Tiết kiệm nước, đừng chần chờ

Thói quen lãng phí nước sinh hoạt có thể khiến nhiều khu vực, người dân ở cuối mạng lưới khó xoay sở vì không có nước để sử dụng. Điều này cũng gây áp lực lớn cho các đơn vị cấp nước và đe dọa an ninh nguồn nước của mỗi quốc gia.

Ảnh nh họa

Hà Nội mới chỉ bước vào mùa hè, chưa đến giai đoạn cao điểm nhưng nhiều khu vực trong đô thị đã phải đối mặt với tình trạng bị cắt nước hoặc cắt điện, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhiều gia đình, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ.

Mặc dù, từ nhiều năm nay, nhiều chiến dịch tuyên truyền về cần tiết kiệm nước, tiết kiệm điện đã  được thực hiện nhưng nguy cơ kép về thiếu điện, thiếu nước vẫn là nỗi lo canh cánh của các đô thị lớn vào mỗi dịp hè đến. Vậy cần làm gì để những thông điệp thực sự đi vào cuộc sống, không chỉ là khẩu hiệu mỗi khi có những sự kiện về môi trường?

Về phía các Công ty cấp nước, hàng năm, trước các giai đoạn cao điểm, cần thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chửa các nhà máy nước, thay thế bơm, thổi rửa giếng, nâng công suất để duy trì sản xuất, vận hành an toàn tối đa công suất các nhà máy nước; đồng thời thực hiện vận hành van, điều tiết cấp nước, lắp đặt bơm tăng áp di động, vận hành mạng lưới cấp nước… tránh để tình trạng thiếu nước xảy ra.

Các đơn vị cấp nước cũng cần lên các Kịch bản dự phòng các trường hợp sự cố xảy ra,  điều phối với các đơn vị khác cung cấp nguồn nước thay thế để đảm bảo nguồn cung nước cho người dân.

Trong trường hợp có sự cố về thiếu nước, hay chất lượng nước không đảm bảo cần sớm có thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo trực tiếp cho các khu vực bị ảnh hưởng để người dân chuẩn bị; bố trí đủ xe stéc phục vụ người dân trong trường hợp sự cố mất nước, đặc biệt đối với các khu vực ở cuối nguồn nước. Đồng thời, nhanh chóng có phương án khắc phục, sửa chữa kịp thời

Các đơn vị cấp nước cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị điện lực để có những phương án kịp thời trong trường hợp bị cắt điện.

 Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị trực tiếp việc giám sát hoạt động của các nhà máy cung cấp nước trên địa bàn cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện theo đúng Kế hoạch cấp nước cho mùa Hè năm 2023; kiểm tra đôn đốc kịp thời hoạt động của các đơn vị cấp nước, cân đối khả năng cấp nước của các đơn vị để có sự điều tiết kịp thời, linh hoạt giữa các khu vực, hạn chế thấp nhất tình trạng mất nước, cắt nước của người dân.

Sở Xây dựng cũng cần xây dựng những phương án dự phòng trong các trường hợp các đơn vị cấp nước gặp những sự cố bất ngờ và có giải pháp khắc phục

Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Cấp nước an toàn cấp tỉnh; Việc thành lập một Ban điều hành cấp nước tại các đô thị với sự tham gia của các bên liên quan cũng cần được tính đến.

Năm 2023, theo Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có thêm khoảng 60.000 hộ dân tại các khu đô thị mới. Sự phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng cấp nước không theo kịp tốc độ tăng dân số quá nhanh cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu nước. Do vậy, chính quyền thành phố cũng cần có những giải pháp quản lý, kiểm soát quá trình đô thị hóa, tránh sự phát triển quá nóng và không theo quy hoạch.

Về phía những người dân cần thay đổi thói quen sử dụng nước hàng ngày theo hướng tiết kiệm, sử dụng hiệu quả. Việc tận dụng nước rửa rau  thay vì sử dụng nước sạch, để tưới cây, vệ sinh sân vườn… cũng cần được khuyến khích.

Thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, nhiều sông ngòi bị ô nhiễm,  Nếu ngay từ bây giờ, mỗi người dân, các doanh nghiệp và các nhà quản lý nếu không thay đổi thói quen, ý thức sử dụng nước một cách tiết kiệm, an toàn thì trong thời gian tới, Việt Nam có thể đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch trong 10 năm tới.