Khan hiếm nhân lực ngành giao thông vận tải: Vì đâu đến nỗi?
Hoàng Anh - 06/06/2022 | 5:30 (GTM + 7)
Những năm gần đây, các doanh nghiệp xây dựng công trình hạ tầng giao thông nói riêng và lĩnh vực GTVT nói chung phải chạy đôn chạy đáo để giải tỏa “cơn khát” nguồn nhân lực. Mặc dù có nhiều cố gắng, song đến nay,tình trạng thiếu hụt công nhân có tay nghề, các kỹ sư cầu đường vẫn là bài toán nan giải.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Anh Đỗ Văn Tuấn, một kỹ sư giao thông có thâm niên 20 năm, từng vào Nam ra Bắc gắn bó với nhiều công trình lớn dọc chiều dài đất nước. Tuy nhiên, đến năm 2021, anh quyết định từ bỏ công việc, về quê hương Hà Nam, xin vào làm việc ở khu công nghiệp Đồng Văn 3.
Kỹ sư tốt nghiệp ngành giao thông ở Đại học Công nghệ Giao thông vận tải chia sẻ lý do: “Nghề giao thông rất tốt nhưng căn bản là xa gia đình, xa vợ, xa con nên tôi quyết định chuyển về làm gần nhà, gần vợ gần con, chứ trước đi xa quá, quanh năm ngày tháng đi xa, toàn làm ở công trình xa, không được về nhà mấy. Đồng lương cũng không được cao mà cứ đi đi về về dọc đường thì cũng hết”.
Mức lương bình quân trước đây một tháng được anh Đỗ Văn Tuấn tiết lộ khoảng 12 triệu đồng, nhưng thông thường chỉ chi trả từng năm một. Khi khó khăn, sẽ có khoản ứng trước. Mặc dù vậy, đây không phải mức lương đủ hấp dẫn để hy sinh việc gia đình, tình cảm vợ chồng và sự xa cách con cái.
Trong khi đó, công việc anh đang làm cũng gần chục triệu mà anh được làm gần nhà, có điều kiện chăm lo, dạy dỗ con cái.
Dẫu biết chuyển từ làm đúng ngành, đúng nghề, từ lao động trí óc chuyển sang lao động chân tay sẽ nuối tiếc và vất vả hơn, anh Tuấn vẫn chấp nhận: “Về một thời gian cũng hụt hẫng, nhớ nghề, nhưng thôi biết làm sao được. Nghề cầu đường này toàn phải đi xa, lên miền ngược thì mới có việc, còn ở dưới này thì ngành giao thông của mình cũng chưa phát triển mấy.
Nhiều đêm cũng nằm, trằn trọc, suy nghĩ lắm vì bây giờ đi xa, ở nhà còn con cái, dạy bảo chúng nó vì bây giờ con lớn rồi. Đi kiếm tiền mà sau về con cái nó hỏng thì cũng không mua lại được nên tôi quyết định bỏ nghề cầu đường, về làm công nhân”.
Câu chuyện của anh Tuấn không phải cá biệt. Ngay tại khu vực Hà Nội, theo bà Đỗ Thanh Thủy - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công trình giao thông Hà Nội, việc tuyển dụng kỹ sư và công nhân cầu đường gặp rất nhiều khó khăn: “Đơn giá, định mức bây giờ càng ngày càng cắt giảm, trong khi đấy, giá cả mọi thứ đều tăng. C
ông ty đăng tuyển suốt đấy nhưng thực sự để tuyển được cũng rất là khó. So với cả đồng lương bây giờ đi làm thì cũng chỉ được 6-7 triệu thôi. Trong khi đấy, người ta làm tự do thì có khi còn lên tới 10 triệu mà còn không bị khống chế thời gian.
Mà công nhân làm đường với cả làm cầu này thì cực kỳ vất vả, khói bụi rồi các thứ cho nên bây giờ cực kỳ khó luôn”.
Bà Đỗ Thanh Thủy nêu quan điểm, một bộ phận giới trẻ hiện nay chuộng các ngành nghề thời thượng, có xu hướng hơn như công nghệ thông tin. Còn ngành nghề kỹ thuật ít được chọn khi lương không cao, trách nhiệm nhiều, làm việc bất kể ngày đêm.
Tương tự, ông Ngọ Trường Nam – Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, doanh nghiệp này cũng phải chạy đôn chạy đáo đi tìm kỹ sư, công nhân trong ngành GTVT. Sự thiếu hụt nhân sự không chỉ là chuyện của riêng doanh nghiệp mà còn là vấn đề của toàn ngành.
“Chúng ta có thể nhìn thấy, số lượng nhân sự có chất lượng từ kỹ sư đến công nhân ngày càng ít đi, sinh viên theo học các ngành nghề này cũng ngày càng ít đi. Rồi thời gian qua, chúng ta xử lý nhiều vụ án liên quan đến công trình, một số anh em trong ngành cũng rệu rã về mặt tinh thần.
Một số người bạn cùng trang lứa với tôi bây giờ đã chuyển sang ngành nghề khác, có tính trào lưu như bất động sản, chứng khoán”, ông Ngọ Trường Nam nói.
Trao đổi với VOV Giao thông, TS. Lê Văn Vang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP.HCM chia sẻ, hiện trường đang đào tạo và tuyển sinh đại học 18 ngành và 35 chuyên ngành. Trong số các ngành nghề đặc thù, có một thực tế là thí sinh ít thông tin, hiểu biết để đăng ký nguyện vọng, dù ngành nghề có cơ hội việc làm rất cao, như: ngành điều khiển và quản lý tàu biển, ngành khai thác máy tàu thủy và quản lý kỹ thuật, ngành kỹ thuật tàu thủy, xây dựng và quản lý công trình cạn. Trong khi chuyên ngành về đầu máy toa xe, hệ thống đường sắt đô thị, hệ thống điều khiển điện tử giao thông lại phải dựa vào nghiên cứu và nhu cầu thực tế của thị trường.
TS.Lê Văn Vang lý giải: “Thứ nhất, về vấn đề học sinh, đó là các vấn đề về công tác hướng nghiệp ở các bậc học phổ thông để cho các em có hiểu biết, nhận thức và các định hướng của bản thân. Thứ hai, về phía nhà trường thì công tác truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm đưa được các thông tin đủ, đúng của các chuyên ngành này đến các bạn thí sinh hiện nay còn nhiều hạn chế. Thứ ba, về mặt xã hội, các doanh nghiệp có sử dụng lao động cũng chưa thực sự chủ động trong việc hợp tác liên kết với nhà trường, người học”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ GTVT khẳng định, với các chuyên ngành kỹ thuật công nghệ GTVT, có thực trạng là việc đang “đỏ mắt” đi tìm người. Vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để thu hút học sinh, sinh viên theo học: “Hiện nay, chúng ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và giao thông thì bao giờ cũng phải là đi trước mở đường.
Sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật giao thông đã có công ty đến đây tiếp cận và săn đón ngay từ khi mới bảo vệ tốt nghiệp mà còn chưa kịp cầm bằng.
Thế nhưng dù doanh nghiệp đang khát nhân lực như vậy, nhưng trên thực tế thì xu hướng trào lưu và nhận thức của người dân, của thí sinh có thể chưa nhận thức rõ vấn đề này, nên họ chạy theo các ngành nghề khác, dẫn đến hiện nay thiếu nhân lực trầm trọng”.
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Đại học GTVT cho rằng, bất chấp việc một số dự án giao thông lớn chậm tiến độ, gây ảnh hưởng tới đầu ra việc làm, thì trong 10 năm tới, những gói kích thích phát triển hạ tầng, các chiến lược về phát triển hệ thống GTVT nói chung sẽ thúc đẩy sức hấp dẫn với ngành nghề này.
"Tôi nghĩ ngành GTVT sẽ có đầu ra bùng nổ trong giai đoạn 10 năm tới. Cũng giống như hiện nay đầu ra của lĩnh vực nào là hot và nó tạo ra nguồn việc tốt và thu nhập cao thì đương nhiên đầu vào sẽ cạnh tranh, sẽ thu hút rất lớn.
Quy luật cung cầu mà. Nếu chúng ta có tạo ra một cái nhu cầu bùng nổ về đầu ra thì đương nhiên nguồn cung đầu vào nó sẽ thay đổi để thích ứng với sự thay đổi có nhu cầu đó”, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn nhận định.
Căn cứ vào thực tế nhu cầu của xã hội trong phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn tới, nhu cầu lao động trong lĩnh vực xây dựng hiện đang rất lớn. Mặc dù các doanh nghiệp đang “trải thảm đỏ” để tuyển dụng thế nhưng vẫn gặp khó bởi sinh viên học ngành giao thông đã ít mà số người chịu gắn bó với nghề lại cũng không nhiều. Cần nhìn nhận đúng nguyên nhân của thực trạng này mới có thể đi tìm lời giải.
Cùng đến với góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận “Ngành giao thông và câu chuyện “đỏ mắt” tìm người”.
Từ nay đến năm 2025, hàng trăm km đường cao tốc, trong đó ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long khoảng 400km cần xây dựng. Bên cạnh đó còn nhiều tuyến đường quốc lộ, cầu, đường vành đai… cũng cần triển khai theo kế hoạch.
Bất chấp một số bê bối trong các dự án trọng điểm làm đường cao tốc, đường sắt đô thị, buýt nhanh…, nguồn lực quốc gia đổ vào việc phát triển đường sá, hạ tầng, công trình giao thông trong giai đoạn tới vẫn rất lớn, kéo theo đó nhu cầu, cơ hội việc làm trong ngành GTVT là rất nhiều trong tương lai.
