Thu hút vốn hạ tầng hàng không: Cần xuất phát từ lợi ích của nhà đầu tư

Đầu tư hạ tầng hàng không là khoản đầu tư dẫn hướng, sẽ kéo theo hàng loạt lợi ích khác, đặc biệt là phát triển KT-XH, đầu tư, du lịch…cho địa phương, do vậy, việc thu hút đầu tư cần lấy xuất phát điểm từ lợi ích của nhà đầu tư, để họ thấy lợi ích lâu dài của mình trong quyết định đầu tư.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: Quân đội nhân dân

Đầu tư hạ tầng hàng không ở bất cứ quốc gia, hay địa phương nào cũng được coi là khoản đầu tư dẫn hướng. Đó là khoản đầu tư mà lợi ích thu về không chỉ từ ngành hàng không, mà còn kéo theo đó những lợi ích cộng hưởng, từ du lịch, bất động sản, dịch vụ, và việc làm…

Vì thế, không ngạc nhiên khi ngoài 28 cảng hàng không trong quy hoạch, các địa phương cũng không ngừng đề xuất các dự án xây dựng cảng hàng không mới. Tuy nhiên, không dễ để trả lời câu hỏi: Làm thế nào để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư cho lĩnh vực tốn kém này?

Trước hết, cần phải phân định kết cấu hạ tầng hàng không có 2 lĩnh vực: hạ tầng cất hạ cánh và hạ tầng dịch vụ hàng không.

Ở lĩnh vực hạ tầng dịch vụ hàng không, các nhà đầu tư dễ nhìn ra yếu tố hấp dẫn về lý thuyết khi đầu tư và khai thác dịch vụ đi kèm ở một ga hàng không. Tuy nhiên, trên thực tế câu chuyện thủ tục pháp lý quá phức tạp trong hoạt động hàng không là một rào cản không hề dễ vượt qua.

Đặc biệt là khi phần lớn các sân bay của chúng ta hiện nay là sân bay lưỡng dụng, phục vụ đồng thời hoạt động hàng không dân dụng và quốc phòng. Một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo dưỡng, đào tạo hàng không từng chia sẻ với tôi rằng: Rất nhiều năm nay không có bất cứ một cái hangar (nhà chứa máy bay) nào được xây mới, vì đơn giản là xin giấy phép xây dựng quá phức tạp.

Mặc dù vậy, so với việc đầu tư kết cấu hạ tầng đường băng cất hạ cánh thì sự hấp dẫn đã kém đi rất nhiều. Bởi thu phí hàng không không thể bù đắp được khoản đầu tư khổng lồ để xây dựng sân bay trong thời gian ngắn. Thời gian thu hồi vốn thường phải kéo dài từ 40 đến 50 năm. Nên, nếu chỉ đơn thuần là BOT sân bay thì không có nhiều doanh nghiệp đủ mặn mà đầu tư khi mà lợi ích quá mong manh.

Như đã đề cập, đầu tư hạ tầng hàng không là khoản đầu tư dẫn hướng, sẽ kéo theo hàng loạt lợi ích khác. Vì thế, để hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia vào xã hội hóa hạ tầng hàng không, nhà nước cần xuất phát từ điểm nhìn là lợi ích của các nhà đầu tư. Để nhà đầu tư nhìn thấy lợi ích khi quyết định đầu tư, chứ không phải tham gia với tâm thế chia sẻ gánh nặng về vốn với nhà nước.

Những lợi ích đó có thể là quyền được khai thác trọn gói sân bay, bao gồm dịch vụ đi kèm, không bị chia năm xẻ bảy, một người đầu tư, nhưng khi khai thác thì quyền lợi lại phải san sẻ cho nhiều người.

Lợi ích đó cũng có thể là quyền được tiếp cận các cơ hội được hưởng lợi từ giá trị mà hạ tầng hàng không mới đem lại cho địa phương. Như đất đô thị sân bay, các dự án du lịch mới…

Lợi ích đó cũng có thể là thời hạn khai thác hạ tầng hàng không đủ lâu để doanh nghiệp có thể yên tâm theo đuổi các chiến lược đầu tư dài hạn của mình.

Đầu tư hạ tầng hàng không là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để tạo nên cơ hội phát triển cho một địa phương, nhất là các địa phương có địa hình xa xôi, cách trở, khó tiếp cận. Nhưng để có vốn đầu tư trong khi nguồn lực của nhà nước có hạn, các nhà đầu tư cần được thuyết phục rằng họ có những lợi ích cụ thể từ sự phát triển đó của địa phương.

Xã hội hóa hạ tầng hàng không là câu chuyện lợi ích của tất cả các bên tham gia được trình bày một cách nh bạch, không phải một hành động từ thiện hay những cú bắt tay trong bóng tối.