Ô nhiễm tiếng ồn, chuyện 'biết rồi khổ lắm nói mãi'

Chỉ với một chiếc điện thoại có kết nối internet, một chiếc micro và một loa kéo có công suất lớn, người dân cũng có thể thỏa mãn “đam mê” ca hát karaoke ở bất cứ nơi đâu. Thế nhưng, sự tiện lợi này gây ra nhiều phiền toái, mất trật tự xã hội trong thời g

Người dân sử dụng loa kẹo kéo hát rong trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương - Báo Thanh niên

23h trên đường số 1, Phường An Lạc, Quận Bình Tân (TP.HCM). Với chiếc loa công suất lớn được chằng buộc phía sau xe, anh thanh niên chừng ngoài 20 tuổi liên tục thể hiện “tài năng” của mình để phục vụ thực khách trong một quán nhậu; chỉ với mục đích bán kẹo kéo. Tiếng hát như thể đấm vào tai người nghe. Để mua lại sự yên tĩnh, nhiều người đã phải móc hầu bao.

“Nhiều khi mình hát cũng khuya, 11h – 12h đêm là chuyện bình thường. Nhiều khi mình hát rồi mình mở nhạc cũng hơi lớn, rồi nhiều người cho mình 10 nghìn – 20 nghìn rồi họ đuổi mình đi', chàng 'ca sĩ' cho biết.

Tiếng dô hò, tiếng nhạc xập xình, tiếng hát làm rung chuyển cả một khu phố. Ông Mạnh đang ngồi hóng mát trước hiên nhà cau mày khó chịu bởi những màn tra tấn âm thanh: “Bình thường mà nó mở hết mức, tôn vách nhà mà nó giật nghe xèn xèn vậy nè”

Ngoài sự khó chịu của ông Mạnh thì cuộc sống gia đình chị Tâm cũng bị đảo lộn hoàn toàn. Đứa bé mới 4 tuổi con chị thường xuyên khóc thét lên giữa đêm vì tiếng nhạc dội sang quá lớn:“Đêm hôm 11h – 12h đêm mà vẫn hát, đứa nhỏ tối nào cũng giật mình khóc suốt, phải thức để dỗ nó suốt đêm rồi người lớn cũng không ngủ được luôn. Nghe âm thành đùng đùng ngày này qua ngày nọ rồi không biết nó có bị sao không nữa”

Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Công Minh, Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cả tinh thần của nhiều người: “Đầu tiên là thính giác, nếu chúng ta tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài với cường độ cao thì nó có thể gây hại cho thính giác và sẽ không hồi phục. Ngoài ra về mặt tim mạch thì tiếng ồn có thể làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp và có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đặc biệt nó còn làm suy nhược thần kinh và không hồi phục”

Việc xử phạt vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung đã được quy định tại các điều khoản của pháp luật nước ta. Tuy nhiên, theo luật sư Lê Trung Phát thì để luật pháp đi vào thực tế thì cần phải có một số thay đổi cho phù hợp với thực trạng hiện nay:

“Để đi vào thực tế thì cần phải có những thay đổi một số quy định của Pháp luật. Cụ thể Nghị định 167/2013, trong đó vấn đề về an ninh trật tự xã hội bỡi lẽ mức chế tài còn thấp cái thứ 2 là căn cứ xử lý dựa vào thời gian hoạt động của những người này mà một số trường hợp diễn ra trước 22 giờ đêm thì như vậy cơ quan chức năng cũng rất khó để xử lý như hiện nay. Đối với nghị định 155/2016 căn cứ xử lý dựa vào mức độ ô nhiễm tiếng ồn dựa vào Decibel (dB) thì như vậy để tiến hành xử lý thì cơ quan phải mang các thiết bị xuống tận nơi để xử lý như vậy rất khó”.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản khẩn gửi các sở ngành, quận huyện về việc tăng cường phòng chống vi phạm tiếng ồn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân tại các địa phương thì vẫn “cam chịu”. Chính quyền tại nhiều địa phương thì có vẻ đang “nhắm mắt cho qua”.

Đợi phải có thiết bị đo tiếng ồn, rồi đợi đo ồn bao nhiêu decibel (đề-xi-ben) mới xử phạt thì tình trạng ô nhiễm tiếng ồn sẽ mãi là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".