác tài thường xuyên lưu thông trên Đại lộ Thăng Long và các tuyến vành đai về tình trạng xe máy vẫn ngang nhiên đi vào cao tốc, thậm chí còn đi ngược chiều, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ tác động đến kinh tế toàn cầu

Cả thế giới đang ngóng chờ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ và dù kết quả ra sao thì vẫn sẽ có những tác động nhất định đến kinh tế thế giới.

Vì sao cá chết hàng loạt ở Hồ Tây?

Vì sao cá chết hàng loạt ở Hồ Tây?

Thành phố nào cũng có những điều bí ẩn, những hiện tượng lặp đi lặp lại không thể tìm ra lời giải đáp. Với Hà Nội, có một điều bí ẩn ở Hồ Tây, đó là hiện tượng cá chết mùa thu.

Gia đình ở đâu khi để con chơi game thâu đêm, tụ tập đi “bão”?

Gia đình ở đâu khi để con chơi game thâu đêm, tụ tập đi “bão”?

Sau sự việc một người tử vong khi bị đoàn "quái xế" tông trúng khi đang đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, Hà Nội. Nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm của gia đình và người giám hộ ở đâu trong những vụ việc con trẻ chơi game thâu đêm, tụ tập đi “bão”?