Dù ở Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào khác, đăng kiểm phương tiện đều nhằm mục đích đảm bảo các phương tiện đạt các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, khí thải, hoặc cả hai. Nhiều quốc gia có đặc điểm chung đó là thời điểm đăng kiểm lần đầu thường được kéo dài.
Như tại Nhật Bản, thời hạn đăng kiểm lần đầu đối với xe mới là sau 3 năm. Sau 3 năm đầu, xe sẽ phải đăng kiểm 2 năm/lần. Điểm độc đáo của việc đăng kiểm, hay còn được gọi là Shaken tại Nhật Bản, đó là các tài xế không lập tức đến cơ quan đăng kiểm, mà có thể lựa chọn kiểm định tại các garage tư nhân.
Tại đây, xe của họ sẽ được kiểm tra và thực hiện các công đoạn cần thiết để đảm bảo chiếc xe phù hợp điều kiện đăng kiểm, nhờ đó tiết kiệm thời gian xếp hàng và làm thủ tục tại cơ quan đăng kiểm.
Nếu các xe đã bị thay đổi và không đạt tiêu chuẩn, sẽ bị dán một tem đỏ với chữ màu vàng kèm ngày được xác định không phù hợp tham gia giao thông.
Chi phí cho toàn bộ công đoạn đăng kiểm ô tô tại Nhật Bản có thể nói là khá tốn kém. Theo Inside Japan, một chiếc ô tô sẽ phải tốn ít nhất 1 nghìn đô-la Mỹ, chưa bao gồm chi phí sửa chữa, bảo dưỡng để xe đủ điều kiện đăng kiểm.
Ông Richard, một người đã sinh sống và làm việc tại Nhật Bản hơn 20 năm chia sẻ: “Chi phí để làm đăng kiểm cho một chiếc xe tại Nhật Bản thực sự rất sốc. Chỉ riêng chi phí cho giấy tờ và thủ tục tại cơ quan đăng kiểm đã khoảng 200 đô-la. Còn việc kiểm tra, sửa chữa để đủ điều kiện đăng kiểm, nhiều garage xe có thể chặt chém, khiến bạn tốn nhiều tiền hơn nữa”.
Còn tại đảo quốc sư tử Singapore, tương tự với Nhật Bản, thời hạn đăng kiểm lần đầu đối với xe mới là sau 3 năm kể từ khi mua xe, sau đó là 2 năm/lần. Với xe có 10 năm tuổi trở lên, việc kiểm định bắt buộc phải thực hiện hàng năm. Nếu chủ xe từng có vi phạm như thay đổi hệ thống động cơ hay ống xả, nói cách khác là đã từng bị phạt do hành vi “độ” xe, tần suất kiểm định bắt buộc còn ngắn hơn.
Cụ thể, người vi phạm lần thứ hai sẽ phải mang phương tiện đi kiểm định 6 tháng/lần trong vòng 2 năm; người vi phạm từ lần thứ ba trở đi sẽ phải mang xe đi kiểm định 3 tháng/lần cũng trong vòng 2 năm.
Chi phí cho 1 lần kiểm định là 64 đô-la Singapore. Nếu kiểm định lần đầu không đạt yêu cầu, chi phí cho các lần sau là 32 đô-la. Chủ xe sẽ được thông báo thời hạn mang xe đi kiểm định trước 3 tháng. Các trung tâm kiểm định tại Singapore không nhận đặt lịch hẹn trước, tuy nhiên việc kiểm định diễn ra nhanh chóng do quy trình được thực hiện tự động hoàn toàn, chỉ mất 15 phút.
Singapore cũng là quốc gia có quy định kiểm định khá nghiêm ngặt. Theo Cục giao thông đường bộ Singapore, phương tiện công cộng như xe buýt phải được kiểm định hàng năm. Xe taxi còn nghiêm ngặt hơn khi phải kiểm định 6 tháng/lần. Xe máy hay xe scooter cũng phải được đem đi kiểm định hàng năm.
Một tài xế xe máy tại Singapore chia sẻ: “Bạn “độ” xe càng nhiều thì tỷ lệ thành công khi đăng kiểm càng thấp. Những dạng độ xe mang tính thẩm mỹ như gương hay kính chắn gió sẽ không bị đánh giá nhiều bởi kiểm định viên. Nhưng nếu độ động cơ hay thứ gì đó khác liên quan tới khả năng vận hành của xe thì chắc chắn xe của bạn sẽ trượt kiểm định”.
Đến với nước Anh, việc kiểm định xe tại quốc gia này được thực hiện các bài kiểm tra của Sở GTVT, hay còn gọi là bài kiểm tra MOT. Giống như 2 quốc gia vừa nêu, thời hạn kiểm định lần đầu của xe ô tô tại Anh là 3 năm. Tuy nhiên sau đó sẽ phải được kiểm định thường niên.
Mức phạt dành cho các phương tiện không thực hiện đúng hẹn bài kiểm tra MOT rất nặng, là 2.500 bảng Anh và trừ 3 điểm trong bằng lái nếu bị phát hiện.
Các bài kiểm tra MOT sẽ được thực hiện tại các trung tâm được cấp phép. Và điểm đặc biệt là các trung tâm này có thể điều chỉnh chi phí của bài kiểm tra. Dù chi phí chính thức là vào khoảng 55 bảng Anh, nhưng nhiều trung tâm có các đợt giảm giá.
Trong trường hợp phương tiện trượt bài kiểm tra MOT, tùy vào mức độ nghiêm trọng mà sẽ có cách xử lý phù hợp. Với mức nghiêm trọng nhất, phương tiện sẽ bị giữ lại tại trung tâm để khắc phục, sửa chữa và đương nhiên chủ xe phải chi trả cho các khoản đó. Còn nếu nhẹ hơn, chủ xe có thể mang xe về để khắc phục và đem xe quay trở lại kiểm định theo lịch hẹn trước.
Một tài xế tại Anh chia sẻ: “Thường bạn sẽ có tối đa 10 ngày để khắc phục những lỗi mà trung tâm kiểm định phát hiện ra. Đến ngày kiểm tra lại, họ sẽ chỉ kiểm tra lại đúng những lỗi đó, và thường việc này sẽ không tốn phí. Tuy nhiên, do mỗi trung tâm đều có chính sách riêng nên bạn cần hỏi kỹ trước khi làm bài kiểm tra”.
Có thể thấy, so với nhiều quốc gia, các quy định về đăng kiểm của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý. Trước những khó khăn mà ngành kiểm định đang vấp phải, theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần thay đổi tư duy về kiểm định xe mới và thời hạn đăng kiểm ô tô tại Việt Nam.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, việc yêu cầu kiểm định 6 tháng/lần sau 12 năm sử dụng thực sự không cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chỉ cho giãn thời hạn của chu kỳ kiểm định xe khi có chiến tranh, dịch bệnh. Khi xây dựng các quy định, cơ quan chức năng chưa lường được tình huống bất bình thường như hiện nay nên chưa có cơ sở pháp lý để đề xuất.
Ngoài ra, việc “tư nhân hóa” hoạt động đăng kiểm xe cơ giới cũng là chủ đề được nhiều người đề cập. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần phải thiết lập hệ thống quy chuẩn, quy trình cụ thể về hoạt động kiểm định tại các garage tư nhân để đảm bảo các sai phạm của các trung tâm đăng kiểm trước đây sẽ không lặp lại.