Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Quản lý an toàn thực phẩm: Xin đừng buông lỏng

Hà Hương: Chủ nhật 12/05/2024, 20:43 (GMT+7)

Thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm với mức độ phức tạp ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người. Đáng chú ý có những vụ việc liên quan đến thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tự phát, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng.

Anh Trần Minh Tuấn, 29 tuổi, một nhân viên marketing làm việc tại thành phố Cần Thơ. Vì lịch trình công việc dày đặc, không có thời gian nấu ăn tại nhà nên anh thường lựa chọn ăn nhanh tại các hàng quán gần công ty. Như một thói quen, bữa sáng, trưa hay chiều anh đều ưu tiên cho sự tiện lợi, nhanh chóng.

Khi được hỏi về chất lượng bữa ăn, anh chỉ có thể đưa ra nhận xét dựa trên khẩu vị, còn sự an toàn thì đành bỏ ngõ: Thông thường đi làm mình cũng không có điều kiện mang cơm theo, đa phần mình chọn quán vỉa hè hoặc các quán xung quanh để ăn cho nhanh. Khi nghe thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm mình cũng hơi lo, hoang mang. Mình cũng không biết cách nào để kiểm tra những bữa ăn của mình an toàn.

Tương tự anh Tuấn, rất nhiều người ngày ngày vẫn lựa chọn “lắp đầy” dạ dày” bằng các món ăn đường phố nhưng cũng không hề để tâm, hoặc rất ít khi ngờ vực về vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm. Câu chuyện này chỉ trở nên nóng hơn khi có những vụ việc ngộ độc khiến hàng trăm người phải nhập viện điều trị.

Một trong số đó là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra mới đây ở phường Xuân Bình, TP. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai khiến 568 người phải nhập viện; trong đó có 12 ca bệnh nặng được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, một ca bệnh nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Những nạn nhân này đã có dấu hiệu tiêu chảy, nôn ói sau khi ăn bánh mì tại một tiệm đã có nhiều năm kinh doanh trên địa bàn. Kết quả kiểm tra ban đầu, cơ sở nêu trên bán bánh mì thịt bao gồm: bánh mì, pate tự làm, chả lụa, thịt nguội, thịt heo, dưa muối chua tự làm, nước sốt tự làm. Trong ngày 30/4, tiệm này đã bán hơn 1.100 ổ bánh mì.

Lãnh đạo UBND TP. Long Khánh (Đồng Nai) thăm hỏi các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (ảnh: TTXVN)

Lãnh đạo UBND TP. Long Khánh (Đồng Nai) thăm hỏi các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (ảnh: TTXVN)

Điều đáng nói là tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh ở địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh. Theo đại diện cơ sở bánh mì, nguồn nguyên liệu thực phẩm dùng để chế biến bánh mì được lấy từ nhiều nơi.

Cũng trong những ngày đầu tháng 5, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận điều trị cho trường hợp một bệnh nhi nam 9 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốt cao, ói 8 lần, tiêu lỏng, không đau bụng. Theo người nhà bệnh nhi, trong trường còn có 6 học sinh khác cũng bị sốt, ói sau ăn trưa cùng ngày với mỳ sốt cà chua ở trường. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, không mất nước, viêm họng cấp, ngộ độc thực phẩm.

Theo các chuyên gia, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, đặc biệt trong khoảng từ nhiệt độ từ 37 – 40 độ C là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh. Trong khi đó, nhiều hàng quán bày bán thức ăn ngoài trời, không che đậy, nhiệt độ tăng cao mà thực phẩm lại không được bảo quản phù hợp, dễ dẫn tới tình trạng thực phẩm bị ôi thiu, nguy cơ ăn vào ngộ độc cao.

