TP.HCM gặp khó trong phân loại rác thải tại nguồn

TP.HCM mỗi ngày có khoảng 9.000 tấn chất thải các loại. Lượng rác thải này được xử lý chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp.

Đây cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Để giải quyết vấn đề này, thành phố đang tìm nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phân loại rác tại nguồn để tái chế. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

 
Nhiều xe thu gom rác ở TP HCM chưa đủ tiêu chuẩn. Ảnh: Tiến Dũng - VOV

Theo Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ban hành ngày 17/5/2019 của UBND TP.HCM, kể từ ngày 1/6/2019, người dân bắt đầu phân loại rác, sử dụng thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt.

Tuy nhiên, đến thời điểm này theo ghi nhận của phóng viên cho thấy, người dân còn khá thờ ơ, thậm chí nhiều nơi người dân còn chưa biết có quy định này:

- Cái đó thì không biết rồi, rác mỗi ngày ở nhà là người ta tới người ta gom rồi mình chỉ trả tiền tháng cho người ta thôi.

- Hiện tại gia đình tôi vẫn thu gom tất cả các loại rác vào chung một thùng rồi đến 5h chiều là để ra ngoài cho người ta thu dọn.

- Thông tin này thì cô chưa nắm được, nếu mà có thì mình nên tuyên truyền rộng rãi hơn.

Ở một góc nhìn tích cực hơn Chị Nguyễn Thị Giàu trên địa bàn Quận 12 TP.HCM đã chủ động phân loại rác theo từng loại vô cơ và hữu cơ riêng biệt trong suốt hơn 3 năm nay, chị chia sẻ: "Lúc đầu cũng chưa quen, nhưng sau thì cũng quen rồi, cái nào bỏ bên chất thải còn cái nào thì bỏ bên hữu cơ được".

Tuy nhiên, kể cả sau khi chị Hà cùng nhiều người dân khác có thay đổi được thói quen đi chăng nữa thì rác đã được phân loại cũng chuyển chở, tập kết lại một điểm và trộn cùng với nhau.

Bà Lê Thị Thu Nga, nhân viên trung chuyển rác cho biết: "Xe nào cũng ra đây lấy rồi đưa lên trạm Củ Chí, môi trường cũng xúc hết rác rồi đưa lên trạm như vậy thôi chứ còn đâu có phân loại".

Theo nhiều người dân, rác dù cho có phân loại thì sau đó cũng bị đưa về điểm tập kết và trộn với nhau. Ảnh: K.V

Theo ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng giám đốc nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar cho rằng việc phân loại rác tại nguồn thời điểm này là không khả thi, mặc cho người dân có ý thức chấp hành đi chăng nữa thì điểm đến của những rác thải đã được phân loại cũng là những bãi chôn lấp:

"Làm đâu có được đâu, những quận như quận 3 quận 1 phân loại tại nguồn; nhưng mà họ phân loại xong thì cũng đâu có xe để mà chuyên chở riêng đâu. Xong đem về trộn lại với nhau đem đi chôn, thế phân loại tại nguồn để làm cái gì?", ông Việt nói.

Trước thực trạng này, tiến sĩ Trần Thái Hà, Giảng viên khoa công nghệ sinh học, trường đại học mở TP.HCM nhận định, nếu muốn thay đổi được ý thức của người dân trong việc phân loại rác thải tại nguồn thì trước hết cơ quan có thẩm quyền cần tạo niềm tin cho người dân bằng việc rác được thu gom sẽ được chở đến những nơi cần được xử lý, tránh việc phát động theo kiểu phong trào như hiện nay.

Một giải pháp khác trong việc xử lý rác thải của Thành phố là xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Tuy nhiên đến thời điểm này những nhà máy thì nằm chờ thủ tục pháp lý trong mòn mỏi.

Giờ đây, hơn 9000 tấn rác thải mỗi ngày của thành phố vẫn xử lý bằng phương pháp chôn lấp là chính, thì việc hướng tới một thành phố xanh sạch đẹp là một điều hãy còn khá xa.