Ô nhiễm tiếng ồn từ việc hát karaoke chưa được xử lý triệt để

Mặc dù chính quyền TP.HCM đã không ít lần yêu cầu các địa phương mạnh tay xử lý nhưng tiếng ồn từ việc hát karaoke vẫn chưa có xu hướng giảm; người dân nhiều khu phố vẫn bị tra tấn hàng đêm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Ảnh nh họa

Đã gần 11g đêm, và không phải là ngày cuối tuần, nhưng tiếng karaoke từ phía những căn nhà tạm phía sau khu Chung cư Bình Khánh, phường An Phú, Tp. Thủ Đức vẫn vang lên bất chấp. Mặc cho tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khi số ca F0 trong cộng đồng tăng cao, chỉ riêng nhà G và nhà F của Lô N ngay cạnh căn nhà tạm này số ca F0 hiện tại vẫn đang ở ngưỡng gần 90 ca. 

Chị L.T.Y nhiều tháng nay bức xúc trước tình trạng người dân gây ô nhiễm tiếng ồn vào lúc nửa đêm. Chị cùng với các cư dân đã phản ánh lên Tổng đài 1022 nhiều lần mong chấm dứt tình trạng này, nhưng chỉ được ít hôm, rồi đâu lại vào đấy: Tiếng ồn ảnh hưởng từ việc cư dân ở phía dưới khu tạm cư hay tụ tập vào khoảng 6g tối đến khoảng 12g đêm, hát rất lớn, việc ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng nặng nề đến cư dân ở đây, về sức khoẻ cũng như tinh thần.

Bà P.T.H có hai cháu nhỏ. Chứng mất ngủ vào ban đêm của bà trở nên trầm trọng hơn khi thường xuyên phải nghe những tiếng karaoke như “đấm” vào tai; còn các cháu nhỏ thì bị làm phiền trong mỗi giờ học online. Bà cho biết, covid-19 đã gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình khi phải ở nhà trong nhiều tháng liền, nay không gian lại càng bức bí hơn khi phải đóng cửa ra ban công để tiếng ồn không bị ảnh hưởng: Tôi đi làm về đã mệt mỏi, bao nhiêu lao động hàng ngày vất vả, về nhà lại cứ karaoke, karaoke,...Tôi đề nghị các cấp lãnh đạo có sự xử lý.

Ông Phạm Thanh Phương, Chủ tịch Phường An Phú, TP.Thủ Đức cho biết, trước khi làn sóng dịch thứ 4 diễn ra, Tp. Thủ Đức cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo để phối hợp xử lý tình trạng gây ô nhiễm tiếng ồn; tuy nhiên, khi nới lỏng giãn cảnh và bước vào trạng thái “bình thường mới”, tình trạng này lại tiếp diễn, đặc biệt ở khu vực nhà trọ, tạm cư, người dân thường xuyên tụ tập ăn nhậu và hát loa kẹo kéo.

Cũng theo ông Phương, việc kiểm tra, xử lý không được thường xuyên do gặp phải một số khó khăn: 'Địa phương địa bàn rộng, hơn 1.000 ha, lực lượng tuần tra không phải lúc nào cũng có đầy đủ để đi kiểm tra. Trong kế hoạch, chúng tôi cũng có nhiều nội dung.

Tuyên truyền là trọng tâm. Quan trọng nhất là ý thức của người dân. Chúng tôi cũng đi tuần tra, xử lý, nhưng trường hợp xử lý cũng không được nhiều, vì nếu xử lý theo luật thì phải có dụng cụ đo tiếng ồn nên chúng tôi chủ yếu là nhắc nhở người dân nhận thức được việc mình làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của khu vực'.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, TP.HCM muốn đạt được tiêu chí đô thị xanh thì cần giải quyết dứt điểm tình trạng này bằng cách luật hoá: 'Đã phát ra tiếng ồn là đô thị không xanh rồi. Chứ đừng nghĩ đô thị xanh là mặt nước, cây xanh, vì nó làm hỏng môi trường.

TP.HCM hoàn toàn có thể đưa ra quy định sâu hơn về các giải pháp khắc phục hậu quả xấu của vấn đề sử dụng ánh sáng và âm thanh. Ai để lọt tiếng ồn ra ngoài thì phải phạt theo một tiêu chí nào đó.

TP.HCM hoàn toàn có thể dựa vào khung pháp luật về Môi trường hiện nay còn đang mù mờ về quy định ngăn chặn những hậu quả của ô nhiễm ánh sáng và âm thanh, thì có thể đặt ra một khung chi tiết cho TP mình. Tôi cho hoàn toàn có thể làm được'.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến sức khỏe con người được xếp thứ hai, sau bụi. WHO khuyến cáo tiếng ồn trung bình không vượt quá 40 decibel tại các khu vực dân cư vào ban đêm để phòng tránh sự tác động đến sức khỏe.

Tiếng ồn gây ra sự tác động trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người như: giảm thính lực, cao huyết áp, tim mạch, các bệnh đường tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, thay đổi chức năng ễn dịch.