Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dự thảo trên tay

Thu nhập 2 vợ chồng dưới 15 triệu/tháng mới được mua nhà ở xã hội?

Quách Đồng: Thứ hai 18/03/2024, 13:58 (GMT+7)

Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngoài các tiêu chí về việc chưa có nhà ở hoặc nhà ở có diện tích dưới 15m2 sàn/người, để được mua thì mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu/tháng.

BỎ TIÊU CHÍ ĐIỀU KIỆN CƯ TRÚ

Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng soạn thảo, có 6 chương, 77 Điều, gồm: Những quy định chung; Các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; Về nhà ở xã hội; Về nhà lưu trú công nhân…

Cụ thể, đất để phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất: Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.

Về lựa chọn chủ đầu tư, Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đề xuất: Trường hợp có nhiều đơn vị quan tâm thì việc lựa chọn chủ đầu tư dự án được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu. Trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm đăng ký thì cơ quan có thẩm quyền có thể chỉ định thầu khi doanh nghiệp đáp ứng những điều kiện nhất định về vốn chủ sở hữu; Có kinh nghiệm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở…

Về đối tượng được mua nhà ở xã hội, Dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội nêu rõ: người đứng đơn phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; Trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân của những người đăng ký thường trú tại căn nhà đó dưới 15 m2 sàn/người.

Cùng đó, Dự thảo Nghị định này cũng bỏ tiêu chí về điều kiện cư trú – một trong những “rào cản” được người dân phản ánh lâu nay. Theo dự thảo nghị định, Bộ Xây dựng chỉ yêu cầu người có nhu cầu mua nhà xã hội phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó, chứ không “chốt” cứng phải có hộ khẩu thường trú.

Đặc biệt, về điều kiện thu nhập, Dự thảo nghị định quy định, mức thu nhập bình quân hàng tháng của người đứng đơn và vợ hoặc chồng của người đó không quá 15 triệu đồng/tháng tính theo Bảng tiền công, tiền lương do cơ quan, đơn vị nơi đối tượng làm việc xác nhận.

Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành và các địa phương và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Dự thảo nghị định sẽ được Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét, ban hành, sau khi đã được Bộ Tư pháp thẩm định, cũng như tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, thu nhập 2 vợ chồng phải thấp hơn hoặc bằng 15 triệu đồng/tháng mới được xem xét mua nhà ở xã hội (chinhphu.vn)

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, thu nhập 2 vợ chồng phải thấp hơn hoặc bằng 15 triệu đồng/tháng mới được xem xét mua nhà ở xã hội (chinhphu.vn)

MỨC LƯƠNG HIỆN NAY KHÓ TIẾP CẬN

Vì sao Bộ Xây dựng đề xuất nới tiêu chuẩn đối với người có nhu cầu mua nhà ở xã hội? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam,  Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội

PV: Thưa ông, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về nhà ở xã hội. Trong đó, đưa ra quy định để mà được mua nhà ở xã hội, người dân phải thỏa mãn điều kiện về nhà ở và thu nhập tăng 4 triệu đồng so với Nghị định trước đây. Theo ông thì điều này có phù hợp?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Hiện nay, cái cản trở nhất của người mua nhà xã hội là mức thu nhập. Bởi vì, có nhiều người mức thu nhập cao nhưng người ta chưa có nhà ở, có nhiều người thu nhập thấp nhưng người ta có nhà rồi cho nên nếu chỉ dựa vào thu nhập cũng chưa hẳn là chính xác. Ở đây phải dựa vào mức lương và thời gian vay.

Thời gian vay rất ngắn, chỉ có 5 năm, rất nhiều người không đủ điều kiện để tiếp cận. Người ta phải vay dài từ 10 - 15 năm, thậm chí 20 năm thì mới có nhiều người người tiếp cận được nhà xã hội. Ví dụ như lực lượng vũ trang, người làm công ăn lương. Vì thực ra là đối với mức lương hiện nay rất khó tiếp cận với nhà ở xã hội, vì không đủ điều kiện. Đấy là cái cần phải nghiên cứu, làm sao cho nó sát với thực tế, đi vào cuộc sống hơn.

Chúng ta có thể phải phân loại đối tượng: đối tượng nào được mua trước, đối tượng được mua sau. Nhiều người mới công tác nhưng lại được mua nhà ở xã hội, trong khi có những người công tác năm 10, 20, 30 năm rồi lại không đủ điều kiện.

Rõ ràng bây giờ phải phân loại, ưu tiên những người cống hiến lâu và những người chưa có nhà vì chúng ta đang thực hiện công bằng xã hội.

