Ô nhiễm không khí từ việc để xe trong nhà

Với những căn nhà diện tích nhỏ, ban đêm mọi người thường đẩy xe máy vào trong, đóng cửa kín để ngủ đã vô tình biến căn phòng thành chiếc hộp kín, khiến cho nồng độ CO2 và TVOC từ xăng xe tăng cao.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vào năm 2016, ô nhiễm không khí tại hộ gia đình có liên quan đến 3,8 triệu ca tử vong toàn cầu.

Gần như tất cả các ca này đều thuộc các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân tử vong hàng đầu liên quan đến các bệnh không lây nhiễm. 

Trước hết là phòng khách. Nguồn gây ô nhiễm có thể đến từ bụi thông thường, sơn, vecni, bọc đệm, thảm, khói thuốc lá, nước xịt phòng, nhang muỗi…

Trong phòng ngủ, đó có thể là nước hoa, keo xịt tóc, sơn móng tay, lông vật nuôi, thiết bị sưởi, sợi khoáng chất từ vải vóc, len dạ….Phòng tắm thì “thủ phạm” là mùi hôi, nấm mốc và các vi sinh vật gây bệnh khác.

Mặt khác, do không khí trong phòng không thể lưu thông ra ngoài, nhiệt độ và độ ẩm cao, sống gần đường đông đúc cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà.

Nguồn gây ô nhiễm này tích tụ lâu dần và đôi lúc còn nguy hại nghiêm trọng hơn cả ô nhiễm không khí bên ngoài.

Ảnh nh họa

Với một bầu không khí không sạch như chúng ta tưởng, đó còn là nguyên nhân của các bệnh như hen suyễn, dị ứng, các loại bệnh về tim mạch, hay phổi và thậm chí là ung thư.

Có khoảng 30 tác nhân hoá học gây ô nhiễm trong nhà và rất nhiều trong số đó nằm trong danh sách các chất gây ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đó là các chất benzen, trichlorethylene, tetrachlorethylên, và formandehit. Theo WHO, thì chỉ cần hàm lượng 1,67 mg benzen/m3 không khí đủ để gây ra một ca bệnh ung thư trong tổng số 10.000 ca.

Tuy nguy cơ không cao, nhưng cùng với các tác nhân ô nhiễm khác thì mối nguy hiểm này không hề nhỏ cho sức khoẻ những người trong gia đình.

TS Trần Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ và Quản lý môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP HCM cũng cho biết, với những căn nhà trọ có diện tích nhỏ, ban đêm mọi người thường đẩy xe máy vào trong, đóng cửa kín để ngủ đã vô tình biến căn phòng thành chiếc hộp kín, khiến cho nồng độ CO2 và TVOC từ xăng xe tăng cao.

Với những ngôi nhà ở ven kênh, rạch, vào mùa nắng, nồng độ hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) từ rác thải phân hủy dưới lòng kênh, rạch cũng ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà được các chuyên gia môi trường đưa ra lời khuyên đó chính là việc trồng các loại cây xanh có thể khử độc không khí một cách tự nhiên và nếu không vì nhà bạn gần một công trường hay bãi rác nào đó, thì hãy mở cửa thường xuyên để không khí được lưu thông; hoặc chí ít thi thoảng cũng nên bật thông gió.

Ngoài ra, nên loại bỏ trực tiếp các nguồn ô nhiễm riêng lẻ hoặc giảm lượng khí thải của chúng như làm sạch thảm, dùng chất tẩy rửa gia dụng không độc hại, không mùi hương; điều chỉnh đúng cách các thiết bị đốt như lò sưởi, bình nóng lạnh; kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ các thiết bị như điều hòa, giữ môi trường không khói thuốc.