Thành phố tôi yêu: Nguồn cảm hứng từ dự án 'Share to Smile'

“Share to Smile - chia sẻ nụ cười” là một dự án đổi cây xanh lấy vỏ chai nhựa do một nhóm bạn trẻ tại TP.HCM triển khai nhằm lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường cho những người xung quanh.

Các thành viên nhóm Share To Sle tặng cây xanh và nhận lại chai nhựa đã qua sử dụng. Ảnh: Kim Anh - Báo Thanh niên

Mời các bạn nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Gom chai nhựa - tặng ngàn cây xanh

Trong hơn 2 năm hoạt động, đã có hàng ngàn cây xanh được trao đi và hàng chục ngàn vỏ chai nhựa được nhận về.

Phóng viên VOVGT đã có cuộc trao đổi với Bùi Hoàng Huy - người khởi xướng “Share to Sle”.

 

PV: Xin chào Bùi Hoàng Huy, từ đâu mà bạn có ý tưởng về “Share to Sle”?

Bùi Hoàng Huy: Khởi đầu, em mong muốn lan tỏa văn hóa chia sẻ trong cộng đồng. Vì hiện tại, mọi người rất khó khăn khi chia sẻ những giá trị hiện thực với nhau.

PV: Đến thời điểm này, nhóm đã có bao nhiêu thành viên và đã thu gom được bao nhiêu vỏ chai nhựa từ thông điệp của mình?

Bùi Hoàng Huy: Hiện tại nhóm em có gần 20 bạn và đã tặng được khoảng 4600 cây.

Mỗi bạn tới nhận cây sẽ mang theo 5 chai nhựa, nhưng cũng có nhiều bạn mang nhiều hơn con số đó. Ước tính tụi em đã thu về gần 25.000 vỏ chai nhựa. 

PV: Môi trường là một vấn đề khá nóng trong dư luận, nhưng đa phần không nhận được sự quan tâm từ những người trẻ. Vậy vì đâu bạn có nhận thức về sự thay đổi của môi trường và lan tỏa đến mọi người xung quanh?

Bùi Hoàng Huy: Thực ra vấn đề môi trường là sự quan tâm của rất nhiều người, em chỉ muốn góp một phần nhỏ là tạo thêm không gian xanh cho mọi người.

Hiện nay “Share to Sle” cũng có những dự án như dạy cho các bạn nhỏ trồng cây xanh ở Đường sách. Các em rất thích trồng cây, không chỉ mấy bạn nhỏ mà các phụ huynh cũng rất quan tâm và hỏi thêm về thời gian và cách tổ chức chương trình để có thể đưa con em đến vào những lần sau.

Mục đích của "Share to Sle" là lan tỏa thông điệp “Cho đi là nhận lại” trong cộng đồng sinh viên.  Ảnh: Kim Anh - Báo Thanh niên

PV: Để ý tưởng của mình được lan rộng nhiều hơn thì “Share to Sle” hay các dự án tương tự cần những yếu tố gì để có thể lan tỏa nhiều hơn?

Bùi Hoàng Huy: Em cho rằng nếu được sự chung tay của nhiều người thì mô hình sẽ được lan rộng nhiều hơn.

Chẳng hạn như mục đích ban đầu của nhóm em là mỗi người sẽ nhận 1 cây xanh (đã được nhóm lựa chọn và dễ dàng nhân giống) để có thể tự trồng trong những chai nhựa cho chúng phát triển; và sau đó tặng lại cho bạn bè, người thân của mình để lan rộng mô hình ra hơn. 

PV: Xin cám ơn Huy về cuộc trò chuyện này và hy vọng rằng “Share to Sle” sẽ có nhiều dự án phục vụ cho cộng đồng cũng như lan tỏa những thông điêp yêu thương trong thời gian tới!

Đầu tư điện mặt trời ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Nguyên Nga 

Phát triển điện mặt trời: Cần lưu ý xử lý pin hết hạn

Sau khi Chính phủ quyết định “cởi trói” và ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển thì Điện mặt trời đã có bước tăng trưởng “thần tốc” cả về các dự án lẫn công suất phát điện. Đây là một tín hiệu vui trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch dùng để phát điện ngày một cạn dần.

Điện mặt trời được coi là nguồn năng lượng sạch thay thế, nhưng pin mặt trời liệu có sạch không? Và những tấm pin sau khi hết hạn sử dụng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường? 

