Rác thải đốt bừa, chính quyền địa phương làm ngơ hay bất lực?

Huyện Yên Phong (Bắc Ninh) là một trong những điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường với tình trạng đốt rác. Nhiều địa phương khác, thậm chí giữa Hà Nội, cũng có tình trạng đốt rác thải. Chính quyền các địa phương làm ngơ hay bất lực trong việc xử lý?

Chia sẻ với VOV Giao thông về tình trạng đốt rác tại huyện Yên Phong, nhiều thính giả dùng cụm từ “kinh hoàng”, “ám ảnh”. Đặc biệt, những ngày mưa, khói sà xuống thấp khiến các tài xế không nhìn rõ đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Rác thải đổ tràn lan dọc đường Nguyễn Cảnh Dị

Trả lời phóng viên VOV Giao thông, Trung tá Nguyễn Khánh Quân, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết, do lượng công nhân ở trọ quanh KCN Yên Phong quá lớn, nên các bãi tập kết rác đều quá tải, người dân buộc phải đốt. Lợi dụng việc đó, một số đối tượng đã đổ trộm và đốt rác thải công nghiệp:

"Chúng tôi đã mật phục, kiểm tra, bắt giữ 10 trường hợp. Các đối tượng hoạt động tinh vi, cử người theo dõi cơ quan chức năng, thời gian đổ rất nhanh, chỉ trong vòng 1-2 phút,… Chúng tôi cũng có danh sách cá nhân, tổ chức thường xuyên đưa phế liệu về địa phương phân loại. Trong năm cũng đã xử lý hơn 30 trường hợp, chủ yếu là bã xỉ nhôm đổ ra môi trường", Trung tá Nguyễn Khánh Quân cho biết

Khói vẫn bốc lên từ đám tro tàn.

Hiện huyện Yên Phong đã phê duyệt chủ trương xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đồng thời vận động người dân không đốt rác gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ ở nông thôn mà ngay tại trung tâm Hà Nội, tình trạng đốt rác cũng xảy ra phổ biến. Theo phản ánh của thính giả, khu vực cầu Định Công, đường Trịnh Đình Cửu, đường Nguyễn Cảnh Dị kéo dài,… ngọn lửa bùng cháy rất to từ các bãi rác, tỏa ra mùi khét rất khó chịu: "Buổi tối, từ 10h trở đi, các xe nhỏ chở vật liệu đổ trộm ra “sườn” đường. Phường dọn dẹp sạch nhưng chỉ qua một đêm, sáng hôm sau là đầy rồi! Cũng nhiều buổi người ta đốt thì cũng thấy khói và mùi khét nilon các thứ. Tình trạng này kéo dài lâu rồi".

Dọc đường Trịnh Định Cửu, theo phản ánh của thính giả, cứ khoảng 5h sáng là các đống rác được đốt bên vỉa hè dọc bờ sông Lừ, nhiều đến mức làm méo, cháy cả lan can sắt.

Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai thừa nhận, dù đã mật phục nhưng địa phương chưa bắt được trường hợp nào. 

Đường Nguyễn Cảnh Dị - con đường "đau khổ", trồi sụt kinh hoàng gần chục năm chưa được nâng cấp mà VOV Giao thông nhiều lần phản ánh.

Nếu như phường Định Công đang tỏ ra “bất lực” trong việc xử lý thì ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm lại là sự thờ ơ của chính quyền sở tại. Như VOV Giao thông đã đề cập, xưởng gỗ ép ở thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường vô tư xả khói đen lên bầu trời gần 2 thập kỷ.

Dù UBND xã Yên Thường đã chấm dứt hợp đồng thuê đất nhưng đến nay, cơ sở này vẫn ngang nhiên hoạt động, khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về uẩn khúc phía sau. Vì sao những lời “kêu cứu” của người dân bị làm ngơ? Còn việc đốt rác, đốt rơm rạ tại đây vẫn diễn ra phổ biến, “đầu độc” môi trường.

Bà Lê Thanh Thủy, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng, chính quyền các địa phương cần có nhận thức rõ hơn trong việc xử lý: "Đã có những chế tài xử phạt, tuy nhiên, chúng ta chưa có đội ngũ thường xuyên kiểm tra ai đốt rác. Chúng tôi rất mong các cấp sẽ nhận thức được điều này. Đầu tiên là những công ty vệ sinh môi trường đốt rác tại chỗ là phải xử phạt thật nặng. Thứ hai, chúng ta phải có tuyên truyền hợp lý. Thứ ba, cộng đồng phải là mạng lưới giám sát đắc lực. Cuối cùng là các cơ quan quản lý phải có công cụ hỗ trợ cho cộng đồng".