Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Ngăn chặn tình trạng bố mẹ gả bán con gái vị thành niên

Hải Hà - Quách Đồng: Thứ hai 19/02/2024, 14:18 (GMT+7)

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người bộc lộ một số một số khó khăn, bất cập trong phòng ngừa, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và trong công tác hợp tác quốc tế về mua bán người.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi gồm 8 chương, 62 điều, tăng 04 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011. Trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 35 điều, xây dựng mới 05 điều, bỏ 01 điều.

Mục đích của việc xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi là nhằm hoàn thiện pháp Luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới;  hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người đang trong quá trình xác định là nạn nhân của buôn bán người và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Việc xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi được thực hiện dựa trên quan điểm thể chế hóa quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; bảo đảm các quy định của Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi mang tính cụ thể, dễ tổ chức thực hiện.

Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Đáng chú ý, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người bổ sung 01 điều (Điều 32) về đối tượng bảo vệ, gồm: người trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân và những người thân thích của họ như: Vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, con đẻ…

Điểm mới của Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người là bổ sung thêm quy định về tiếp nhận, xác định nạn nhân đang ở nước ngoài. Theo đó, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về người có dấu hiệu bị xâm hại bởi hành vi mua bán người, thì cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để phối hợp kiểm tra, xác minh và tổ chức giải cứu trong trường hợp nạn nhân chưa được giải cứu, hoặc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu nếu người đó đã được giải cứu.

So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, Chương VII của Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi giữ nguyên về số điều, sửa đổi, bổ sung 02 điều (Điều 58, Điều 59) về nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người và thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm quy định thống nhất trong dự thảo Luật và phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật liên quan.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các Thành viên Chính phủ, Bộ Công an đã chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới. 

hình minh họa (bocongan.gov.vn)

hình minh họa (bocongan.gov.vn)

Dự thảo Luật Phòng, chống buôn bán người sửa đổi có những điểm gì mới đáng chú ý?

Phóng viên Quách Đồng đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (V03), Bộ Công an về nội dung này:

PV: Xin ông cho biết một vài điểm mới nổi bật của dự thảo Luật Phòng chống mua bán người sửa đổi?

Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên: Trong dự án luật này có ba chính sách mới, một là sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ xác định nạn nhân, đảm bảo phù hợp với các quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 và Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng, chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Thứ hai, bổ sung cái chế định đối với với những người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Theo đó, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân thì được hưởng một số chế độ phục vụ thiết yếu như là ăn mặc ở y tế rồi là hỗ trợ về tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ về phiên dịch.

Thứ ba, bổ sung những cái quy định về nâng cao chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân để đảm bảo khắc phục những cái bất cập hiện nay phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như là phù hợp với cái cam kết của Việt Nam liên quan tới đảm bảo bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân bị mua bán.

PV: Hiện nay đang có tình trạng bố mẹ gả bán con gái mới từ 13 - 15 tuổi sang Trung Quốc để lấy chồng. Tình trạng này được đặt ra như thế nào trong dự thảo luật?

Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên: Tình trạng này thì diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là đối với cả đồng bào dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa khi mà người ta chưa hiểu rõ về quy định của pháp luật cũng như là điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn.

Bởi vậy, trong cái dự thảo luật sửa đổi lần này là chúng tôi cũng đã có khảo sát, đánh giá cái tác động và đưa những nội dung này vào dự án luật nhằm là tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm được các quy định của pháp luật, giảm, rồi đến chấm dứt cái việc bán con cái ra nước ngoài và các đối tượng bị bán là những trẻ em.

Nên họ cần có một cái chính sách bảo trợ đặc biệt và đây cũng là những cái cơ chế, những cái nội dung mới mà trong dự thảo luật sửa đổi lần này chúng tôi đưa vào để phù hợp với cả các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết.

PV: Những giải pháp chủ yếu của Ban soạn thảo đề xuất để khắc phục tình trạng này là gì?

Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Công Nguyên: Để giảm bớt tình trạng phạm tội mua bán người thì công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục pháp luật là công tác đặc biệt quan trọng và đặc biệt là đối với những cái vùng mà kinh tế còn nghèo khó, hoặc là trình độ văn hóa xã hội chưa phát triển hoặc là cái hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế, thì công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật phải đặc biệt quan tâm.

Một là để người dân người ta sẽ hiểu được là cái hành vi đó là vi phạm pháp luật. Cái thứ hai, bên cạnh đó thì chúng ta cũng quan tâm để phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm và để đảm bảo cái đời sống an sinh cho người dân ở những khu vực đó.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu thi hành quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam bị can Phạm Thị Tú (ảnh: baochinhphu.vn)

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu thi hành quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam bị can Phạm Thị Tú (ảnh: baochinhphu.vn)

Vì sao cần phải xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người? những quy định mới Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người có giúp ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế tình trạng mua bán người?

PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên  Ủy ban pháp luật của Quốc hội xung quanh nội dung này:

PV: Xin ông cho biết về sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Luật phòng, chống buôn bán người sửa đổi?

