Tận dụng vảy cá làm đồ trang trí

Trong một lần tình cờ nhìn thấy vẻ đẹp lấp lánh của những vảy cá rơi vãi dưới nền nhà, anh Ngọc Biết và chị Như Quỳnh, đã quyết định dùng những loại phế phẩm tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi này biến thành những bức tranh treo tường đầy màu sắc và hoa trang trí.

Trải qua 6 năm chật vật để hoàn thiện sản phẩm đến thời điểm này các tranh cũng như các vật dụng trang trí làm từ vảy cá của anh chị đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Xuất thân từ vùng biển Phú Yên, anh Ngọc Biết và chị Như Quỳnh trong một lần tình cờ nhìn thấy những vảy cá lấp lánh dưới ánh nắng. Từ đó anh chị đã nảy sinh ý tưởng dùng chính phế phẩm này tạo nên những bức tranh, vật trang trí sinh động, không chỉ tận thu được thứ tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi, vảy cá còn góp phần tạo nguồn thu nhập.

Anh Lê Ngọc Biết chia sẻ: "Hai đứa học cùng lớp và cùng vùng quê ở Phú Yên, trong một lần tình cờ ở quê gửi cá tươi vào ăn thì biết đánh vảy cá dưới ánh nắng buổi trưa thì vảy cá vun lên và nó lấp lánh dưới ánh nắng rất đẹp. Mình mới nảy ra ý tưởng dùng vảy cá để ốp vào tranh con cá, thì mình nghĩ nó sẽ đẹp lắm. Cho nên sản phẩm đầu tiên của Biết đó chính là tranh phong thủy từ vảy cá chép".

Những giỏ hoa, chậu cây cảnh làm từ vảy cá

Theo anh Biết thì mỗi chiếc vảy cá điều có nét đẹp riêng như vân tay của con người. Có vảy thì vân ngang, vảy vân dọc, vân cong… và người chế tác cần phải quan sát các loại vân này để có thể uốn vảy theo độ cong đó khi làm tranh hoặc là các loại hoa khác nhau.

Hơn 6 năm qua, anh Biết luôn trăn trở, nghiên cứu và hoàn thiện kỹ thuật nhằm khử được mùi tanh của vảy cá mà vẫn giữ được màu sắc lấp lánh của vảy, rồi thời gian nhuộm màu, cách thức nhuộm ra sao để vẽ cá lên màu tươi, đẹp và an toàn.

Anh Biết chia sẻ thêm: "Mình nghiên cứu là phải định lượng luôn là phải kiểm tra nồng độ, nhiệt độ, áp suất để xem các chất hoạt động rửa tanh được hay không. Vảy các việc rửa tanh đã khó rồi nhưng khử được mùi tanh mà vẫn giữ được lớp xà cừ óng ánh trên vảy là còn khó nhiều hơn nữa vì lớp này rất mỏng, chất tẩy rửa thông thường có thể dễ dàng đánh bay cái lớp đó đi, nên Biết phải dùng những hóa chất rất thân thiệt, an toàn với môi trường".

Không chỉ tận thu được những phế phẩm của thủy sản, những việc làm của anh Ngọc Biết và chị Như Quỳnh đã mang lại những giá trị bền vững cho môi trường và đầy tính nhân văn khi dự án đã giải quyết việc làm cho hơn 80 bạn khuyết tật ở TP.HCM, anh Biết cho biết: "Dự án của chúng em đã cắt giảm khoảng 10 tấn vảy cá ra môi trường. Chúng em đã biến những vảy cá, xương cá thành những vật trang trí có thể bán được và cắt giảm đáng kể ra môi trường.

Ngoài ra, chúng em đã giải quyết việc làm cho 80 bạn khuyết tật ở Sài Gòn, những bạn khuyết tật thường sẽ rất khéo léo nên Biết muốn tạo việc làm cho các bạn này, và từ đó thì mình cũng thấy hạnh phúc hơn".

Những nỗ lực của anh Biết cùng chị Như Quỳnh chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cho đời sống, đặc biệt là tạo ra một sản phẩm đặc trưng của Việt Nam từ đó có thể vươn tầm ra thị trường quốc tế sau này.