PV: Về điều kiện nhà ở, so với Nghị định trước đây, có điểm gì khác biệt?

Ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội

Ông Nguyễn Thế Điệp, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội

Ông Nguyễn Thế Điệp: Có thể nói, dự thảo lần này mở rộng hơn đối tượng tiếp cận. Đây cũng là bước tiến mới để mở rộng hơn nữa và thuận lợi cho người mua. Nghị định hiện hành đang vướng mắc nhiều, nhất ở điều kiện, tiêu chí để mua nhà xã hội, do vậy chúng ta phải xem xét lại cho sát thực tế.

Bên cạnh đó, các chính sách dành cho chủ đầu tư và người mua, phải đồng bộ, có nghĩa là đều được vay thì nó mới phát triển được. Ví dụ, các nhà đầu tư phát triển dự án được vay, nhưng người mua gặp ách tắc sẽ gây nên một hệ quả rất lớn. Hoặc là người mua được vay nhưng người làm dự án này rất bế tắc trong xét duyệt, tính toán giá cả để bán kéo dài thì đây cũng là cái khó khăn.

Như vậy, chúng ta phải rút kinh nghiệm, về mặt vĩ mô, chính sách phải mang tính đồng bộ, kết nối với nhau, làm sao cùng phải chạy. Bởi vì rất nhiều đối tượng không đủ điều kiện hoặc là người ta không đủ khả năng trả nợ trong 5 năm và người xây dựng cũng rất ách tắc.

PV: Ngoài ra trong dự thảo Nghị định này, ông thấy là có cần phải điều chỉnh, bổ sung điều gì khác?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Cần quan tâm đến các giải pháp tài chính cho nhà đầu tư và người mua, làm sao mà thời gian vay vốn có thể kéo dài hơn để người dân tiếp cận được vốn 120.000 tỷ.

Hai nữa, về chủ đầu tư, chúng ta tạo mọi điều kiện, loại bỏ tất cả những thủ tục hành chính để các chủ đầu tư tiếp cận đất đai một cách nhanh nhất và phê duyệt giá một cách nhanh nhất, để khi chủ đầu tư đưa ra được đề án, khởi công móng thì người ta cũng được tiếp cận vốn của người mua, người ta được huy động vốn khi đã đủ điều kiện giải phóng mặt bằng và xây móng cũng giống như nhà ở thương mại, cũng phải cho người ta tiếp cận ngay được với những người mua để làm sao mà chủ đầu tư người ta có đủ điều kiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

CẦN PHẢI TÍNH ĐÊN CHÊNH LỆCH GIỮA CÁC VÙNG MIỀN

Việc nới các tiêu chuẩn được mua nhà ở xã hội, đặc biệt là mức thu nhập của cả hai vợ chồng người đứng đơn mua nhà ở xã hội, nếu được ban hành sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết ban hành dự thảo nghị định này?

Ông Phạm Trọng Nghĩa: Vừa rồi Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, trong đó có rất nhiều quy định mới, trong đó có quy định về nhà ở xã hội. Trong Luật cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan, trong đó có nội dung liên quan đến nhà ở xã hội về việc Chính phủ xây dựng để ban hành Nghị định liên quan đến nhà ở xã hội, bảo đảm thời gian hiệu lực của Luật từ 1/7/2024 là hết sức cần thiết.

PV: Theo ông với những quy định tại dự thảo nghị định này đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó hay chưa và cần bổ sung những gì?

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Ông Phạm Trọng Nghĩa: Về cơ bản tinh thần của Luật nhà ở sửa đổi là mở rộng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội cho người dân, cho người lao động, những người có thu nhập thấp có khả năng tiếp cận được nhà ở.

Luật cũng đã đưa ra các quy định ưu đãi cho chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, ưu đãi, hỗ trợ cho những người mua nhà ở xã hội. Dự thảo nghị định cũng quy định rõ các đối tượng được tiếp cận, được mua nhà ở xã hội, so với quy định hiện hành có những điểm mở ra hơn.

Theo tìm hiểu của tôi, việc không bắt buộc phải có quy định về đăng ký hộ khẩu thường trú, hay là mở rộng về mức thu nhập của hai vợ chồng để được đăng ký mua nhà ở xã hội nâng cao hơn so với mức quy định hiện hành.

PV: Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo nghị định lần này là nới mức thu nhập người đứng đơn và vợ hoặc chồng không quá 15 triệu đồng/tháng thì mới được xét mua nhà ở xã hội. Ông có quan điểm như thế nào về điều này?

Ông Phạm Trọng Nghĩa: Việc tăng từ mức 11 triệu theo quy định hiện hành lên 15 triệu là một điểm hết sức hợp lý. Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam là 7,1 triệu/người/tháng, như vậy 2 vợ chồng là 14,2 triệu/tháng.

Nhưng đấy là mức bình quân của người lao động trong phạm vi cả nước, nên khi chúng ta xác định mức thu nhập của hai vợ chồng trong dự thảo nghị định này là 15 triệu thì chúng ta cần phải tính đến các yếu tố khác, đó là chi phí cuộc sống chênh lệch giữa các vùng miền. 

Bởi vì ở những vùng không phải là khu đô thị, chi phí cuộc sống không cao thì thu nhập người ta được mua nhà ở xã hội thì người ta cũng có điều kiện để tích lũy, thanh toán những khoản tiền mua nhà xã hội cũng như đảm bảo cuộc sống. Nhưng tại những khu đô thị, khu công nghiệp tập trung, nhiều người lao động, mà chi phí cuộc sống nó cao thì mức thu nhập 15 triệu khó có thể đảm bảo cho người lao động.

Tôi thấy nên có định mức tiêu chuẩn về thu nhập phân biệt giữa vùng có chi phí cuộc sống cao và vùng có chi phí cuộc sống thấp. Ví dụ như mức bình quân là 15 triệu ở các đô thị, điều kiện thu nhập 20 triệu thì có thể tiếp cận nhà ở xã hội. Như ở nước ta, mức lương tối thiểu Chính phủ cũng đã xác định theo 4 vùng, thì mức thu nhập để xác định là đối tượng được mua nhà ở xã hội cũng nên xác định có sự phân biệt khác nhau giữa các vùng miền như vậy.

Mức cụ thể thì cần phải tính toán, vừa đủ để người lao động trang trải cuộc sống, tái tạo sức lao động, vừa có phần để góp vào để trả tiền nhà xã hội nữa.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Bộ Xây dựng, dự báo đến năm 2030 nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được bổ sung với quỹ nhà lên tới hàng triệu căn. Bởi vậy, việc mở rộng điều kiện mua nhà ở xã hội, trong đó có việc nâng mức thu nhập của người đứng đơn và vợ hoặc chồng là cần thiết để phù hợp hơn với thực tế; tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu ngôi nhà của mình.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo nghị định này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo nghị định sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” khung giờ FM91 chiều thứ Hai, thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Apple Podcast và Google Podcast.

 

Quách Đồng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Diện mạo mới của cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khoác áo mới lung linh ánh sáng, kết hợp với các tác phẩm nghệ thuật giống như một đường "hầm thủy cung".

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

Đường lên Tây Bắc: Từ những chiếc xe đạp thồ đến máy bay A321

21 nghìn chiếc xe đạp thồ, hơn 3 vạn lượt dân công hỏa tuyến- trong số 26 vạn dân công cả nước, đã cùng với phương tiện vận tải cơ giới, vượt núi cao, vực sâu, đưa 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Hà Nội làm gì để đẩy tiến độ cải tạo chung cư nguy hiểm cấp D?

Gần đây VOV Giao thông liên tiếp nhận được phản ánh của người dân Hà Nội về việc họ sẵn sàng di dời khỏi các chung cư cũ để cải tạo, xây mới, tuy nhiên điều khiến họ lo ngại nhất là thời gian xây dựng thường kéo dài, gây phiền hà và đảo lộn cuộc sống.

Hà Nội kiến nghị cho trông giữ xe ôtô ở lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn

Hà Nội kiến nghị cho trông giữ xe ôtô ở lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn

Với số lượng xe cá nhân gia tăng nhanh chóng, theo quy hoạch diện tích đất cho giao thông tĩnh Hà Nội phải đạt 4%/diện tích đất đô thị nhưng hiện mới chỉ đạt 0,6% nên thiếu điểm trông giữ xe.

Vinasun Taxi thay đổi 700 xe hybrid trong năm 2024

Vinasun Taxi thay đổi 700 xe hybrid trong năm 2024

Trong nỗ lực vượt qua khó khăn và gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, Vinasun Taxi quyết định sẽ chuyển đổi 700 phương tiện hiễn hữu sang xe hybrid cũng như đề xuất đưa xe điện 3 bánh đi vào hoạt động.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng trong hôm nay

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng trong hôm nay

Ngân hàng Nhà nước thông báo, hôm nay sẽ tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC.