Thành phố tôi yêu: Xả rác nơi công cộng, câu chuyện chưa hồi kết

Những khái niệm hay các biển cấm “Không xả rác bừa bãi!”, “Hãy bỏ rác vào thùng!” đã trở thành điệp khúc quen thuộc tại những nơi công cộng. Nhưng khẩu hiệu là vậy, nhiều người vẫn đi đến đâu vô tư xả rác đến đó.

Vứt rác bừa bãi nơi công cộng trở thói quen xấu khó thay đổi. (Ảnh: Zing)
 

Xả rác nơi công cộng - câu chuyện chưa có hồi kết

Trong tiết trời lạnh giá này của Hà Nội, nếu có ai đó muốn đi ra đường hóng gió sau giờ tan ca thì đó chắc chắn là giới trẻ. Đây là địa điểm quen thuộc của các bạn trẻ mỗi buổi tối, càng đông hơn vào dịp cuối tuần, gặp gỡ chuyện trò bên bờ Hồ Tây và không thể thiếu đồ ăn thức uống mua từ cửa hàng tiện lợi.

Nilon, hộp xốp, nhựa một lần, chai lọ... cái gì cũng có ở đây. Và như một thói quen, các bạn sẽ để lại những thứ đó sau mỗi lần đứng dậy:

 

Ở những khu có bậc ngồi view ra hồ tụ tập nhiều người. Còn đồ ăn vặt phong phú lắm. Những gì tàn phá thiên nhiên con người sẽ gánh chịu. Trên thực tế mình vẫn xả, lý thuyết chỉ là lý thuyết thôi.  

Nhất là ngồi chỗ bậc thang kia em thấy khá nhiều rác. Cái đấy do ý thức thôi. Nhiều người nghĩ vứt đấy có người dọn. 

Thực ra các bạn trẻ này nói đúng về việc một ngày hai lần sẽ có người phụ trách thu gom rác thải ngang qua khu vực này. Nhưng hãy nhớ là "thu gom" chứ không phải nhặt từng loại rác. Và thêm nữa, các bạn trẻ tụ tập tới cả trăm người nhưng chỉ có một nhân viên công ty CPMT Tây Đô dọn mà thôi: 

 

Tôi đi từ ở đầu phố Từ Hoa khắp cả làng. Những buổi tối các cháu ngồi chơi bảo ăn uống thu gom vào túi nhưng họ đi chơi đêm ăn uống vứt. Ven hồ đông lắm.

Sau những buổi dọn rác không xuể và nhận ra không thể thay đổi ý thức của hàng trăm con người cùng lúc, người dân sống tại khu vực này đã phải sắm sửa cây cối bày dọc xung quanh bờ kè để các bạn trẻ không còn chỗ chơi, tự tìm đi nơi khác: 

 

Người ta bày thế cho sạch sẽ, ngồi đấy ăn uống vứt bừa rác, vứt cả xuống nước, ô nhiễm môi trường. Chủ nhà phải xây cái này cho khỏi ngồi. 

Đây mới chỉ là một trong số rất nhiều điểm vui chơi, giải trí của giới trẻ thủ đô. Chúng ta hẳn không quên hình ảnh ngập rác trên phố sau mỗi lễ hội, sau mỗi phiên chợ được tổ chức. Điều đáng buồn hơn nữa, không phải chỉ có giới trẻ mới vô tư như vậy. Bởi không khó để chứng kiến cảnh người dân xả rác bừa bãi ngay trên vỉa hè, lề phố, từ người ngồi trên xe gắn máy, xe ô tô, xe buýt, xe du lịch, đến người đi bộ hay người có nhà mặt phố.

Tới khi công tác giáo dục nâng cao nhận thức chưa mang lại kết quả, việc xử phạt chưa làm được thì chuyện xả rác bừa bãi nơi cộng cộng vẫn chưa có hồi kết.

Trong khi đó, tại Singapore, du khách người Việt được nhắc “tuyệt đối không ăn kẹo cao su và không xả bất kỳ loại rác nào ra đường phố, nơi công cộng”. Một phiếu phạt “nhớ đời” sẽ được chuyển đến tận tay bạn, dù cho bạn có đổ lỗi cho sự thiếu hiểu biết, hay kém văn hóa ứng xử của mình.

Đi xe đạp vừa là hình thức vận động thân thể, lại vừa bảo vệ môi trường. Ảnh nh họa

Đạp xe để bảo vệ môi trường

Trong khi vẫn có nhiều người "để quên" ý thức mỗi khi ra đường thì lại có những người sẵn sàng thay đổi thói quen chăm chút cho bản thân và môi trường xung quanh mỗi ngày, bằng việc lựa chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển hàng ngày thay cho ô tô xe máy.

Chị Ứng Linh trở về Hà Nội sau nhiều năm du học ở Phần Lan. Có một thói quen sống xanh chị không thể bỏ, đó là đi xe đạp trong thành phố. Mặc dù con đường từ phố Quang Trung, quận Hà Đông lên tới văn phòng chị làm việc ở tận phố Tạ Quang

Bửu không mấy thuận tiện cho việc ngắm cảnh, ngắm phố hay sống chậm. Và dù những ngày đông giá rét ở Hà Nội, đi xe đạp không mấy thuận tiện nhưng chị vẫn đạp xe mỗi ngày: 

 

Tôi thấy cuộc sống ở thành phố ít vận động nên quãng đường hơn 10 km không phải là dài. Thêm một lý do cá nhân đó là nếu đi xe máy tôi sẽ thấy chỉ thêm khói bụi cho thành phố nên tôi chọn đi xe đạp. Tôi thấy giờ nhiều người đi xe đạp hơn. 

Việc sử dụng xe đạp đi lại trong thành phố ngày càng phổ biến tại Hà Nội bởi sự tự do, linh hoạt và thân thiện với môi trường. Xe đạp sẽ “lên ngôi” vào những ngày thời tiết ủng hộ, đặc biệt khi không bị thúc giục về thời gian trong những ngày cuối tuần. Chị Lê Thu Trang, sống tại Hà Nội lựa chọn xe đạp làm phương tiện đi lại vì vừa khỏe mình, vừa khỏe cho môi trường:

 

Mình muốn có vóc dáng cân đối thì mình chọn xe đạp vì đây là bộ môn rèn luyện đơn giản, tiện lợi nhất. 

Cùng những cá nhân thay đổi thói quen để sống xanh mỗi ngày, ở Hà Nội có hơn 10 câu lạc bộ xe đạp, đủ mọi lứa tuổi thường xuyên gắn kết, duy trì thú vui đi xe đạp như: Tour de Five, Weekend city view, Cycling for environment... Một số CLB biến thú chơi của mình thành những hành động tuyên truyền sống xanh.