Vấn đề nằm ở chỗ, các cơ chế đấu thầu, cho vay vốn, tiến độ triển khai, giải ngân các dự án đã đáp ứng được thực tiễn, đã chuyển từ nhu cầu ở dạng tiềm năng sang sự bùng nổ nhu cầu thực tế?
Các cơ sở đào tạo đã thực sự đổi mới, cập nhật phương pháp giảng dạy, các giáo trình về kỹ thuật đang phát triển và thay đổi từng ngày theo nhịp độ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0? Họ đã tiếp cận đến người học đúng cách?
Điều kiện việc làm, môi trường sống, văn hóa doanh nghiệp, đãi ngộ, an sinh với người lao động đã thực sự được các công ty chú tâm? Tính bền vững trong chiến lược phát triển và nhu cầu nhân lực ứng với kế hoạch của đơn vị đã được nghiên cứu và dự trù tỉ mỉ?
Rất khó để trách học sinh, sinh viên thờ ơ, thậm chí quay lưng với các ngành nghề về lĩnh vực GTVT. Họ chưa được tư vấn hướng nghiệp và truyền thông một các bài bản để biết và hiểu được rằng, cơ hội có việc làm tốt với các ngành nghề đặc thù cao hơn hẳn các ngành nghề phổ thông, chạy theo xu hướng.
Họ cũng khó được tiếp cận đủ gần để hiểu vai trò của bản thân trong tương lai ở các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này, một lĩnh vực có vị trí tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.
Một lãnh đạo của cơ sở đào tạo ngành GTVT lớn trong cả nước cũng thừa nhận khó khăn của ngành giao thông hiện nay tác động tới sự lựa chọn của người học. Thế nhưng, đất nước nào cũng đều cần cơ sở hạ tầng giao thông, nó là điều kiện cơ bản cho sự phát triển. Do đó, cần quan tâm hơn, hiểu đúng với giá trị của các ngành GTVT, để hiểu và lựa chọn trong việc đăng ký theo học.
Không có cách nào khác để kỹ sư, công nhân xây cầu, sửa đường, điều khiển tàu… được sánh ngang trong những lựa chọn của xã hội với các ngành nghề thời thượng khác, đó là sự vận động của tất cả các khâu trong quá trình từ đào tạo đến tuyển dụng, các bên liên quan trong ngành, từ ra chính sách đến thực thi dự án.
Đến nay, một số dự án đường cao tốc, các cây cầu, công trình giao thông trọng điểm đã do 100% người lao động Việt Nam, nhà thầu và chủ đầu tư Việt Nam triển khai. Điều đó cho thấy tiềm lực và khả năng của lực lượng xây dựng, sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Vấn đề khát nhân lực chất lượng cao cũng phản ánh phần nào nội lực của ngành GTVT của đất nước đó. Không ai khác, các nhà làm chính sách, các nhà quản lý và đào tạo, các doanh nghiệp trong ngành sẽ là người trả lời và trực tiếp giải bài toán này.
VOV Giao thông sẽ tiếp tục đề cập những giải pháp khả thi và bền vững cho vấn đề này trong bài viết tiếp theo.
Hàng chục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đã được xử lý khắc phục kịp thời, công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên, xử lý cầu yếu và tăng cường chất lượng mặt đường tại các tuyến quốc lộ khu vực phía Bắc về cơ bản hoàn tất, giúp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết.
Tại Trung Quốc, hệ thống trạm sạc được xây dựng rộng khắp và vô cùng đa dạng về chủng loại. Từ đó, không chỉ giúp ngành công nghiệp xe điện tăng trưởng bền vững mà còn thúc đẩy nước này trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về chính sách khí hậu.
Công tác xóa bỏ điểm tập kết rác ban ngày đồng thời chỉ tổ chức thu gom rác thải 1 lần/1 ngày vào sau 19 giờ đã giúp quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dỡ bỏ 45 điểm tập kết rác ban ngày, mang lại diện mạo đô thị sạch đẹp và khang trang cho khu vực trung tâm Thủ đô.
Nhắc đến Đại tá Võ Tấn Dũng, nhiều người dân ở đất Tây Đô (TP. Cần Thơ) đều biết đến, bởi ông là một cán bộ hưu trí gần gũi, dễ bắt chuyện và đang thực hiện tâm niệm: Dành trọn cuộc đời mình làm nhiều việc ý nghĩa cho đồng đội năm xưa và thế hệ trẻ hôm nay.
Một Noel an lành đang đến, đường phố Hà Nội tấp nập, đông vui. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên ngày Noel lịch sử năm 1972 – ngày “Giáng sinh màu lửa”, nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.
Từ giữa năm 2024, TP. Hà Nội đã thí điểm triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân và minh bạch trong thu phí trông giữ phương tiện.