Rác thải bủa vây nhà chờ xe buýt

Thời gian gần đây nhiều người dân đi xe buýt trên địa bàn TP.HCM đã phản ánh tình trạng rác thải bủa vây các trạm chờ. Từ rác thải sinh hoạt cho đến rác thải xây dựng cũng được người dân bỏ tại các trạm chờ đã khiến cảnh quan vô cùng nhếch nhác, gây mùi hôi thối khó chịu cho người dân.

Trạm xe buýt không được quét dọn thường xuyên rác thải ngập ngụa, mất vệ sinh và không có nhà chờ, đang là nỗi ám ảnh, ngán ngẩm của nhiều người khi lỡ chọn xe buýt là phương tiện di chuyển.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều trạm dừng chờ xe buýt ở các tuyến đường Xa lộ Hà Nội (Tp Thủ Đức), Kinh Dương Vương (Quận Bình Tân), Trường Chinh (Quận Tân Bình) … trong tình trạng nhết nhác rác thải, bao bì, túi nilong, chai nhựa bị vứt tứ tung xung quanh trạm chờ, không những thế có nhiều trạm còn biến thành điểm tập kết khối lượng lớn rác thải sinh hoạt của người dân.

Rác thải đổ tràn lan tại nhiều trạm xe buýt trên xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức). Ảnh: Tuổi trẻ

Hành khách đứng  đợi xe không dám lại gần, phải tránh xa vì mùi hôi thối khó chịu, họ chọn giải pháp đứng khỏi phạm vi trạm chờ để “lánh nạn”. Khi xe buýt tới, mọi người phải chạy xuôi chạy ngược để lên được xe.

‘Đứng ngay trạm rác nhiều quá tụi em chịu không được nên tụi em phải đi chỗ khác để đón xe buýt nên nhiều khi cũng bị mấy bác tài bỏ qua.’

‘Mình đứng chờ đón xe buýt mà những cái mùi đó làm cho mình khó chịu. không có thoải mái được.’

‘Mình đi tập thể dục buổi sáng mình thấy nhiều người không có ý thức, có thùng rác rồi đằng kia cũng có mà nhiều người ăn uống xong rồi họ để ở đây."

Nhiều người dân sinh sống quanh khu vực cũng cho biết, mỗi tháng thường có  các công nhân vệ sinh đến các trạm để thu gom sạch sẽ hết rác thải, nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đó, rác lại bị vứt bỏ tràn lan, lăn cả xuống lòng đường.

Nhiều người dân muốn bỏ rác khi ngồi chờ tại trạm cũng không biết bỏ đâu khi tại các trạm chờ này không thấy sự xuất hiện của các thùng rác, anh Mai Trung Tấn cho rằng cần phải bố trí thêm các thùng rác tại đây để người dân ý thức hơn trong việc vức rác của mình:

‘Mỗi trạm cần có bố trí một thùng rác để người dân có ý thức bỏ vào để bảo vệ môi trường cũng như cảnh quan của con đường cũng như bến trạm đó."

Theo Nghị định 45 của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đối với hành vi vứt rác thải trên vỉa hè, lòng đường, vứt rác thải nhựa như chai lọ xuống ao hồ, kênh rạch có thể bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên câu chuyện thực thi lại là vấn đề vô cùng khó khăn, ông Trần Quang Tùng, Phó chủ tịch UBND Phường 13 Quận Tân Bình cho biết: ‘Trong thời gian vừa qua về việc áp dụng thực hiện các nghị định này thì đã có những khó khăn, thứ nhất là việc xử lý các hành vi về xả rác hay vứt rác ra đường thì mình phải có mặt trực tiếp hoặc những người thực thi nhiệm vụ phải có mặt ở đó để xử lý, thứ hai về nhân sự con người để xử lý vấn đề này cũng khó, một đồng chí cán bộ môi trường vừa xử lý vấn đề này rồi còn nhà đất điện nước nên áp lực công việc cũng rất nhiều nên sẽ khó khăn trong việc xử lý các vấn đề về môi trường’

Có thể thấy chế tài xử phạt đã có, thế nhưng rõ ràng việc áp dụng vào thực tế còn nhiều bất cập, đa phần phía địa phương đã bị ‘lãng quên’ đối với các hành vi vứt rác bừa bãi trên vỉa hè, lòng đường.

Thiết nghĩ trước khi vận động người dân tham gia phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân thì chất lượng dịch vụ, trạm chờ phải được đảm bảo, và được quan tâm đúng mực hơn trong thời gian tới.