Anh Lê Đức Toản, ở Xã Đàn, Hà Nội, có lộ trình đi làm mỗi ngày qua nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch. Từ khi cầu vượt chữ C thông xe, việc di chuyển của anh thuận lợi hơn rất nhiều, tiết kiệm khoảng 15 phút đồng hồ:
"Đi lại các tuyến phố rất là nhanh, thông thoáng. Trước rào chắn cấm đường, đi từ Phạm Ngọc Thạch sang Tôn Thất Tùng vòng vèo, mất thời gian lắm. Nhà nước làm được nhiều thì người dân đi lại cảm thấy thuận tiện", anh Toản nói.
Dự án cầu vượt nối từ đường Phạm Ngọc Thạch sang Chùa Bộc chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30/6/2023. Cầu vượt chữ C đầu tiên tại Hà Nội đã giúp nút giao này “hạ nhiệt”, thông thoáng và không còn tình trạng ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.
Tuy nhiên, một số bất cập đã nảy sinh. Theo khảo sát của phóng viên VOV Giao thông, trong khung giờ cao điểm chiều từ 17h - 18h, ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch thông thoáng nhưng trên cầu vượt, dòng xe ùn dài từ giữa cầu đến nút đèn tín hiệu ở Học viện Ngân hàng. Ngoài ra, các điểm dừng xe buýt nằm ngay bên hông lối lên và xuống cầu vượt cũng gây xung đột giao thông, khi xe buýt ra vào điểm đón trả khách cắt dòng phương tiện khác.
Một số người dân sinh sống quanh khu vực cho biết:
"Đoạn dưới cầu đi xuống tắc nhiều hơn, hầu như chiều nào cô đi cũng bị tắc. Thông cầu, người ta không bị tắc ở ngã tư kia, sang đây thì đường quá bé, thành ra là ùn từ cầu xuống đây. Dưới kia tắc là họ nhảy hết lên vỉa hè để đi, vỉa hè ở đây sẽ hỏng và người đi bộ gặp nguy hiểm".
"Kể ra làm dài thêm chút nữa thì tốt, qua ngã tư thì tốt hơn là để gần đầu ngã tư. Ở đây có nhiều trường học gây ùn tắc, bây giờ nghỉ hè còn đỡ nhưng khi các cháu đi học, tầm 4 rưỡi - 5h cũng nên có một vài đồng chí ra đây giải tỏa".
Chuyên gia giao thông, TS. Khương Kim Tạo đánh giá, các công trình giao thông trọng điểm như cầu vượt chữ C có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nên tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để tìm ra phương án tổ chức giao thông tối ưu, giảm ùn tắc tại các nút giao lân cận:
"Trên cầu vượt đi xuống mà gặp đèn tín hiệu ở Học viện Ngân hàng thì dòng xe sẽ phải dừng lại. Thời gian dừng ảnh hưởng rất nhiều năng lực thông hành của dòng xe đấy. Tôi nghĩ chúng ta thử điều chỉnh, đóng dải phân cách lại, người tham gia giao thông chỉ có thể rẽ phải vào Học viện Ngân hàng, không được rẽ trái, như vậy sẽ đảm bảo dòng phương tiện lưu thông tốt hơn", TS Khương Kim Tạo cho biết.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Hà Nội cần tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để giải quyết tình trạng ùn tắc. Theo quy hoạch, khi đường Tôn Thất Tùng được mở rộng, thành phố sẽ xây dựng bổ sung nhánh cầu trên đường Tôn Thất Tùng và khớp nối với nhánh Phạm Ngọc Thạch bằng cách mở rộng mặt cầu thêm 1,5m, tạo thành cầu vượt chữ Y hoàn chỉnh./.