Những "hiệp sĩ xanh" chống rác thải nhựa

Green hero (Hiệp sĩ xanh) là nhóm của các bạn trẻ đến từ thành phố Đà Nẵng với mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa.

Năm 2017, Nguyễn Lưu Ngọc Hân và nhóm bạn của mình đã thành lập nhóm để thực hiện các hoạt động tình nguyện như làm sạch biển, thu gom rác thải nhựa trên bán đảo Sơn Trà và các rặng sang hô. Bên cạnh đó, các bạn còn vận động những quán cà phê trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để chuyển đổi ống hút nhựa sang các loại ống hút thân thiện với môi trường hơn. 

PV VOV Giao thông có dịp trò chuyện với Ngọc Hân để hiểu thêm về những hoạt động của nhóm:

PV: Xin chào Ngọc Hân, điều gì đã thúc đẩy các bạn thành lập nhóm Green Hero?

Nguyễn Lưu Ngọc Hân: Khi em học 11, thì em thường hay coi những video trên mạng để học tiếng anh. Trong rất nhiều video em coi thì em bị ấn tượng bởi những video về 2 bạn nhỏ ở Indonesia, 2 bạn làm một chiến dịch về giảm thiểu túi ni lông ở Indo và em rất là ấn tượng bởi cái đó.

Đồng thời cũng tại thời điểm em coi những video đó thì em cũng biết tin là Việt Nam là quốc gia thứ 4 có lượng rác thải nhựa ra biển nhiều nhất trên thế giới thì em rất là buồn về cái tin đó.

Và khi mà em thấy những bạn nhỏ trên Thế Giới làm điều gì đó cho quê hương của bạn thì em cũng muốn được giống các bạn cho nên em mới rủ bạn em là tụi mình làm một cái gì đó để giúp Đà Nẵng hoặc là Việt Nam ra khỏi danh sách 1 trong 4 quốc gia có lượng rác thải ra biển nhiều nhất thế giới.

Mặc dù sau này tổ chức thông báo danh sách đó đính chính lại Việt Nam không phải là 1 trong 4 quốc gia có lượng rác thải nhiều ra biển nhiều như vậy nữa; nhưng những thông tin đó là một trong những động lực giúp em cùng bạn của em làm một cái gì đó cho thành phố Đà Nẵng và Việt Nam.

Ảnh nh họa: Green Hero

PV: Những khó khăn và thách thức nào mà các bạn đã phải đối mặt khi thực hiện dự án này?

Nguyễn Lưu Ngọc Hân: Thời gian đầu, tụi em cũng có khá nhiều khó khăn nhưng mà vì team của em thì những bạn trẻ và nhiều năng lượng nên cùng nhau giải quyết những khó khăn đó. Một trong những cái mà tụi em thấy khá là khó để điều chỉnh trong thời gian ngắn là những khó khăn liên quan đến kiến thức, năng lực và kinh nghiệm của team.

Vì tụi em đều là học sinh, sinh viên nên khó mà làm việc một cách bài bản. Ví dụ khi tụi em đi vận động những cửa hàng cà phê để giảm thiểu đồ dùng nhựa thì tụi em rất khó khăn khi nói chuyện về bài toán kinh tế với chủ cửa hàng.

Về cơ bản dự án của tụi em thì quan trọng đến việc giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường và hướng đến cái chung chứ tụi em không tập trung vào việc tối đa doanh thu cho doanh nghiệp cho nên tụi em rất là khó khi gặp những chủ cửa hàng họ quá tập trung vào bài toán kinh tế của họ.

Nhưng dần dần tụi em cũng nhận ra mình cần phải tiếp thu những thông tin đó và dần dần điều chỉnh lại bản thân mình, và cũng sẽ có những khái niêm như kinh tế tuần hòa, là một khái niệm vừa giải quyết được bài toán kinh tế vừa giải quyết được vấn đề môi trường.

PV: Trong thời gian tới nhóm sẽ có những dự định gì để đưa dự án tiếp cận được với nhiều người hơn?

Nguyễn Lưu Ngọc Hân: Sắp tới, vào mùa hè năm sau, tụi em cũng sẽ có một trại hè về kinh tế tuần hoàn cho thanh, thiếu niên và một triển lãm về các mô hình kinh doanh bền vững; khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp ở Đà Nẵng để họ thấy là có thể xây dựng mô hình kinh doanh vừa tạo ra doanh thu, lợi nhuận vừa có ảnh hưởng tốt đến môi trường.

Đó là những dự định mà tụi em sẽ làm trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn Ngọc Hân về cuộc trò chuyện vừa rồi!