Sản xuất phân hữu cơ từ vỏ chôm chôm

Trên mảnh đất miền Tây, cây chôm chôm đã bám rễ từ nhiều năm qua và mang về nguồn kinh tế ổn định cho không ít nông hộ. Tuy nhiên, vấn đề về xử lý vỏ chôm chôm trở thành nỗi trăn trở của các nhà vườn sau mỗi vụ chôm chôm chín đỏ.

Năm 2018, Dự án ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (AMD) Bến Tre đã phối hợp với cơ sở sản xuất mứt chôm chôm tại địa phương và nhóm giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý vỏ chôm chôm kết hợp phế phẩm nông nghiệp như mụn dừa, mụn cưa,… thành phân hữu cơ.

PV VOV Giao thông đã có dịp gặp gỡ TS. Nguyễn Thành Nho – Chủ nhiệm dự án, để hiểu rõ hơn về quy trình này:

 
ĐBSCL có trên 7.400ha cây chôm chôm. Ảnh: Minh Đảm/Báo Nông nghiệp

PV: Xin chào TS Nguyễn Thành Nho, đầu tiên, ông có thể giới thiệu rõ hơn về khởi nguồn của dự án nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý vỏ chôm chôm! 

TS. Nguyễn Thành Nho: Ý tưởng này xuất phát từ ban điều phối Dự án ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (AMD) Bến Tre, khoảng giữa năm 2018 dự án AMD Bến Tre liên hệ để xem có phương pháp nào xử lý vỏ chôm chôm hay không.

Sau khi kết quả nghiên cứu cũng như quy trình sản xuất gửi về cho AMD thì AMD có chuyển giao quy trình này cho cơ sở sản xuất mứt chôm chôm của cô Chín ở xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

PV: Từ một số thông tin về dự án, được biết nguồn nguyên liệu đầu vào phải qua một giai đoạn chuẩn bị mới có thể bắt đầu xử lý. Ông có thể chia sẻ thêm về giai đoạn này! 

TS. Nguyễn Thành Nho: Mình có cơ bản 3 bước chính, bước thứ nhất là chuẩn bị nguyên liệu. Vỏ chôm chôm ủ phân hữu cơ thì đòi hỏi thành thành carbon và ni-tơ phải đạt yêu cầu.

Bình thường, để tăng tỉ lệ carbon và ni-tơ đúng theo yêu cầu để chúng ta có thể làm được thì chúng ta phải trộn với một số phụ phẩm khác như mụn cưa, mụn dừa.

Để có thể ủ hiệu quả, đầu tiên vỏ chôm chôm chúng ta phải cắt, nếu không có máy chuyên dụng thì chúng ta có thể dùng dao để bằm, cắt nhỏ ra với kích thước dưới 2cm. 

PV: Vậy thì sau khi đã chuẩn bị nguyên liệu xong, 2 bước tiếp theo sẽ được tiến hành như thế nào và thời gian trong bao lâu?

TS. Nguyễn Thành Nho: Bước thứ hai, chúng ta cho men vào, hòa men vào trong nước rồi tưới vào trong đống ủ. Dùng xẻng trộn đều rồi ủ lại, đây là quá trình ủ thông khí nên chỉ cần che chắn phía trên để tránh mưa, tránh nắng.

Trong giai đoạn 4 tuần ủ, trung bình 3-4 ngày, chúng ta phải dùng xẻng để xốn trộn đống ủ, giúp ôxy đi vào trong đống ủ. Bước 3 là bước cuối cùng, kiểm tra về “độ chín”.

Sau 4-6 tuần, chúng ta sẽ xem đống ủ có quá nóng hay không. Đống ủ lúc đó thường sẽ có mức nhiệt dao động cao hơn nhiệt độ bình thường một chút. 

PV: Đó là 3 bước mà TS Nguyễn Thành Nho đã chia sẻ với bà con để  có thể thực hiện tại nhà, đơn giản không cầu kì về các thiết bị. Nhưng với lượng vỏ chôm chôm lên đến hàng trăm kg, có máy móc nào hỗ trợ không thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Nho: Vấn đề cắt, trộn, các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ là có hết. Trên thị trường hiện nay có máy cắt, nghiền luôn, giá cũng không quá đắt.

Chúng ta có thể mua về rồi cho vỏ chôm chôm vào để xay, công suất trong 1 tiếng có thể cắt 100 – 200 kg vỏ. Ngoài ra hiện nay cũng có máy giúp chúng ta đảo trộn khi cho men vi sinh vào, giúp tiết kiệm được công.

PV: Có một thực tế là hiện nay, không phải nông hộ nào cũng có cơ hội tìm hiểu sâu về tầm quan trọng của việc tận dụng và xử lý đúng cách đối với phụ phẩm nông nghiệp. Ông có chia sẻ gì thêm cùng với quý thính giả, đặc biệt bà con nông dân của chương trình?

TS. Nguyễn Thành Nho: Vỏ chôm chôm được xếp vào nhóm phụ phẩm nông nghiệp. Nếu chúng ta không sử dụng làm phân hoặc chôn lấp thì có thể sẽ bị thải vào trong kênh rạch. Hoặc nhiều bà con có thể cho vào một góc nào đó, đến một lúc nó sẽ tự phân hủy, nó sẽ không phát huy được giá trị cuối cùng. C

hất đống thì thường khả năng 4-6 tháng mới phân hủy, ra màu đen. Về thành phần dinh dưỡng trong đống vỏ này giảm đáng kể. Thứ hai, nếu bà con quản lý không kỹ, trời mưa gió hoặc nước lên sẽ lôi kéo những đống ủ đó theo nguồn nước xuống kênh mương.

Mình sẽ thấy thành phần nhựa từ vỏ chôm chôm, ao chứa quá nhiều sẽ bị đen. Đó là do thành phần trong vỏ chôm chôm tạo ra, cũng là chất độc với những loài sống trong nước, nên cũng là một trong những thành phần gây ô nhiễm môi trường.

PV: Rất cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ cùng chương trình!