Ô nhiễm không khí, sát thủ thầm lặng

Ô nhiễm không khí được ví như “sát thủ thầm lặng” bởi sự tác động mà chúng ta nhìn thấy không rõ ràng, nhưng sự ảnh hưởng của nó lại lâu dài đến sức khỏe và cuộc sống của mỗi người.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Trong đại dịch COVID-19, mọi người được yêu cầu ở nhà để tránh lây lan, các lệnh phong tỏa tại các TP lớn đã khiến giao thông có nhiều thay đổi, đường sá thông thoáng hơn, và luồng không khí có vẻ trong lành hơn. 

Theo công bố mới nhất của IQAir vào ngày 07/7, mức độ ô nhiễm không khí đang giảm với tốc độ chưa từng có. Vào đầu tháng 4/2020, chất lượng không khí ở Los Angeles – một thành phố nổi tiếng về ô nhiễm đã ở mốc là một trong những TP có chất lượng không khí tốt nhất thế giới – Điều tưởng chừng như không thể xảy ra.

9 trong 10 thành phố lớn trên thế giới đã trải qua mức giảm PM2.5 so với cùng kỳ năm 2019, như Delhi (giảm 60%), Seoul (giảm 54%), Vũ Hán (giảm 44%)…Sự suy giảm trên diện rộng của hoạt động kinh tế có thể làm giảm ô nhiễm không khí dạng hạt mịn (PM2.5) tới 60%. 

Báo cáo cũng cho thấy, việc ngừng các hoạt động và đặt hàng tại chỗ đã ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm không khí như thế nào sau đợt bùng phát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu vẫn phát tán như trước.  

Ảnh nh họa: VGP

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 7 triệu người trên thế giới chết sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí. Những trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí hiện vẫn nhiều hơn số nạn nhân Covid-19. Riêng trong năm 2019, WHO báo cáo rằng, ô nhiễm không khí có liên quan trực tiếp đến 4,2 triệu ca tử vong.

Cũng theo dữ liệu của WHO vào năm 2018, cứ mỗi 10 người trên thế giới thì có đến 9 người hít thở không khí ô nhiễm. Tỷ lệ này tương đương với mức ảnh hưởng của thuốc lá.

Ô nhiễm không khí gây thiệt hại khoảng 85 tỷ đô la Mỹ tại 5 thành phố đông dân nhất thế giới vào năm 2020, bao gồm: Delhi (Ấn Độ), Mexico City (Mexico), Sao Paulo (Brazil), Thượng Hải (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Việt Nam – quốc gia sở hữu hơn 50 triệu xe máy hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở châu Á. 

Đại dịch COVID-19 tạo cơ hội để hiểu rõ hơn về tác động của chất lượng không khí kém đối với sức khỏe con người.

Các nhà khoa học dự đoán, khí thải nhà kính thời gian này có thể đạt mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ. Một câu hỏi đặt ra là, liệu mọi người có thể tiếp tục áp dụng những thay đổi thói quen thân thiện với môi trường hơn trong hành vi của mình sau đại dịch?

IQAir khuyến cáo, sự giảm mạnh về ô nhiễm không khí gần đây cho thấy hoạt động của con người là nguồn gốc và có thể là giải pháp cho một phần lớn vấn đề ô nhiễm không khí toàn cầu. Với nhận thức đó, tất cả chúng ta đều phải thực hiện các bước cần thiết để hướng tới một tương lai với chất lượng không khí tốt hơn.