Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Khai thác nước phục vụ cho sinh hoạt phải nộp tiền

Hải Hà - Quách Đồng: Thứ hai 11/03/2024, 14:53 (GMT+7)

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị định số 82/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 681 quyết định tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền gần 10.200 tỷ đồng.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ ĐIỀU KIỆN NĂNG LỰC

Dự thảo Nghị định về việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (gọi tắt là Dự thảo Nghị định về đăng ký, cấp phép, cấp quyền khai thác tài nguyên nước) gồm 05 Chương, 58 Điều.

Trong đó: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên nước; Chương III: Hành nghề khoan nước dưới đất và dịch vụ về tài nguyên nước; Chương IV: Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và Chương V: Điều khoản thi hành.

Dự thảo Nghị định về đăng ký, cấp phép, cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xây dựng trên quan điểm quy định chi tiết những điều, khoản mà Luật đã giao cho Chính phủ, bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất với pháp luật về tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, kế thừa, giữ lại những quy định còn phù hợp, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định khác và những vấn đề vướng mắc phát sinh, tồn tại trong thực tiễn khi áp dụng các quy định của Luật tài nguyên nước 2012.

Dự thảo Nghị định về đăng ký, cấp phép, cấp quyền khai thác tài nguyên nước được xây dựng theo hướng các quy định về thủ tục hành chính đảm bảo rõ ràng, cụ thể, minh bạch; đơn giản hoá thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định quy định cụ thể các trường hợp đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện, khả thi, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước trong thực thi quy định pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Nghị định về đăng ký, cấp phép, cấp quyền khai thác tài nguyên nước là đơn giản hoá thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép. Theo đó, các hộ gia đình khai thác sử dụng nước dưới đất phục vụ sinh hoạt sẽ phải thực hiện kê khai; các công trình khai thác nước dưới đất phục vụ một số mục đích có quy mô nhỏ; công trình đập ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch chỉ có mục đích ngăn mặn, tạo nguồn, chống ngập, tạo cảnh quan; các trường hợp sử dụng mặt nước và đào hồ, ao, sông, suối, kênh, mương, rạch… sẽ phải thực hiện đăng ký thay vì phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép như trước đây.

So với Luật tài nguyên nước 2012, Dự thảo Nghị định sẽ giảm số ngày thẩm định hồ sơ từ 45 ngày xuống còn 36 ngày đối với thủ tục cấp mới giấy phép và 40 ngày xuống còn 31 ngày đối với thủ tục điều chỉnh, gia hạn; thủ tục cấp lại giấy phép giảm 4 ngày, còn 16 ngày.

 Ngoài ra, Dự thảo Nghị định này là quy định cụ thể về điều kiện năng lực của tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ về tài nguyên nước; Điều kiện đối với tổ chức cung cấp dịch vụ cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước; dịch vụ hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa, liên hồ chứa cũng như trách nhiệm của các tổ chức nêu trên đảm bảo trong quá trình thực thi. Để bảo đảm Luật tài nguyên nước được triển khai thi hành

Dự thảo Nghị định về việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp ý kiến, hoàn thiện và trình Bộ Tư pháp trong tháng này, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MIỄN TIỀN CẤP QUYỀN KHAI THÁC?

Dự thảo Nghị định về đăng ký, cấp phép, cấp quyền khai thác tài nguyên nước có những điểm gì mới đáng chú ý? Những đối tượng nào sẽ phải nộp tiền cấp quyền khai thác nước?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng phòng quản lý lưu vực sông Nam Trung Bộ, Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường về nội dung này:

PV: Xin bà cho biết những điểm mới của Dự thảo Nghị định về đăng ký, cấp phép, cấp quyền khai thác tài nguyên nước?

