Sử dụng sản phẩm động vật hoang dã: Vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

Cao hổ, nhung hươu, thịt thú rừng, dây chuyền nanh hổ,… Những thứ được nhiều người ví là “thần dược”, “đặc sản”, “đẳng cấp” ấy luôn tồn tại, dù các ban, ngành, tổ chức miệt mài kêu gọi bảo vệ động vật. Nhiều người vô cảm sử dụng mà không biết đó là hành v

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Mắc bệnh xương khớp từ hơn chục năm nay, bà Trịnh Thị P. ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội) luôn cất giữ cẩn thận cao hổ cốt để dùng trong những lần bệnh trở nặng:

'Tôi có người quen biếu, cũng ít thôi. Mỗi lần tôi chỉ lấy một ít ra đũa, pha vào nước ấm để uống. Uống xong thì thấy tanh lắm! Cái đấy cũng hiếm, không biết thật hay không', bà P. cho biết.

Tang vật sừng tê giác buôn bán trái phép bị lực lượng chức năng thu giữ. (Ảnh: TTXVN)

Những trường hợp như bà P. rất phổ biến, và muông thú đang bị tàn sát để phục vụ nhu cầu ăn uống, thuốc men, đồ dùng, đồ trang trí,… của con người.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, thời điểm trước giãn cách xã hội, tình trạng săn bắt và sử dụng sản phẩm động vật hoang dã ở mức đáng báo động: 'Thời xa xưa, người ta chưa có những loại thuốc thay thế, nhưng bây giờ mà mình coi cao hổ, nhung hươu,… mới tốt cho sức khỏe thì lạc hậu rồi.

Hiện Trái Đất đang đứng trước cái gọi là “Thời kỳ đại tuyệt chủng lần thứ 6”, nguyên nhân hoàn toàn do con người. Có khoảng 800 nghìn loại virus mà chúng ta chưa hề biết, và vì thế, khi tiêu thụ các loài động vật hoang dã thì chúng ta vô tình làm các loại virus, vi khuẩn này tiếp xúc với người và gây ra đại dịch.

Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, hành vi sử dụng trái phép sản phẩm động vật hoang dã cũng vi phạm pháp luật. Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty luật Phạm Danh cho biết: 'Căn cứ vào mức độ của hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo Điều 23, Nghị định 35/2019, hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến động vật rừng hoặc bộ phận cơ thể động vật rừng không có hồ sơ hợp pháp, người vi phạm có thể bị phạt 5 triệu đồng, mức cao nhất lên đến 360 triệu đồng'. 

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, một giải pháp quan trọng đến từ chính chúng ta, hãy lan tỏa ý nghĩa của việc bảo vệ thiên nhiên, từ chối sử dụng sản phẩm động vật hoang dã và tố giác hành vi vi phạm.