Nguy cơ ô nhiễm từ rác thực phẩm

Thức ăn thừa không được phân loại và xử lý đúng, nếu xả thẳng ra môi trường có thể gây mất mĩ quan đô thị, ô nhiễm không khí, đất, nước và lãng phí nguồn tài nguyên.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Tại khu vực để rác thải ở trên đường 19/5, khu vực Văn Quán Hà Đông, sáng nào cũng có một phụ nữ cặm cụi bóc từng túi ni lông đựng rác để nhặt những đồ nhựa, bìa cát tông, vỏ hộp sữa xếp ra các túi khác nhau để đem đi bán đồng nát. Cơm, thịt, vỏ trứng… trong các túi đựng rác bắn tung tóe, ướt nhẹp, bốc mùi khó chịu.

Bún, đậu, nước mắm hay những thực phẩm thừa được người bán hàng đổ vào những túi ni lông để bên lề đường là hình ảnh phóng viên VOVGT ghi nhận tại đoạn gần ngã tư Phủ Doãn- Tràng Thi vào khoảng 19h tối ngày 1/4 vừa qua. Không khó bắt gặp cảnh này tại nhiều con phố trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Ảnh nh họa

Còn tại một số cửa hàng bán đồ ăn sáng, thức ăn thừa được chủ quán đổ vào các thùng có nắp, còn nước thải vô tư đổ xuống cống. Anh Mạnh, nhân viên trông xe một nhà hàng cho biết: Nước thì bỏ, cho ra ngoài cống rãnh này thôi, Cái bỏ lại, cho riêng vào một cái thùng kia, không vứt đi đâu cả, thừa là người ta cho lợn ăn.

Trên chiếc xe máy chở 2 thùng nhựa có dung tích khoảng 100 lít và vài ba chiếc xô nhựa buộc sau đuôi xe, anh Mạnh ở huyện Thanh Oai, Hà Nội mỗi ngày đi 3 -4 chuyến khắp các nhà hàng ăn uống trên địa bàn quận Hà Đông để thu gom nước rác với khối lượng khoảng 400 lít mỗi ngày.

Công việc này tuy cực nhọc, nhưng anh Mạnh vui vì giúp cho nhiều nhà hàng không đổ thẳng ra môi trường: "Có chỗ trả một ít tiền để cho đỡ tiền xà phòng. Nó có các bã cơm, các thịt ăn thừa, rau cỏ, đổ ra cống rãnh là lấp hết. Đi lấy cái này là dọn rác cho ngoài xã hội".

Anh Doãn Văn Hùng- Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng lẩu nướng Hàn Quốc Guigui BBQ cho biết, lượng rác thực phẩm tại các nhà hàng buffe rất lớn, nếu bỏ đi sẽ lãng phí, nên nhà hàng đã kết hợp với một nhóm đội ngũ thu gom nhằm đảm bảo vệ sinh, tránh gây ô nhiễm môi trường: "Thông thường hết ca thì bên sẽ gom lại toàn bộ rác cho vào thùng rác có nắp nước để phân loại riêng rác hữu cơ rác vô cơ riêng. Thực phẩm này Sau đó thì 10 h- 11 h là đơn vị chuyên thu gom xong về để chăn nuôi ngay sau buổi tối".

Theo một kết quả khảo sát tại Việt Nam, có tới 87% người thừa nhận lãng phí 2 đĩa thức ăn trong 1 tuần, gần 50% hộ gia đình quên mất thức ăn thừa trữ trong tủ lạnh. Đó là chưa kể vào những dịp Lễ, Tết, khối lượng thức ăn thừa vứt ở các thùng rác rất lớn.

Thói quen lấy đồ ăn nhiều quá khẩu phần, bỏ phí thức ăn không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên, công sức mà còn gây ra những nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu thức ăn thừa không được thu gom và xử lý đúng cách.