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa: Các quy định liên quan về kê khai, đăng ký. Luật Tài nguyên nước 2023 quy định bổ sung thêm đối tượng kê khai là các hộ gia đình khai thác sử dụng nước dưới đất phục vụ cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định theo hướng kê khai rất đơn giản, trên ứng dụng điện tử, ứng dụng số. Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ xây dựng App về tài nguyên nước và sau đó sẽ tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đối với việc đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước, ngoài trường hợp khai thác nước mặt quy mô vừa để sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, Luật Tài nguyên nước 2023 bổ sung một số trường hợp phải đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể  các trường hợp để đảm bảo tính thực thi.

Thứ nhất là các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất quy mô nhỏ để sử dụng cho các mục đích ngoài mục đích khai thác nước dưới đất hộ gia đình và cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy chữa cháy...

Thứ hai, khai thác nước biển quy mô vừa để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản trên đảo và trên đất liền.

Thứ ba, các công trình ngăn sông, suối, kênh, mương, rạch có quy mô vừa và nhỏ với mục đích tạo nguồn,  ngăn mặn, chống ngập hoặc tạo cảnh quan.

Thứ tư, những trường hợp sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, hồ chứa để cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ có quy mô không thuộc trường hợp quy mô nhỏ.

Thứ năm, các trường hợp đào sông suối, hồ, ao kênh mương, rạch để tạo không gian thu, trữ  nước, dẫn nước, tạo cảnh quan. Đối với tất cả các trường hợp đăng ký như tôi vừa nêu, trong quá trình khai thác, sử dụng mà có những trường hợp mà khai thác, sử dụng nước tiếp mà có quy mô mà thuộc trường hợp phải cấp phép thì cũng sẽ phải thực hiện việc cấp phép.

Ngoài ra, Dự thảo nghị định lần này quy định liên quan đến việc tạm dừng có thời hạn hiệu lực của giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, sử dụng nước. Quyền lợi của họ là sẽ được giảm tiền cấp quyền khai thác nước trên cơ sở là trừ với số ngày mà họ dừng việc khai thác đó.

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, trưởng phòng quản lý lưu vực sông Nam Trung Bộ, Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa, trưởng phòng quản lý lưu vực sông Nam Trung Bộ, Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường

PV: Thưa bà, dự thảo nghị định bổ sung những trường hợp nào cần phải thu tiền cấp quyền khai thác nước và những trường hợp nào được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước?

Bà Nguyễn Thị Phương Hoa: Dự thảo Nghị định bổ sung quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nước sinh hoạt, bao gồm khai thác nước mặt để phát điện cho mục đích thương mại và khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản, cấp nước cho nông nghiệp và cấp cho sinh hoạt.

Đối tượng được miễn tiền cấp quyền khai thác nước là các trường hợp cấp nước cho sinh hoạt của người dân ở các khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện cho bà con ở những vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, còn có hạng mục công trình khai thác nước đã được Chính phủ bảo lãnh và trường hợp các công trình khai thác, sử dụng nước trong thời gian bị hư hỏng và sự cố bất khả kháng dẫn đến không thể tiếp tục khai thác nước, buộc phải dừng việc khai thác.

Các đối tượng được giảm tiền cấp quyền khai thác, có 4 trường hợp. Bao gồm, các công trình khai thác nước phải cắt, giảm lượng nước khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cắt giảm, đặc biệt trong trường hợp hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn; các công trình khai thác, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước, tiết kiệm nước và đối với hồ chứa đã vận hành phải điều chỉnh, bổ sung dung tích phòng lũ cho hạ du so với nhiệm vụ của hồ chứa đã được phê duyệt.

PV: Vâng. Xin cảm ơn bà.

 PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, KHAI THÁC HIỆU QUẢ

Vì sao phải cần thiết ban hành Dự thảo Nghị định về việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước? Nếu Nghị định được ban hành sẽ tác động xã hội ra sao? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Thanh Tùng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

PV: Xin ông cho biết sự cần thiết ban hành nghị định quy đinh chi tiết về việc hành nghề khai thác nước, kê khai đăng ký cấp phép dịch vụ cấp quyền khai thác tài nguyên nước?

