Nhìn từ dự án thành phần 1A tuyến Vành đai 3 TP.HCM

Hiệu quả trong công tác GPMB dự án 1A là “viên gạch đầu tiên” đạt nền móng cho “giấc mơ vành đai 3”; là bài học, kinh nghiệm cho TP.HCM và các địa phương khác khi triển khai các dự án.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7 km thuộc địa bàn tihr Bình Dương hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Vneconomy

Câu chuyện về đền bù, giải phóng mặt bằng lâu nay được xem là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và các dự án giao thông nói riêng. Trên thực tế, không ít công trình dự án lớn nhỏ, ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước đã và đang trong tình trạng “dậm chân tại chỗ” vì không có mặt bằng.

Trong bối cảnh đó, việc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM lập kỷ lục về tiến độ thu hồi và bàn giao hơn 95% diện tích mặt bằng cho chủ đầu tư không khác gì “chuyện lạ”.

Lạ là vì nó xuất hiện ở TP.HCM - một địa phương vốn không mạnh về công tác giải phóng mặt bằng. Càng lạ hơn là vì các cơ chế đặc thù cho đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư …vẫn chưa được các ngành chức năng cụ thể hóa. Nói vậy để thấy được nỗ lực vượt khó của chính quyền Tp. Thủ Đức, TP.HCM cũng như sự đồng thuận, tinh thần trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng là đáng được trân trọng.

Việc rút ngắn được tiến độ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1A là tiền đề hết sức quan trọng để dự án Vành đai 3 TP.HCM có thể khởi công vào giữa năm 2023 và về đích đúng tiến độ vào năm 2025.

Nếu tất cả các bên liên quan tiếp tục duy trì được sự hứng khởi, tinh thần trách nhiệm sau sự kiện bàn giao mặt bằng vừa qua thì toàn tuyến Vành đai 3 TP.HCM sẽ trở thành điểm sáng quan trọng trong kết nối giao thông vùng, là động lực phát triển cho cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Hơn thế nữa, đây sẽ là một bài học kinh nghiệm quý giá trong công tác đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trong tương lai.

Vui mừng, phấn khởi là vậy song Tp.Thủ Đức và TP.HCM cũng cần dành nhiều sự tập trung hơn nữa để hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại của các dự án thành phần đường Vành Đai 3. Từ kinh nghiệm này, TP.HCM cũng cần chủ động đề xuất với Quốc hội, Chính Phủ, các Bộ ngành về cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông trọng điểm khác như đường Vành đai 2, đường nối Trần Quốc Hoàn, Quốc lộ 50, nút giao An Phú hay xa hơn là cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, các tuyến đường sắt đô thị…

Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi tháo gỡ được nút thắt mang tên đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư thì những điểm nghẽn trong công tác đầu tư hạ tầng giao thông mới được xóa bỏ. Để làm được như vậy cần phải có một tư duy mới, một cách làm mới.