Sau lễ, rác có lại ngập đường?

Ngày Phụ nữ Việt Nam đang đến gần. Vào dịp này và những ngày lễ tết khác trong năm, lượng rác thải sinh hoạt thu gom được thống kê tăng từ 30-35% gây áp lực cho hệ thống xử lý rác thải, đặc biệt tại những khu đô thị.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa: Zing

Chị Nguyễn Minh Trang, giáo viên dạy cấp I trường tư thục tại Hà Nội nhận được rất nhiều quà tri ân của học sinh và phụ huynh vào các ngày lễ trong năm. Dù vậy, cùng niềm vui là sự e ngại sau đó khi phải thu gom đủ các loại chai lọ, vỏ hộp, giấy nilon gói hoa tìm cách tái chế: 

'Đúng là hoa phí giấy gói thật nhưng tặng cô mỗi hoa không, mọi người nghĩ là không đẹp không lịch sự nên phải tặng bó to đứng cạnh cô chụp ảnh cho long trọng. Người ta hay tặng dầu gội đầu hay sữa tắm mà không phải cô nào cũng dùng giống nhau. 20/10, 8/3, 20/11, khai giảng… nhiều quá dùng không hết, rất lãng phí'

Không chỉ vậy, vào mỗi dịp lễ, hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng cũng làm phát sinh lượng lớn rác thải bao bì. Theo Liên nh Tái chế bao bì Việt Nam, ước tính mỗi mùa lễ hội có khoảng 100.000 tấn bao bì nhựa dùng một lần được sử dụng và thải bỏ ra môi trường. Cùng việc mở cửa dần các địa điểm ăn uống, vui chơi, lượng người đổ ra đường đông nghịt sau thời gian giãn cách như mùa Trung thu vừa qua sẽ dẫn tới tình trạng rác nhựa một lần ngập lối phố.

Chị Nga, nhân viên Công ty Cổ phần môi trường đô thị Tây Đô cho biết: 'Cứ đến ngày lễ tết nhân viên vệ sinh môi trường thường phải tăng ca dọn dẹp sau những cuộc vui dần tàn.Rác hoa, ăn uống ở nhà nhiều hơn. Ngày lễ ngày tết vất vả hơn ngày thường. Dân thường xả rác trong 2-3 ngày xung quanh ngày lễ, nhà hàng từ trước 20/10 vứt rồi, rất nhiều. Đi làm chỉ mong ít rác đi chỉ thấy nhiều lên'.

Không khó để kể tên một số các hoạt động văn hóa làm gia tăng rác thải được nhắc đến trong bản tin môi trường nhiều năm qua như: thả bóng bay vào ngày khai giảng, đốt vàng mã, thả cá chép xả túi nilon… Những ngày đặc biệt trong năm luôn là thời gian đáng mong chờ nhưng cùng niềm vui là từng ấy vấn đề môi trường xuyên suốt các mùa lễ hội.

GS Hoàng Xuân Cơ, Giảng viên cao cấp khoa Môi trường, Đại học khoa học tự nhiên nhận định: 'Báo chí nói nhiều rồi. Không tặng hoa thì người yêu, ông chồng trở thành vô cảm. 20/10, 20/11 quá đà thì nhiều quá. Làm sao nghiên cứu cách thức vừa đảm bảo tình cảm vừa không ảnh hưởng môi trường: quà nhỏ, đẹp, dễ phân hủy'.

Gói hoa bằng lá chuối

Sáng tạo từ những tiệm hoa thân thiện môi trường

Để vẫn mang tới niềm vui cho chị em phụ nữ khi ngày lễ đang đến gần, không ít các tiệm hoa ở Hà Nội và TPHCM có nhiều sáng tạo trong cách gói hoa, trang trí chậu cây vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, vừa bảo vệ môi trường sống.

'Dịch bệnh, kinh tế không có nhiều nhưng món quà về tinh thần rất cần. Từ lúc anh trang trí đám cưới có sử dụng 2 cây chuối tươi concept retro xưa. Về thử nghiệm gói hoa bằng lá chuối nữa lúc đầu chưa có đẹp sau biết lấy lá phơi nắng đó dần chỉn chu, được mọi người quan tâm. Hoặc thay vì tặng hoa xa xỉ thì tặng giỏ hoa rau củ, trái cây vừa mang tính thẩm mỹ lại ăn được, thưởng thức được' - Anh Phạm Hà Phú, sáng lập của Memory Wedding-Event, tại TP.HCM luôn gợi ý cho khách hàng những bó hoa đặc biệt cho người thân cổ vũ lối sống xanh như vậy.

Cách đây 2 năm, anh Phú đã thử nghiệm gói hoa bằng lá chuối thay cho bao bì nilon được nhiều người yêu thích. Ngày càng có nhiều khách hàng tìm tới đặt hoa gói bằng vật liệu thân thiện hơn như gỗ, giấy, bao bố… để có thể tái sử dụng. 

Chị Ngọc trước đây vận hành tiệm hoa nhỏ trên đường Tô Ngọc Vân, Hà Nội kể rằng, nhiều khách hàng còn từ chối mua sản phẩm nếu gói bằng nilon nên chị chuyển qua dùng mo cau, lá bàng, lá sung gói hoa sáng tạo hơn. Giờ đây, cùng việc nhận đặt hoa, chị Ngọc mở tiệm “Bamboo life” bán quà tặng là những chậu cây nhỏ trồng trong những đốt tre: 'Bán cây những chậu nhựa rẻ nhưng mình không thích nhựa. Nhìn chai lọ thừa trồng cây vào bán thì bán được nhiều nên nghĩ cần thay đổi chuyển sang tre. Lúc đầu nghĩ đồ tre mốc, hỏng nhưng thử quết dầu ăn, phơi nắng dùng thì không mốc. Cây tự nhiên trồng trong ống tre hoàn toàn tự nhiên'.

Sắp tới, chị Ngọc có dự định sẽ đạp xe quanh phố bán hoa gói bằng vật liệu thân thiện để lan tỏa về cách làm ít người áp dụng hạn chế bao bì nilon, bảo vệ môi trường.