Quả đấm thép phòng chống thảm họa, sự cố

Theo Bộ Quốc phòng – đơn vị chủ trì soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự, bối cảnh hiện nay dễ phát sinh nhiều thảm họa, sự cố, đòi hỏi phải có quy định rõ từng loại thảm họa, sự cố, từ đó phân định trách nhiệm các lực lượng tham gia ứng phó...

 

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự do Bộ Quốc phòng soạn thảo có 7 chương, 84 Điều, gồm: Hoạt động phòng thủ dân sự; Lực lượng phòng thủ dân sự; Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động phòng thủ dân sự; Nguồn lực, chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự...

Cụ thể, về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự, dự thảo Luật quy định, Phòng thủ dân sự phải được chuẩn bị từ trước khi xảy ra thảm họa, sự cố; thực hiện phương châm phòng là chính; chủ động ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố; phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ.

Dự thảo Luật quy định 14 dạng thảm họa, sự cố, từ thảm họa chiến tranh; thảm họa tàu hỏa, tàu điện ngầm; thảm họa tàu bay; thảm họa do dịch bệnh nguy hiểm… đến các loại sự cố như: Sự cố vỡ đê, hồ đập thủy điện, sự cố rò rỉ phóng xạ, sự cố tràn dầu, sự cố TNGT đặc biệt nghiêm trọng…

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự cũng quy định 4 cấp độ thảm họa, sự cố, trong đó cao nhất là cấp độ 4, là tình trạng khẩn cấp của thảm họa, sự cố. Đó là tình huống xảy ra thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc nhiều tỉnh, thành phố trở lên hoặc trên phạm vi toàn quốc, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế, đến tài sản, tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

Việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng thủ dân sự, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự quy định: Bộ Quốc phòng quyết định huy động lực lượng Quân đội và Dân quân tự vệ, vật tư, trang bị, phương tiện thuộc quyền quản lý và quyết định nhân lực, vật tư, phương tiện theo quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Người đứng đầu các Bộ, ngành trung ương, Chủ tịch UBND các cấp quyết định huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang bị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi quyền hạn và lĩnh vực được phân công.

Về lực lượng phòng thủ dân sự, dư thảo Luật quy định, ngoài lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của công an, quân đội và lực lượng của các Bộ, ngành trung ương và địa phương, còn có lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia và lực lượng xã hội hóa gồm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực xử lý sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã được Bộ Quốc phòng gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương. Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến.

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự cũng quy định 4 cấp độ thảm họa, sự cố, trong đó cao nhất là cấp độ 4, là tình trạng khẩn cấp của thảm họa, sự cố. (ảnh nh hoạ: qdnd.vn)

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự có những chính sách cụ thể gì để thu hút, huy động lực lượng xã hội hóa là các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thảm họa?

Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xử lý thảm hoạ, sự cố?

Ông Phạm Văn Sơn: Chúng tôi đánh giá cao dự thảo Luật phòng thủ dân sự. Việc đưa ra dự thảo luật này đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và kịp thời là lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân làm mục tiêu hàng đầu.

Dự thảo luật nêu ra 14 dạng thảm họa, sự cố và nguồn lực đảm bảo phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó với các thảm họa, sự cố này là rất lớn và chúng ta cần chú trọng việc huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa là các đơn vị có năng lực, tổ chức chuyên nghiệp, có khả năng ứng phó tốt đối với nhiều dạng sự cố trong tổng số 14 loại sự cố ở quy mô cấp 1 cấp 2 cấp 3.

Bằng cách huy động nguồn lực xã hội hóa như vậy thì Nhà nước sẽ giảm gánh nặng chi ngân sách rất lớn hằng năm, nhất là ngân sách này bao phủ tới cấp bộ, cấp ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

PV: Theo ông, với những quy định tại dự thảo, những căn cứ cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xử lý sự cố, thảm họa đã đủ để cho các doanh nghiệp tham gia?

Ông Phạm Văn Sơn: Tôi muốn đề cập tới những vấn đề chung quan trọng hơn để công tác phòng thủ dân sự đạt hiệu quả. Thứ nhất là cần lồng ghép kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất, sự cố chất thải, sự cố môi trường vào một kế hoạch phòng thủ dân sự, bởi với 14 dạng thảm họa, sự cố được đưa ra trong dự thảo thì nó có tính bao trùm lên tất cả các loại sự cố vừa liệt kê.

Điều này giúp các bộ, các ngành, các địa phương không phải làm quá nhiều các loại kế hoạch riêng lẻ, phê duyệt, thực hiện kế hoạch riêng lẻ rất tốn kém, phức tạp và chồng chéo, không hiệu quả.

Dự thảo luật đề cập đến huy động nguồn lực xã hội hóa là định hướng rất tích cực, nhưng cần tăng cường hơn nữa vai trò của lực lượng này, nhất là đối với việc ứng phó thảm họa, sự cố ở quy mô cấp 1, cấp 2, vốn có tần suất xảy ra nhiều hơn.

Thực tế trong những năm qua, các lực lượng xã hội hóa có năng lực chuyên môn thực sự, có tính chuyên nghiệp cao đã phát huy hiệu quả tốt cho công tác phòng ngừa, ứng cứu các sự cố môi trường do dầu và hóa chất, nhất là ở các cấp 1 cấp 2.

Ngoài ra, việc tham gia xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố cũng không nên giới hạn quyền chỉ đối với các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, mà nên có cả các đơn vị, tổ chức khác ễn là có đủ năng lực chuyên môn.