Ông Phạm Văn Hoà:  Tình hình thực tiễn của đất nước Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Trong thời gian qua, việc mua bán người trá hình, lợi dụng những người dân nhẹ dạ cả tin diễn ra phức tạp, đặc biệt là các tỉnh biên giới trong đó có nữ giới,  trẻ em.

Tuy nhiên Luật hiện hành, chưa đủ sức răn đe, chưa đủ sức trừng trị thích đáng cho những đối tượng này. Thêm nữa, những cơ quan chức năng, những cơ quan bảo vệ pháp luật, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể,chưa đủ mạnh để phòng ngừa răn đe, trừng trị thích đáng những đối tượng này.

Cho nên việc xây dựng Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi là cần thiết trong thời điểm hiện nay nhằm tăng sức răn đe, trừng trị thích đáng những đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một bộ phận người dân để  mua bán người, thậm chí có những trường hợp cha mẹ bán con cái của mình để lấy tiền tiêu xài.

Bán con ở tuổi vị thành niên, chưa trưởng thành, đây hành hành vi rất phi đạo đức. Đây cũng là vấn nạn đã và đang xảy ra mà Luật chưa có những quy định cụ thể đối với những trường hợp mà cha mẹ mua bán con cái mình qua biên giới. 

PV: Theo ông, dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi cần có những giải pháp như thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Ông Phạm Văn Hoà: Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi cần đưa ra những nhiệm vụ cụ thể, những nội dung khung, sau đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, các bộ có liên quan hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để ngăn ngừa, nghiêm trị.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi cần đưa ra những quy định cấm đối với những trường hợp cha mẹ đem con ở độ tuổi vị thành niên đi bán, dưới những hình thức khác nhau (cho nhận con nuôi hoặc đưa người đi xuất khẩu lao động) nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Đồng thời có những quy định xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

PV:  Thưa ông thì nếu mà dự thảo luật này được thông qua thì nó có thể gây ra những tác động xã hội như thế nào?

Ông Phạm Văn Hoà: Nếu Dự thảo Luật phòng, chống buôn bán người được thông qua sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn, nâng cao sự nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước và nâng cao sự hiểu biết của người dân về quy định phòng, chống mua bán người.  Đây là những cơ quan có vai trò rất lớn trong việc phòng, chống mua bán người, tuyên truyền, vận động thuyết phục, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mua bán trẻ em, con cái.

Luật Phòng, chống mua bán người nếu được thông qua sẽ đủ sức răn đe, đủ sức trừng trị và xử lý thích đáng đối với những đối tượng mua bán người, những đối tượng xấu lợi dụng trẻ vị thành niên hoặc lợi dụng là cha mẹ, những người lớn của trẻ, thiếu hiểu biết về pháp luật, thuyết phục mua bán con cái (bằng những hình thức như đưa người đi xuất khẩu lao động, giao nhận con nuôi ).

Mặt khác, Luật được ban hành sẽ nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi chính đáng của  trẻ vị thành niên.

PV: Xin cảm ơn ông!

***

Tình trạng mua bán người qua biên giới diễn ra phức tạp với nhiều hình thức rất tinh vi, thậm chí nhiều cha mẹ thiếu hiểu biết, bán cả con của mình để lấy tiền tiêu xài, gây ra những hệ lụy cho gia đình và xã hội, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.

Những quy định mới của Dự thảo Luật Phòng, chống buôn bán người sửa đổi sẽ khắc phục những bất cập trên? Bạn có ý kiến gì về các quy định mới của Luật Phòng, chống buôn bán người sửa đổi ?  Nếu được ban hành, các quy định mới của Luật Phòng, chống buôn bán người sửa đổi sẽ tăng cường trách nhiệm của cha mẹ ra sao? Các nạn nhân sẽ được hỗ trợ và bảo vệ như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động.

 

Hải Hà - Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Kênh rạch trơ đáy, ruộng vườn xơ xác, lượng nước dự trữ cho việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đang cạn dần… Đó là tình cảnh chung của nhiều bà con đang chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Sau gần 2 tháng triển khai, việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số vị trí ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội  triển khai áp dụng thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đây là ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh có tên gọi “Thẻ vé Giao thông Hà Nội”.

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Bước vào những ngày nắng nóng, người dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long liên tục “kêu cứu” vì trình trạng khói, bụi từ nhà máy xay xát lúa gạo trong khu vực trực tiếp thải ra môi trường.

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Hiện nay, Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn, đặt nhiều cánh rừng vào tình trạng cảnh báo cháy cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Thống kê chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Đây là mối lo ngại rất lớn cho môi trường. Vì vậy, việc tái chế các linh kiện điện tử đã qua sử dụng là một việc làm rất ý nghĩa, góp phần hạn chế rác thải điện tử xả ra môi trường.

Đảo Ngọc 'thay áo mới'

Đảo Ngọc "thay áo mới"

Nếu các bạn đã quen thuộc với con phố Ngũ Xã khi tới đây thưởng thức món ngon Hà Nội, thì nay sẽ không khỏi ngạc nhiên với một Ngũ Xã vào buổi tối lên đèn. Các tuyến phố trên Đảo Ngọc đã đổi thay kể từ khi khu vực được xây dựng thành không gian văn hóa, ẩm thực mới.