Nhìn lại, để định vị cho hành trình mới: Chưa khi nào trời trong đến thế

Bầu trời lại trở nên trong xanh hơn bao giờ hết, COVID đã chỉ ra những nguyên nhân cốt lõi, cũng như cách thức mà con người có thể điều chỉnh, để trả lại màu xanh cho bầu trời, và sự trong lành cho bầu không khí vốn đang ô nhiễm trầm trọng lâu nay

Hồi tháng 8, tháng 9 năm 2021, từ căn hộ chung cư ở quận Hà Đông, Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên Đại học văn hóa Hà Nội có thể dễ dàng nhìn thấy những dãy núi xa xa của tỉnh Hòa Bình

Mình thấy khung cảnh xung quanh, môi trường xung quanh rất là quang đãng, không khí trong. Bầu trời rất quang đãng, không bị mù mịt giống như đợt chưa giãn cách. Thời gian giãn cách là thời gian giúp cho mình thoải mái hơn về tinh thần. 

Thường xuyên di chuyển bằng xe máy, bạn trẻ Hoài Như cũng cảm nhận sự thay đổi rõ rệt về chất lượng không khí trong thời kỳ giãn cách xã hội:

Chất lượng không khí của Hà Nội không còn báo động đỏ, báo động tím nữa mà thay vào đó là những thông tin khả quan cho sức khỏe của mọi người. Chất lượng không khí được cải thiện tôi muốn tham gia các hoạt động ngoài trời hơn.

Theo Báo cáo chất lượng Không khí Thế giới năm 2020 được tổ chức IQAir công bố, 89 trong tổng số 106 quốc gia có chất lượng không khí sạch hơn trong năm 2020 nhờ các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, có nơi giảm đến 39%.

Từ số liệu 10 trạm quan trắc của Sở Tài Nguyên và môi trường Hà Nội, TS Lý Bích Thủy, Giảng viên Viện Khoa học và công nghệ Môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội và các cộng sự đã nghiên cứu và phát hiện, hàm lượng bụi mịn PM 2.5 có sự thay đổi lớn trong giai đoạn từ ngày 22/3-22/4/2020. 

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, lưu lượng giao thông giảm khoảng 60%, chất lượng không khí có được sự cải thiện, thể hiện qua 2 thông số, nồng độ bụi PM 2.5 giảm từ 7-10%. Nồng độ CO sau khi loại bỏ ảnh hưởng của yếu tố thời tiết giảm từ 5-10%.

 

Giãn cách xã hội thời COVID đã phần nào giúp giảm tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị

Dữ liệu quan trắc của Mạng lưới không khí sạch PAM Air cũng cũng ghi nhận các thông số rất khác so với trước đây. Chị Hà Thanh Hương, quản lý Dự án PAM Air cho biết: 

'Chỉ số AQI, bụi mịn PM 2.5 các tháng 6,7,8,9 năm 2021 chỉ bằng 40-70% so với năm 2020. Các quận nội thành là Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Đống Đa và Nam Từ Liêm, lượng bụi mịn trung bình tháng 9 năm 2021 chỉ bằng 27-35% lượng bụi mịn trung bình tháng 9/2020'.

Theo Ngân hàng thế giới, gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm bụi mịn gây ra chiếm tới 7,7% GDP của Hà Nội và 5,9% của đồng bằng sông Hồng.

PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Đại học y tế công cộng cho rằng, muốn cải thiện chất lượng không khí, trước tiên chính quyền đô thị cần kiểm soát các nguồn chính phát thải bụi mịn: 'Tập trung các nguồn chính giao thông, xây dựng, năng lượng, công nghiệp và giám sát xử phạt hành vi vi phạm. Tạo cơ chế cho các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch. Cần đẩy nhanh xây dựng các nhà máy xử lý rác hiện đại hạn chế người dân đốt rác'.

89 trong tổng số 106 quốc gia có chất lượng không khí sạch hơn trong năm 2020 nhờ các biện pháp phong tỏa

Hà Nội và TP.HCM thời gian qua đều đang đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng. Song, theo bà Nguyễn Lệ Thu chuyên gia môi trường cao cấp ngân hàng thế giới (WB), các đô thị cũng cần đồng thời hạn chế các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, bởi đây vốn là nguồn phát thải ô nhiễm rất lớn

'Thời gian tới có những chính sách nào để người dân sử dụng những phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là những phương tiện chạy điện. Bởi vì xe máy và ô tô chạy điện đang là xu hướng chung của các đô thị trên thế giới', bà Nguyễn Lệ Thu cho biết.

Thí điểm vùng phát thải thấp để tăng trách nhiệm của người tham gia giao thông với vấn đề môi trường cũng là một giải pháp quan trọng mà TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khuyến nghị: 'Chính sách kiểm soát khí thải xe máy phải bắt buộc. Năm 2022 chúng ta có những cái vùng phát thải thấp, đi vào vùng đấy chỉ có những phương tiện giao thông cá nhân đạt một số tiêu chuẩn như Euro 5, xe đạp, hay xe đạp điện được đi vào'.

Đại dịch covid một lần nữa cho thấy, chất lượng không khí chắc chắn sẽ được cải thiện nếu triển khai đồng bộ các giải pháp vừa nêu, theo bước đi và lộ trình phù hợp.

Tuy nhiên, theo GS.TS Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, điều cốt yếu vẫn là, các nhà lãnh đạo có coi đây là nhiệm vụ cấp thiết hay không: 'Vấn đề là lãnh đạo của các địa phương phải thấy được cái nguy hiểm của ONKK và yêu cầu cấp bách để xử lý ONKK như thế nào?

Trên cơ sở đó phải có sự đầu tư về công sức, về lực lượng, kinh phí để có những giải pháp bắt buộc để các doanh nghiệp, đơn vị gây ô nhiễm không khí phải đóng góp vào'.