PV: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xử lý sự cố, thảm họa cần cơ chế đặc thù nào để không những đủ sống, mà còn có định hướng đầu tư, phát triển?

Ông Phạm Văn Sơn: Việc cung cấp dịch vụ xử lý sự cố thảm họa nếu làm một cách nghiêm túc và thực chất thì không thể mang lại lợi nhuận như các ngành dịch vụ khác. Theo tôi để khắc phục được thực trạng này cần sự kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố từ cơ quan quản lý các cấp.

Đồng thời cũng cần có quyết định đánh giá một cách thận trọng đối với hàng loạt các doanh nghiệp lập ra, nhưng không đủ nghiêm túc hoặc đăng ký thêm dịch vụ nhưng chỉ đầu tư hình thức, không đủ năng lực tham gia hoạt động này.

PV: Xin cảm ơn ông.

Dự thảo luật đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và kịp thời là lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe người dân làm mục tiêu hàng đầu. (ảnh nh hoạ: lsvn.vn)

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết hiện nay hay chưa? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo Luật sẽ tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc ứng phó, xử lý với các sự cố, thảm họa?

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc phỏng vấn ông Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội:

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của dự thảo Luật phòng thủ dân sự?

Ông Đặng Ngọc Nghĩa: Tình hình hiện nay có những thảm họa rất lớn về thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ thì cần có luật này để đảm bảo chuẩn bị thật tốt, một là về tiềm lực chính trị tinh thần tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học kỹ thuật, bốn là ý thức trong khi chống các thảm họa, thiên tai mà tương lai có thể xảy ra.

Do vậy, ban hành luật này để Chính phủ, rồi các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, đội ngũ y tế và các lực lượng khác có một cái gậy để làm tốt công tác chuẩn bị, huấn luyện, diễn tập để khi có tình huống xảy ra kịp thời ứng phó.

PV: Theo ông, với quy định của dự thảo đã đáp ứng được tính cấp thiết đó hay chưa và cần chỉnh sửa bổ sung những gì để phân định mức độ sự cố, thiên tai, khi nào thì huy động lực lượng chính quy và mức độ nào thì huy động lực lượng của doanh nghiệp để xử lý, ứng phó sự cố thiên tai?

Ông Đặng Ngọc Nghĩa: Trong luật đã quy định thảm họa xảy ra, trong luật đã đề cập rất là lớn, ví dụ như thảm họa do chiến tranh, do phòng chống cháy rừng quốc gia, thảm họa do sự cố tràn dầu hoặc là thảm họa do dịch bệnh…  thì luật cần phải làm rõ, thứ nhất là làm rõ về vai trò chủ trì để thực hiện cái này.

Ví dụ cháy trong thành phố thì lực lượng công an là nòng cốt, hoặc là phòng chống bão lụt cứu hộ, cứu nạn, cứu sập thì lực lượng quân đội, chưa có luật nào quy định khi tình huống nào, thảm họa nào thì điều lực lượng nào. Do vậy, luật này cần phải đề cập rõ, nếu không nó sẽ chồng chéo và khi luật ra thì cũng rất khó thực hiện.

Theo tôi, nên chăng phải có một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ để xử lý sự cố, thảm họa lớn, ví dụ cháy mức độ lớn mà lực lượng phòng chống cháy nổ của công an không làm được và có những phương tiện hiện đại. Phải có một lực lượng này nằm trong công an hoặc quân đội, hoặc là một lực lượng nào đấy để khi có tình huống xảy ra thì chúng ta có quả đấm thép, mà quả đấm thép này phải được diễn tập, phải được chuẩn bị trong thời bình.

PV: Theo ông, nếu luật này ra đời thì sẽ có tác dụng gì?

Ông Đặng Ngọc Nghĩa: Luật này ra đời thì có tác dụng rất lớn để chuẩn bị tốt các mặt về tiềm lực chính trị, tinh thần, ý thức của người dân ý thức của các cấp, các ngành của hệ thống chính trị để chuẩn bị cho các giai đoạn thời kỳ đầu của chiến tranh, rồi có những bước đề phòng các thảm họa về cháy nổ, lũ ống, lũ quét…

Luật này ra đời thì gọi là cái gậy để Chính phủ thực hiện, đảm bảo cho chúng ta làm tốt công tác chuẩn bị về chính trị, tinh thần, ý thức, tiềm lực về lực lượng, đặc biệt là trang bị để chúng ta phòng chống tốt trong các thảm kịch xảy ra.

PV: Xin cảm ơn ông 

ảnh nh hoạ: tapchinongthonmoi.vn

Những năm qua, công tác phòng thủ dân sự luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện, từ việc hoàn thiện thể chế về công tác phòng thủ dân sự đến việc tổ chức hoạt động ứng phó với các sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

Tuy vậy, hoạt động phòng thủ dân sự thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế, như: Công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa rõ trọng tâm, trọng điểm, nguồn lực thực hiện; Công tác dự báo, cảnh báo có lúc thiếu chính xác, nhất là các thảm họa như lũ quét, sạt lở đất…; Hệ thống kết nối dự báo, cảnh báo, báo động thông tin phòng thủ dân sự chưa đáp ứng được yêu cầu.

Những quy định mới tại Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự được cho là sẽ khắc phục được những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự luật Phòng thủ dân sự sẽ tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng xã hội trong việc ứng phó, xử lý sự cố, thảm họa như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng.

---

# Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai hàng tuần trên FM 91 MHz, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.