Ông Bùi Thanh Tùng: Luật Tài nguyên nước năm 2023 được tiếp cận với quan điểm rất mới, đó là coi nước là một nguồn tài nguyên, thứ 2 là quan điểm phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh phải bảo vệ nguồn nước, phải khai thác tiết kiệm, hiệu quả; thứ 3 vì nó là một nguồn tài nguyên cho nên cũng có thể coi là một loại hàng hóa và trong một số trường hợp khi khai thác, sử dụng thì vẫn phải thu tiền sử dụng nước.

Chính vì vậy Luật Tài nguyên nước năm 2023 quy định các nội dung liên quan đến bảo vệ nước dưới đất, hay quy định về việc kê khai, đăng ký, cấp phép đối với việc thăm dò, khai thác, sử dụng nước; quy định về tiền cấp quyền khai thác; về dịch vụ đối với tài nguyên nước. Cho nên Chính phủ phải ban hành nghị định để cụ thể hóa các nội dung trong Luật.

Cho nên Nghị định quy định chi tiết về việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai đăng ký cấp phép sử dụng tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là rất cần thiết.

PV: Dự thảo nghị định lần này cũng bổ sung quy định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với nước sinh hoạt, nước cấp cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ông có ý kiến gì về quy định này?

Ông Bùi Thanh Tùng: Khi thảo luận về Luật Tài nguyên nước trong năm 2023 cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau, liên quan đến việc chúng ta đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thì tại sao bây giờ lại đưa ra khái niệm cấp quyền khai thác nước cho lĩnh vực này.

Tuy nhiên, sau rất nhiều thảo luận thì cũng đều thống nhất quan điểm là nếu chúng ta coi nước là một tài nguyên thì phải bảo vệ, phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và một trong những cách để vừa bảo vệ, vừa sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đó là chúng ta phải thu phí khai thác, hay thu tiền cấp quyền khai thác. Đương nhiên sản xuất nông nghiệp hay nuôi trồng thủy sản cũng là một hoạt động kinh tế và việc sử dụng tài nguyên để hoạt động kinh tế thì cũng cần phải trả một chi phí nhất định.

Tương tự như vậy thì nước sinh hoạt, hầu hết tại các đô thị lớn hiện nay thì người dân đang phải trả tiền cho nước sinh hoạt, thế thì không có lý do gì các công ty khai thác nước lại không phải trả tiền cấp quyền khai thác.

Tuy nhiên không phải tất cả các đối tượng khi khai thác nước đều phải trả tiền cấp quyền khai thác. Ví dụ nếu lượng nước sử dụng không vượt quá 100m3/ngày đêm và đối với nước sinh hoạt tại địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn thì không quá 200m3/ngày đêm thì cũng không phải làm thủ tục để cấp phép hay đăng ký khai thác.

Đối với hộ gia đình khi sử dụng nước phục vụ cho sinh hoạt, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản quy mô hộ gia đình thì cũng không phải đăng ký, không phải cấp phép, mà chỉ cần kê khai để giúp cơ quan quản lý có thể quản lý mức độ sử dụng cũng như quản lý một cách tổng thể tài nguyên nước của chúng ta đang được khai thác như thế nào mà thôi.

Như vậy việc chúng ta quy định về cấp phép tài nguyên nước chủ yếu nhằm vào các đối tượng là các tổ chức, cá nhân khai thác quy mô lớn, mang tính chất kinh doanh dịch vụ. Đó là điều công bằng và chúng ta cần phải làm.

PV: Theo ông, nếu Nghị định được ban hành thì sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Ông Bùi Thanh Tùng: Khi nghị định được ban hành chúng ta sẽ đạt được mấy điều, một là việc chúng ta đưa vào các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến việc cấp phép đối với việc khai thác nước dưới đất là rất cần thiết để đảm bảo duy trì và bảo vệ nguồn nước ngầm, đặc biệt là ở một số đô thị lớn, nếu chúng ta không có sự kiểm soát chặt chẽ thì nguồn nước ngầm sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Còn đối với việc cấp quyền khai thác cũng như quy đinh rõ các tổ chức, cá nhân khai thác nước sử dụng cho mục đích khác nhau phải được cấp phép, được đăng ký, được kê khai thì đấy chính là một cách để chúng ta quản lý tốt hơn việc sử dụng tài nguyên.

