Nút thắt nằm ở nguồn nhân lực hay cơ chế?”

Tiềm năng việc làm của ngành GTVT là rất lớn nhưng vẫn khó tuyển sinh bởi vấn đề nằm ở sức hấp dẫn của ngành nghề này sau khi ra trường.Chỉ khi công việc đảm bảo mức lương, đãi ngộ xứng đáng, ổn định và lâu dài thì mới đủ sức giữ chân lao động, từ đó thu hút thí sinh đăng ký theo học.

Chỉ khi giải quyết được nút thắt ở cơ chế đãi ngộ với người lao động thì mới có thể giải bài toán về thiếu hụt nhân sự từ khâu đào tạo.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành giao thông gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn và triển khai các dự án.

Những dự án lớn về giao thông như hệ thống đường bộ cao tốc, hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc quốc gia, hệ thống thu phí tự động hay các hệ thống ITS hỗ trợ cho việc quản lý giao thông thông nh hầu hết đều chậm tiến độ, thậm chí có những dự án chậm tiến độ lên đến hàng chục năm.

Điều này ảnh hưởng lớn đến sự gắn bó của đội ngũ lao động ngành GTVT.

Cùng với đó, đơn giá xây dựng, định mức nhân công thấp dẫn đến mức lương, đãi ngộ cho người lao động không tương xứng, chưa đủ sức cạnh tranh, ưu thế so với những ngành nghề khác dù công việc vất vả, nặng nhọc và hay phải xa nhà.

Hệ lụy tất yếu là việc thu hút người theo học khối kỹ thuật xây dựng giao thông tại các trường đại học, cao đẳng cũng gặp nhiều trở ngại.

Về vấn đề con người, lãnh đạo các cơ sở đào tạo chuyên ngành và các chuyên gia giao thông đều thừa nhận nhân lực chất lượng cao của ngành hoàn toàn đủ trình độ để đáp ứng nhu cầu tại các dự án giao thông lớn.

Bản thân các trường đào tạo cũng đang đưa ra hàng loạt giải pháp như tuyên truyền, trang bị kiến thức về ngành nghề với thí sinh, cải tiến, cập nhập bài giảng theo xu thế mới, liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên học tập cũng như mở rộng cơ hội việc làm sau này.

Các chuyên gia cho rằng chỉ khi giải quyết được nút thắt ở cơ chế đãi ngộ với người lao động thì mới có thể giải bài toán về thiếu hụt nhân sự từ khâu đào tạo.

Theo đó, những người hoạch định chính sách cần xây dựng cơ chế về nguồn vốn nhằm thúc đẩy tiến độ các công trình hạ tầng giao thông sớm về đích, tránh trì trệ, ách tắc.

Thứ hai là phải quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho những người làm công việc đòi hỏi không ít sự hi sinh này. Bởi giao thông là huyết mạch của quốc gia, kinh tế phát triển hay không thì phải nhờ vào đường, vào cầu, vào các công trình hạ tầng giao thông. Do đó, các công nhân kỹ sư thì phải được có một vị trí xứng đáng cùng với những ngành nghề khác.

Các chuyên gia dự báo với những gói kích thích phát triển hạ tầng, các chiến lược về phát triển hệ thống giao thông vận tải nói chung, trong đó đặc biệt là phát triển các hệ thống vận tải quốc gia bằng cả đường bộ, đường sắt và đường biển mà chúng ta đã lập trong hệ thống quy hoạch các chuyên ngành thì ngành giao thông vận tải sẽ có một đầu ra bùng nổ trong giai đoạn 10 năm tới.

Để yếu tố đầu ra thực sự “hấp dẫn”, cần thiết kế một chính sách dài hơi, mang tính dự báo, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực để đón đầu công tác đào tạo, tiếp đó là các cơ chế đãi ngộ bám sát thực tiễn và đời sống của người lao động.

Có như vậy mới không lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao khi Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng như hiện nay.