Thản nhiên xả rác dù đã có biển cấm

Chúng ta dễ dàng bắt gặp các biển báo cấm như: cấm tụ tập buôn bán, lấn chiếm lòng lề đường; cấm bán hàng rong; cấm đổ rác, thậm chí là cấm tiểu tiện, đại tiện; cấm phóng uế nơi công cộng... Nhưng nghịch lý là càng cấm người ta càng làm, có khi làm lén lút, cũng có khi làm rất công khai.

Dạo một vòng quanh tại các tuyến đường, khu dân cư ở tỉnh Hậu Giang, không khó gặp những bãi rác mọc lên kiểu tự phát... Cách đó không xa, những biển báo cấm đổ rác dù được chính quyền địa phương cắm dọc theo tuyến đường rất lâu, tuy nhiên, dường như “càng cấm lại càng xả”.

Điển hình như tuyến đường tỉnh 925, các bãi đất trống "nghiễm nhiên" trở thành bãi rác của người dân. Lâu ngày, những bãi rác tự phát này chất thành đống, mùa nắng thì còn đỡ, còn khi mưa xuống, nước từ rác cộng với nước mưa chảy ra đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người đi qua ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Chứng kiến tình trạng rác vứt bừa bãi, một người dân bức xúc: "Ý thức người dân cũng không có tốt đâu, tại vì ở đâu không biết nữa. Bên kia cầu chạy qua bỏ cái rồi chạy đi, còn địa phương này là ít ai bỏ lắm. Tại vì bên đây có người xe rác của địa phương lấy hết trơn hà.

Không ai chấp hành cái chuyện đó hết trơn, bỏ cái đi, chứ địa phương này là không có để. Để cái bảng cấm đổ rác mà mấy cái xe này lại đây bỏ thành ra hỏng biết sao mà nói. Nếu dẹp được bãi rác này tụi tui ăn mừng. Hồi đó chưa có bảng cấm, số lượng để rác rất là ít, khoảng nửa tháng xe rác lại lấy, còn ít hơn số này, ít xịu hà, còn bây giờ có bảng cấm cái để đầy hết trơn."

Ảnh nh họa: Báo Lao động

 

Thực tế cho thấy chỗ nào có biển “Cấm đổ rác”, thế nào cũng có ít nhất vài ba túi rác, nhiều thì cả đống vứt ngay dưới chân biển cấm đó. Điều lạ ở chỗ, dù thùng rác được đặt cách đó không xa và cũng còn trống thế nhưng, nhiều người tiện tay là vứt rác ngay bên cạnh hoặc bên ngoài thùng. Lý giải điều này, một số hộ dân cho biết, có lẽ do trước khi được đặt biển báo cấm thì những nơi này đã hình thành một bãi rác, và theo thói quen, người ta vẫn cứ đổ rác.

Bên cạnh đó, một phần do ý thức kém nên dù có hay không có biển cấm thì người ta vẫn cứ việc xả rác. Lý do nữa là thường thùng rác công cộng chỉ được đặt ở một số điểm nhất định và thường xa, mà nhiều người lại ngại đi xa nên quen chỗ nào cứ đổ chỗ đó. Vì vậy, cấm cứ cấm, rác cứ đổ.

Một người dân sống dọc tuyến đường tỉnh 925 bày tỏ: "Mấy khúc trống trống nhà hoang người ta vứt đại, người ta liệng đâu người ta liệng chứ còn của chị, chị bỏ đằng trước rồi người ra gom lại."

Thường thùng rác công cộng chỉ được đặt ở một số điểm nhất định và thường xa, mà nhiều người lại ngại đi xa nên quen chỗ nào cứ đổ chỗ đó. Ảnh nh họa: Tạp chí KTMT

Để giải quyết tình trạng này, nên chăng cơ quan vệ sinh môi trường và đô thị nên đặt thêm những thùng rác nơi công cộng, kết hợp thu tiền vệ sinh để bố trí người thu gom rác, xử lý đúng nơi quy định. Chính quyền cũng tăng cường giáo dục, thuyết phục để từng bước thay đổi nhận thức của người dân.

Bởi thực tế là cấm biển đổ rác, tuyên truyền, thậm chí là xử phạt vi phạm hành chính nhưng hành vi vứt rác bừa bãi vẫn tiếp diễn. Khó vì lực lượng chức năng mỏng, nhận thức của một số người dân vẫn còn những hạn chế nhất định nên những tấm bảng báo cấm dường như không đủ tác dụng răn đe.

Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, thông tin: "Bắt một lần phạt 2,2 triệu - 2,5  triệu, phạt một lần rồi đó, khổ một cái không phải trên địa bàn khu vực anh, đâu ở bên kia, chạy trên xe, qua quăng, cái khó người dân thải ban đêm, bắt một người rất cực. Nói chung chủ yếu mình tuyên truyền, họp dân, vận động người ta đăng ký cho công ty vệ sinh môi trường thu gom rác."

Vẫn biết rằng, việc thay đổi thói quen vốn không dễ; thay đổi sự tùy tiện lại càng khó hơn. Do vậy, ngoài chuyện “cấm” thì việc tăng cường kiểm tra, xử phạt nặng và phải làm đến nơi đến chốn để thay đổi thói quen “sạch nhà, dơ đường” của một bộ phận người dân.