Đây là cách tiếp cận hoàn toàn đúng để chúng ta đảm bảo tính phát triển bền vững, để chúng ta có thể dành các tài nguyên rất quý là tài nguyên nước cho các thế hệ tương lai.

PV: Xin cảm ơn ông.

Tính đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thu được gần 12.900 tỷ đồng thu được từ tiền cấp quyền khai thác nước và cấp phép cho hơn 23 nghìn công trình. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước không nộp tiền cấp quyền, tình trạng đào sông, suối, ao hồ để tạo không gian thu trữ nước hay tạo cảnh quan chưa được quản lý.

Những quy định mới của Dự thảo Nghị định về việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ khắc phục những bất cập trên?

Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của Dự thảo Nghị định về việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước? Nếu được ban hành, các quy định mới của Dự thảo Nghị định về việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ giúp tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, giúp cá nhân doanh nghiệp có ý thức sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước ?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng Podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast, Google Podcast.

 

Hải Hà - Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Giáng sinh màu lửa

Giáng sinh màu lửa

Một Noel an lành đang đến, đường phố Hà Nội tấp nập, đông vui. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên ngày Noel lịch sử năm 1972 – ngày “Giáng sinh màu lửa”, nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.

Metro số 1: Công nghệ tiên tiến và kỹ thuật quản lý thi công chuyên nghiệp đã được chuyển giao

Metro số 1: Công nghệ tiên tiến và kỹ thuật quản lý thi công chuyên nghiệp đã được chuyển giao

Sáng 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành sau 17 năm với không ít khó khăn, thách thức.  Ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhanh VOV Giao thông bên lề sự kiện quan trọng này.

Mập mờ thu phí gửi xe không dùng tiền mặt

Mập mờ thu phí gửi xe không dùng tiền mặt

Từ giữa năm 2024, TP. Hà Nội đã thí điểm triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân và minh bạch trong thu phí trông giữ phương tiện.

Những kinh nghiệm của Dự án metro số 1 là bài học quý giá cho tương lai

Những kinh nghiệm của Dự án metro số 1 là bài học quý giá cho tương lai

Trong quá trình thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM, đã có nhiều vấn đề phát sinh như giải phóng mặt bằng, di dời các chướng ngại vật ngầm dưới lòng đất, thay đổi về thông số kỹ thuật dựa trên điều kiện thực tế tại công trường, các quy trình thủ tục về hợp đồng,...

Phố phường cuối năm

Phố phường cuối năm

Chỉ còn vài ngày nữa sẽ sang năm mới. Bước ra phố, không khi tấp nập, vội vã, nhưng cũng mang đầy hương vị của năm mới cận kề...

Hà Nội: Thêm tuyến đường, phố đủ điều kiện trông xe, tổ chức thế nào không ùn tắc?

Hà Nội: Thêm tuyến đường, phố đủ điều kiện trông xe, tổ chức thế nào không ùn tắc?

Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt danh mục tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, trong đó bổ sung 191 tuyến đường, phố đủ điều kiện vào danh sách được trông giữ xe dưới lòng đường.

Xử lý kịp thời hàng chục 'điểm đen', đảm bảo ATGT hệ thống quốc lộ phía Bắc

Xử lý kịp thời hàng chục "điểm đen", đảm bảo ATGT hệ thống quốc lộ phía Bắc

Hàng chục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đã được xử lý khắc phục kịp thời, công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên, xử lý cầu yếu và tăng cường chất lượng mặt đường tại các tuyến quốc lộ khu vực phía Bắc về cơ bản hoàn tất, giúp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết.