Phát triển lâm sản ngoài gỗ, góp phần đa dạng sinh học

Việc phát triển những lâm sản ngoài gỗ thời gian qua không chỉ đã mang lại lợi ích kinh tế, gia tăng sinh kế cho bà con tại khu vực có rừng, mà còn góp phần làm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, hướng đến đa giá trị từ rừng.

Với diện tích hơn 3ha rừng, năm 2016, gia đình ông Hà Văn Hinh, ở bản Hậu, xã Tam Lư (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá) được UBND xã Tam Lư hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mua phân để trồng luồng mỗi năm. Đồng thời,  cán bộ nông nghiệp huyện Quan Sơn hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật trong thâm canh, phục tráng rừng luồng. Ông Hinh đã xây dựng một mô hình phát triển kinh tế đồi, rừng, lấy cây luồng làm cây mũi nhọn.

Năm 2018, ông quyết định trồng thêm 2 ha cây luồng, 2 ha cây vầu, keo, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, trang trại của ông Hinh đã được mở rộng lên 6 ha, bao gồm gần 4 ha luồng, 2 ha vầu, keo…thu nhập bình quân đạt 100 triệu/năm, riêng cây luồng cho thu nhập đạt khoảng 50-60 triệu/năm.

Ảnh nh họa

Ông Vi Văn Thạnh - Chủ tịch UBND xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, Thanh Hoá cho biết: "Đa số chúng tôi là mô hình phát triển rừng, mô hình VAC lồng ghép, phải chăm sóc bảo vệ rừng, chúng tôi tuyên truyền cho người dân biết là song song với phát triển, bảo vệ rừng là chăn nuôi hộ gia đình gia cầm, gia súc dưới tán rừng để hiệu quả hơn'.

Với hơn 85 nghìn ha rừng và đất rừng, huyện Quan Sơn đã xác định, đây chính là lợi thế rất lớn để huyện thực hiện tốt các chương trình, đề án của Trung ương, của tỉnh về công tác giảm nghèo.

Ông Lục Văn Trực, Xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa chia sẻ: 'Từ khi chia đất rừng, kinh tế gia đình tương đối ổn định, mỗi  năm khai thác cũng đủ sống không vất vả  như ngày xưa'.

Rừng được quản lý, bảo vệ tốt đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất Tiểu thủ công nghiệp hình thành, phát triển. Đến nay, huyện Quan Sơn đã có gần 140 cơ sở, doanh nghiệp và 15 công ty, trong đó, 65 cơ sở sản xuất tăm đũa, Các cơ sở này hằng năm đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động trên địa bàn.

Bà Vi Thị Trọng, Chủ tịch UBND xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa nhấn mạnh: 'Để phát triển kinh tế cho bà con nhân dân, chúng tôi định hướng cho bà con phát triển nghề rừng, trong đó tập trung chăm sóc diện tích rừng hiện có, và phát triển thêm diện tích rừng lau lách chưa có cây trồng tốt để tăng diện tích rừng tự nhiên, phát triển kinh tế cho người dân'.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Quan Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về phát triển rừng, để đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn đạt trên 90%, tạo điều kiện cho kinh tế lâm nghiệp, trang trại, gia trại…phát triển, góp phần vào công tác giảm nghèo nhanh, bền vững.