Tại sao các Dự án đốt rác phát điện chưa thể đi vào hoạt động?

Nếu đúng theo kế hoạch thì trong năm 2021, các nhà máy đốt rác phát điện sẽ xử lý được từ 50% - 60% lượng rác thải trên địa bàn TPHCM, giúp giảm đáng kể lượng rác thải bị chôn lấp.

Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn tấn rác mỗi ngày vẫn chưa được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Trước bối cảnh lượng rác thải ngày càng tăng cao, công nghệ đốt rác phát điện đã được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn nhằm giải quyết bài toán mang tên môi trường; Phó giáo sư tiến sĩ Trần Yêm - Phó giám đốc Viện môi trường và phát triển bền vững (VESDI) cho biết: 'Công nghệ đốt rác phát điện mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm được diện tích sử dụng đất, lượng rác được xử lý nhiều hơn và tạo ra được nguồn điện sinh hoạt cũng như giảm phát thải ra môi trường.

Mặt khác, ông Trần Yêm cũng cho rằng để các dự án đốt rác phát điện hiện được đẩy nhanh tiến độ thì cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục hành chính, các hành lang kỹ thuật; các đơn vị chủ quản cần có những sự điều chỉnh nhất định sao cho phù hợp với thực tế.

Cùng chung nhận định, phó giáo sư tiến sĩ Bùi Thị An - nguyên đại biểu quốc hội khóa XIII cho rằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đốt rác phát điện thì Chính phủ cần phân cấp mạnh hơn cho các địa phương cũng như tìm ra một đầu mối phụ trách chính: 'Tới đây nên giao trách nhiệm chính cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Sở Tài nguyên và Môi trường chứ nếu để tình trạng 1 giấy phép phải qua 3 4 5 6 sở thì rất là mệt.

Vừa rồi chính phủ đã phân cấp rất triệt để cho các địa phương thì bây giờ cũng nên nghiên cứu để tập trung về đầu mối để họ chịu trách nhiệm cũng như để doanh nghiệp và người dân bớt phiền hà khi làm các thủ tục, pháp lý khi đưa vào các công nghệ của mình.

Rác thải đã trở thành vấn đề nóng tại TP.HCM. Ảnh: Hà Hương

Trở lại với câu chuyện của TP.HCM, trong lúc chờ giấy phép xây dựng nhà máy đốt rác phát điện thì công ty cổ phần Vietstar vừa đưa dây chuyền phân loại và tái chế rác thải với công suất 1000 tấn/ngày đi vào hoạt động.

Đây được xem là bước đệm quan trọng cho khâu đốt rác phát điện về sau. Nhưng đến khi nào có đủ các thủ tục cần thiết để nhà máy đốt rác phát điện được xây dựng và thể hoạt động thì câu trả lời dành cho chính quyền thành phố.

Ông Ngô Như Hùng Việt - tổng giám đốc công ty cổ phần Vietstar tâm tư: 'Mặc dù không có hỗ trợ của nhà nước nhưng chúng tôi vẫn làm. Tất nhiên là có những lời hứa là sẽ có ngay nhưng đến giờ vẫn chưa thấy.

Phải đàng hoàng vì các anh đưa ra chủ trương như vậy mà có người ủng hộ và giải quyết được thì các anh phải hỗ trợ họ. Nếu không có thì không thể giải quyết vấn đề rác được'.

Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Tâm Sinh Nghĩa tại H.Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: TSN

Dưới góc nhìn của người làm khoa học, Phó giáo sư Lê Hùng Anh - Viện trưởng viện khoa học công nghệ môi trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng: TP.HCM cần khẩn trương hơn trong việc triển khai các dự án đốt rác phát điện nếu không muốn bị tụt lại quá xa so với các địa phương khác:

'Các địa phương khác đã triển khai gần xong và xong rồi do đó TP.HCM cần tìm ra giải pháp càng nhanh càng tốt để đưa công nghệ đó vào vận hành sớm vì nó mang lại lợi ích rất lớn cho môi trường. Các bên cũng nên ngồi lại với nhau để cùng thống nhất về phương án phù hợp nhất', Phó giáo sư Lê Hùng Anh nói.

Rõ ràng, để có thể đạt được những mục tiêu đã được đặt ra, TP.HCM cần phải khẩn trương vào cuộc, lắng nghe và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ có vậy các dự án đốt rác phát điện mới có thể đi vào sử dụng và giúp cho thành phố giải được bài toán mang tên xử lý rác thải.