Theo giáo sư Trần Đình Long - phó chủ tịch Hội điện lực Việt Nam thì mỗi năm nước ta có hàng triệu tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt mới nhưng chưa ai biết chính xác được sau 20 hay 25 năm nữa số phận của những tấm pin này sẽ như thế nào?

 

Chúng cũng gần giống như các thiết bị điện tử hết hạn sử dụng, nếu mình xử lý không tốt thì những chất dùng để sản xuất các linh kiện này có thể gây tác động xấu tới môi trường.

Một tấm pin năng lượng mặt trời hiện nay có khoảng 95% thành phần không độc hại và có thể tái chế là nhôm, nhựa, silit, phần còn lại là các kim loại nặng như chì, cadium và thủy ngân. Ngoài ra quá trình sản xuất các tấm pin này còn làm tăng đáng kể lượng khí thải Nitrogen Trifluoride (NF3) - một tác nhân gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn carbon dioxide đến 17.200 lần. Một số ý kiến cho rằng, việc tái chế những tấm pin năng lượng mặt trời gặp khó khăn do các tấm pin này được lắp ráp bởi nhiều vật liệu khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Thịnh - Giám đốc tư vấn dự án công ty cổ phần Esco Solar thì không khó để xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi đã hết hạn sử dụng, bởi hầu hết vật liệu cấu thành linh kiện này đều có công nghệ tái chế phổ biến:

 

Tôi nghĩ rằng mọi sản phẩm sau khi hết vòng đời đều là rác, nhưng rác có tái chế được không thì còn tùy thuộc vào từng sản phẩm. Tôi nghĩ là không thể tái chế 100% nhưng có thể xử lý được trước khi đưa ra môi trường. Phần kim loại nặng vẫn có thể tái chế và trên thế giới các công nghệ tái chế đã rất sẵn có và đã đưa vào thực tế rồi. Vấn đề là chúng ta học hỏi những công nghệ có sẵn chứ không phải là đi sáng tạo các quy trình, công nghệ đó nữa.

Hầu hết vật liệu cấu thành linh kiện pin mặt trời đều có công nghệ tái chế phổ biến

Chia sẻ về công trình nghiên cứu của mình, PGS TS Võ Viết Cường - Khoa Điện điện tử - Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khẳng định lượng khí thải trung bình 1kwh điện 125gc/kwh (cách đọc: gam carbon trên kilooat giờ) , trong khi điện mặt trời chỉ thải ra dưới 10gc/kwh điện tiêu thụ. Điều này chỉ ra rằng dù không hẳn là sạch hoàn toàn nhưng điện mặt trời vẫn là một lựa chọn tích cực:

 

Không có gì là sạch hoàn toàn cả và điện mặt trời cũng sẽ có khí thải cũng như tác động đến môi trường. Ít nhất là chúng ta đã giảm được hơn 90% lượng khí thải nếu chúng ta dùng điện mặt trời thay thế cho điện truyền thống đang phát với các nguồn nguyên liệu hóa thạch như than, khí hay thủy điện. Đến giờ này các hãng lớn trên thế giới đều phải thu hồi về và tái chế ít nhất từ 70-95% các thành phần trong tấm pin. Đương nhiên là có tác động nhưng chúng ta cần hiểu rằng tác động đây là sự đánh đổi giữa 1 cái ít hơn rất nhiều so với cái hiện hữu đang rất lớn.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên được những chất vấn của nữ Đại biểu quốc hội Ksor H’Bơ Khắp với Tư Lệnh ngành Công Thương đầu tháng 11 vừa qua về “tương lai của các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi đã hết hạn sử dụng”.

Những trăn trở ấy là hoàn toàn có cơ sở, bởi đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ một quy chuẩn kỹ thuật cụ thể nào về tấm pin năng lượng mặt trời nào được ban hành. Không chỉ vậy vẫn chưa có một cơ sở pháp lý nào về việc phải thu hồi, xử lý hay tái chế các tấm pin đã hết giá trị sử dụng. 

---

Để nghe thêm hoặc nghe lại các số "Thành phố tôi yêu" trên các thiết bị di động, thính giả của Kênh VOVGT có thể truy cập các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ một trong các cụm từ khoá: Thành phố tôi yêu, VOVGT, VOV giao thông.