Phân loại rác nơi công sở: Vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phong trào

Mặc dù nhiều phong trào, sự kiện thiết thực được tổ chức nâng cao ý thức của người dân bảo vệ môi trường song cũng chỉ duy trì trong thời gian ngắn rồi “đâu lại vào đấy”. Ngay các cơ quan công sở ở thủ đô đã trang bị hệ thống thùng rác chuyên dụng nhưng cũng không mang lại hiệu quả lâu dài.

Chị Vũ Thị Lan, nhân viên biên dịch của công ty truyền thông lớn tại Hà Nội kể rằng: Cách đây vài năm, đơn vị triển khai rầm rộ phong trào hạn chế rác thải nhựa. Túi vải, chai đựng nước thủy tinh được sử dụng thay thế nilon, nhựa trong mọi sự kiện cơ quan tổ chức.

Thùng rác nhiều ngăn được bố trí cạnh thang máy và nhà vệ sinh khắp các tầng với đầy đủ hướng dẫn cụ thể cách phân loại rác tại cơ quan công sở. Nhưng hiện tại không còn mấy ai để tâm vì lý do “quá bận.

'Mọi hôm không để ý nay lên thấy vẫn ở đấy. Thời gian đầu cũng hay phân loại nhưng dạo gần đây mình đi sang phải thùng rác ngay cửa hay vứt ở đấy nên không để ý thùng kia.

Một thời gian mọi người cũng tích cực nhưng nay có người làm có người không. Mọi người cũng bận mang ra vứt rác bận quá thì thôi, rảnh quá mới lưu tâm', chị Lan cho biết.

Không phải vì lý do “quá bận”, Lê Văn Phú, nhân viên công ty tư vấn bất động sản nước ngoài tại Việt Nam mang tâm lý phân loại rác không phải việc của mình. Đội ngũ nhân viên vệ sinh do công ty thuê riêng có trách nhiệm phân loại rác sau mỗi ca làm việc: 'Bình thường khi thu rác văn phòng em 60-70 người thu được túi nilon to thu chung.

Giấy, chai nhựa vẫn tái chế không phải nhân viên tái chế mà cô lao công phân loại. Cần gì phải tập thói quen khi đã có người phân loại cho, quan tâm làm gì'.

Trong khi đó chị Mai Hương, nhân viên vệ sinh tòa nhà Phú làm việc vừa lau dọn, vừa luôn chân luôn tay nhặt riêng rác tái chế được vứt lẫn lộn trong các thùng:  'Nhặt giấy, bìa tích lũy vào để dồn vào bán. Còn rác kia tích lũy làm gì. Chả ai phân loại gì cả.

Rác trong nhà vệ sinh, rác ăn xong vứt đây thì cứ thế cho hết vào túi trưa thì vứt xuống kho chứa. 5h-6h kém thì chuyển rác xuống, làm gì có thời gian mà phân loại'.

Giống tình cảnh tại các khu chung cư, nhiều cơ quan công sở cũng trang bị hệ thống thùng rác phân loại nhưng thực tế không được sử dụng hết công suất, mục đích. Việc phân loại rác còn bỏ lửng sau những phong trào rầm rộ khi người dân còn chưa duy trì được thói quen và được khuyến khích thực hiện.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT, chưa nói đến quy trình cần đồng bộ, khó khăn nhất hiện nay trong thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt là sự tham gia của người dân.

Trong khi người dân vẫn chưa thật sự mặn mà với việc phân loại rác thì cần nghiêm túc nhìn nhận lại nguyên do để có giải pháp phù hợp:

'Chuyện phân loại rác tại nguồn chúng ta đã thử nghiệm, quy định, chế tài xử phạt nhưng vẫn thất bại. Chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại vì phân loại rác tại nguồn là biện pháp căn cơ không thể khác. Qua một số đợt thử nghiệm chính sách của chúng ta không đồng bộ', TS Hoàng Dương Tùng nói.