Liên quan vấn đề này, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo người tiêu dùng cần kiểm tra thực phẩm trước khi ăn. Trường hợp người dùng xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn nói, tiêu chảy, sốt thì nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Nếu nhẹ thì có thể uống thuốc điều trị ngoại trú, nặng thì nhập viện kịp thời.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cũng có thêm những lưu ý với các trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc thực phẩm: Nếu trẻ bị ói nhiều, tiêu chảy nhiều thì vấn đề quan trọng nhất là mất nước. Chúng ta phải nhanh chóng bù nước cho cháu. Nếu ở nhà có sẵn dung dịch Orezol thì cho trẻ uống, nếu không có thì cho uống nước lọc. Dù uống có giảm triệu chứng hay không thì vẫn phải đưa trẻ đến bác sĩ. Tại đây sẽ được khám kỹ, kiểm tra tình trạn sức khỏe của trẻ diễn tiến ra sao. Không được giữ trẻ ở nhà vì chẳng may trẻ rơi vào cái giai đoạn nhiễm trùng máu và sốc nhiễm trùng thì nguy cơ tử vong sẽ rất là cao.

Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bên cạnh sự cảnh giác của người tiêu dùng thì không thể thiếu được vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan ban ngành. Qua đó kịp thời phát hiện, xử lý, răn đe các trường hợp vi phạm. Tại Thành phố Cần Thơ, trong năm 2023, trên địa bàn có gần 6.800 cơ sở được thanh tra, hậu kiểm, trong đó 95% cơ sở đạt chuẩn và có đến 45 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, tổng tiền xử phạt gần 400 triệu đồng. Các số liệu này cho thấy sức khỏe của cộng đồng vẫn từng ngày từng giờ đối mặt với nhiều rủi ro, bởi không hề dễ dàng để người tiêu dùng có thể nhận biết các loại nguyên liệu, thực phẩm bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ngộ độc.

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tại Thành phố Cần Thơ, từ 15/4-15/5, toàn Thành phố sẽ triển khai đa dạng các hoạt động trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024, với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Trên cơ sở đó, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đề nghị sở, ban ngành thành phố, UBND quận,huyện tăng cường truyền thông theo hướng phù hợp với từng đối tượng, nội dung, hình thức đa dạng. Đơn vị quản lý chuyên ngành an toàn thực phẩm cũng cần tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Ông Trần Việt Trường nhấn mạnh: Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến thực phẩm thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; Đảm bảo công tác chủ động giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm; Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, các sự kiện tập trung đông người, nơi công cộng, mua bán đường phố cũng phải đảm bảo vệ sinh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tránh những thủ tục rườm rà cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết nghĩ đây không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay đơn vị nào mà đó phải là nhiệm vụ chung của cả cộng đồng, là ý thức của doanh nghiệp của người cung ứng thực phẩm và cả người tiêu dùng.

Xin đừng thờ ơ

Không thể phủ nhận văn hóa ẩm thực Việt rất đa dạng, trong đó phải kể đến ẩm thực đường phố. Những xe bún riêu, những gánh bánh mì thịt, những quầy xôi đủ màu sắc… luôn tạo được một sức hấp dẫn đặc biệt. Không chỉ bắt mắt về hình dạng, hấp dẫn về hương vị mà những món ăn đường phố này còn rất tiện lợi khi người mua chỉ cần dừng xe đứng đợi vài ba phút là món ngon đã tới tay.

Đó cũng là lý do ở các thành phố hay thị trấn, không khó để bắt gặp hình ảnh những xe bán thức ăn, nước uống hay bánh ngọt với rất đông khách hàng vây quanh chờ đợi dù là buổi sáng, trưa hay chiều tối.

Hiển nhiên, việc nở rộ các hình thức kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ này đã đặt ra bài toán khó cho các cơ quan quản lý trong công tác thanh, kiểm tra. Và nếu các cơ quan cũng thờ ơ, buông lỏng công tác quản lý thì có lẽ người tiêu dùng cũng chỉ còn biết đặt sự may rủi của mình vào “cái tâm”, sự làm nghề tử tế của người bán.

Nói như vậy không có nghĩa là tất cả trách nhiệm đều quy về cho các cơ quan quản lý, mà trước tiên phải nhìn nhận rằng rất nhiều người trong chúng ta khó tính trong khẩu vị nhưng lại rất xề xòa về chất lượng thực phẩm, nguyên liệu, thậm chí còn không mấy để tâm đến nguồn gốc, xuất xứ hay khâu bảo quản. Có những sạp thịt được bày bán giữa trời nắng nóng, ruồi bâu quanh nhưng với mức giá phải chăng, các chị em nội trợ vẫn ưu tiên lựa chọn mang về chế biến cho bữa cơm gia đình mà không hề có bất kỳ sự lo lắng hay ngờ vực.

Rõ ràng, tâm lý ham rẻ, xề xòa trong thói quen lựa chọn thực phẩm chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cụ ngộ độc. Khi đề cập đến khía cạnh này, có thể nhiều người cho rằng “bao năm nay tôi vẫn đi chợ và lựa chọn những thực phẩm giảm giá, bình dân như vậy nhưng có sao đâu”. Thật ra đó là chưa có sao, còn chuyện tương lai không ai dám nói trước.

Bên cạnh đó cũng phải nhấn mạnh là không phải thực phẩm giá rẻ mới có nguy cơ nhiễm khuẩn, gây các vụ ngộ độc mà bất kỳ loại thực phẩm nào nếu không có nguồn gốc rõ ràng, không được kiểm định thì đều tiềm ẩn nguy cơ. Nhắc đến điều này để thấy sự hiểu biết, ý thức và vai trò của các cơ sở kinh doanh là vô cùng quan trọng. Để có được thực phẩm chất lượng thì nguyên liệu đầu vào cũng cần chất lượng, và hơn ai hết, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh là người quyết định.

Đừng để đến khi những vụ việc nghiêm trọng xảy ra mới truy tìm nguồn gốc thì khi ấy không khác gì “mò kim đáy bể”. Xin hãy nhớ rằng nếu chỉ kinh doanh vì lợi nhuận mà chấp nhận đánh đổi sức khỏe người tiêu dùng thì đó là coi thường tính mạng con người.

 

Hà Hương/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Đã 1 tuần kể từ khi nút giao phố Minh Khai - Ngõ 349 Minh Khai - Lối vào Bệnh viện Vinmec Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được tổ chức lại giao thông. Hiện tượng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt theo hướng từ cầu Vĩnh Tuy hướng vào trung tâm thành phố đã có sự chuyển biến khá tích cực.

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

Lửa kèm khói bốc lên từ 1 quán bar trên đường Lý Tự Trọng cách chợ Bến Thành không xa…

Làm luật để “hoãn”

Làm luật để “hoãn”

Khi một quy định được ban hành nhưng không thể thực thi, chúng ta đều biết hậu quả sẽ là sự khinh nhờn luật lệ. Vì thế, việc đưa ra nhiều quy định pháp luật mà không tính toán được khả năng thực thi, chính là cách để làm giảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Hà Nội có hơn 100.000 người khuyết tật, nhưng số lượng người khuyết tật trực tiếp tham gia giao thông nói chung và xe buýt nói riêng rất thấp, đặc biệt là những người khuyết tật vận động. Vậy đâu là lí do khiến người khuyết tật ngại hòa nhập cộng đồng?

TP.HCM: Mong thoát cảnh kẹt xe khi Quốc lộ 13 được đầu tư 20.000 tỷ

TP.HCM: Mong thoát cảnh kẹt xe khi Quốc lộ 13 được đầu tư 20.000 tỷ

Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.HCM chỉ dài gần 6km nhưng suốt hai thập kỷ qua chưa thể mở rộng, trong khi đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đang triển khai thi công mở rộng lên 6 - 8 làn xe.

Metro số 1 chạy thêm tàu đêm đến 23h, ga Bến Thành vẫn đông vào buổi sáng

Metro số 1 chạy thêm tàu đêm đến 23h, ga Bến Thành vẫn đông vào buổi sáng

Trước nhu cầu tăng cao của hành khách dịp Giáng sinh, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) cho biết, công ty đã kéo dài thời gian chạy tàu hoạt động đến 23h (thêm 1 tiếng so với trước đó). Hơn 90 nghìn lượt khách sử dụng tàu Metro số 1 trong ngày 24/12 với bình quân 411 hành khách/đoàn tàu.

Mong chờ một diện mạo mới của du lịch đường sông

Mong chờ một diện mạo mới của du lịch đường sông

Du lịch đường sông đang nổi lên như một loại hình dịch vụ quan trọng của ngành du lịch ĐBSCL khi vùng sở hữu thế mạnh sông nước với 28.000 km đường thủy. Mới đây nhất, cú bắt tay giữa TP.HCM và ĐBSCL đã “phác họa” được 22 tuyến và 4 trung tâm trung chuyển hành khách để phát triển ngành du lịch.