Người xây 'khách sạn 5 sao' trong lòng đất

Trong cái khó, ông Phước nghĩ ra phương pháp “than hầm” - chôn carbon dưới dạng than để carbon không còn cơ hội bay lên. Ông dí dỏm gọi than là “Khách sạn 5 sao” cho vi sinh vật trong đất.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
 

Con đường dẫn vào “Đồi Đá” của ông Phạm Hồng Đức Phước làm cho chúng tôi không khỏi bất ngờ. Những cơn mưa trong khoảng đồi bạt ngàn cây cối làm dịu mát cái nắng hầm hập ở vùng đất Tân Phú, Đồng Nai.

Ít ai nghĩ, “ông chủ” có dáng nông dân thứ thiệt này, nguyên là Giảng viên của Đại học Nông lâm TP.HCM và là Phó ban điều phối chương trình Ca cao quốc gia. 10 năm trước, ông Phước thuyết phục Giám đốc lâm trường 600 nhượng lại Đồi Đá, là nơi đất đã hoàn toàn bị rửa trôi, xói mòn.

Hành trình 10 năm kỳ công cải tạo ngọn đồi rộng 13ha toàn là đá tảng trên nền đất bạc màu, không một bóng cây, được ông kể lại điềm tĩnh, như chưa hề có những giọt mồ hôi đổ xuống đất cằn.

"Rừng tự nhiên của chúng ta trên bề mặt có một lớp hữu cơ rất là dày. Và lớp hữu cơ đó hình thành hàng trăm, hàng nghìn năm. Và sinh khối cây trồng bên trên là một lớp hữu cơ dày nữa. Bây giờ ta phá rừng, cách ta làm hiện tại là ta đốn sạch phần gỗ thân bên trên, và đồng thời ta đốt luôn cái chất hữu cơ mà ta tích lũy hàng trăm hàng nghìn năm đó. Chỉ một mồi lửa. Công trình của thiên nhiên hàng trăm năm đi hết".

Ông Phước lý giải, lớp đất mặt là nguồn dinh dưỡng để nuôi cây. Khi nguồn dinh dưỡng đó mất đi, khó nhất là khâu làm giàu đất. Nhưng ở nơi mà cách đây 10 năm không điện, không nước máy, không sóng điện thoại, ông Phước đã làm như thế nào?

"Giải pháp của chúng tôi là chúng tôi tiếp cận hệ thống canh tác phục hồi. Mình mất hệ vi sinh vật đất. Cho nên ta phải phục hồi hữu cơ, phục hồi hệ sinh vật đất. Và ta làm được cái đó là làm giàu đất. Rồi ta cải thiện rừng đầu nguồn. Có nghĩa là khi hệ sinh thái nó cân bằng rồi thì nó cho nước từ nguồn chảy ra sạch sẽ, không khí trong lành, môi trường có năng lượng tích cực, cây cối tốt, người cũng khỏe hơn".

Nỗi đau lớn nhất của “lão nông” là khi nhìn thấy những ngọn đồi trọc, mạch nước ngầm dự trữ mất đi, nguồn nước suối trên đồi cạn kiệt, còn người dân phải chạy trốn khỏi chính cái nơi mà họ đang tay chặt phá rừng.

Nhiều nhà khoa học đã đưa ra các nghiên cứu, giả thiết về việc cải tạo đất và kỹ thuật trồng cây rừng trên đất dốc. Cũng là một nhà khoa học, nhưng ông Phước có cái lý và sự từng trải của một  nông dân. Ông khoan giếng, tự làm thủy điện, dựng nhà, xin trấu, mùn cưa về ủ phân, cải tạo đất theo cách riêng của mình.

Trong cái khó, ông Phước nghĩ ra phương pháp “than hầm” - chôn carbon dưới dạng than để carbon không còn cơ hội bay lên. Ông dí dỏm gọi than là “Khách sạn 5 sao” cho vi sinh vật trong đất.

Trong cái khó, ông Phước nghĩ ra phương pháp “than hầm” - chôn carbon dưới dạng than để carbon không còn cơ hội bay lên. Ông dí dỏm gọi than là “Khách sạn 5 sao” cho vi sinh vật trong đất.

Than hầm, than củi là carbon nguyên chất. Carbon nguyên chất có hai dạng, với nhiệt độ cao và áp suất cao thì ra kim cương. Trong điều kiện bình thường nếu hữu cơ đốt không đủ không khí nó biến thành than, nếu tiếp tục đốt nó sẽ biến thành tro. Ta giữ lại khâu biến thành than, rồi ta vùi vào đất. Cấu trúc đất cải tạo bằng than hầm, sẽ bền vững muôn đời. Than như là nhà kho chứa dinh dưỡng khoáng mà cây chưa hút được. Những lỗ nhỏ li ti đó như là Khách sạn 5 sao cho vi sinh vật đất ở.

Từ nguồn nước chỉ đủ nuôi 3.000m2 vườn cây ăn trái, ông Phước tự “bẫy nước”, tạo hệ thống tưới nhỏ giọt cho 3 hecta ca cao. Ông treo tổ nuôi kiến đen, kiến vàng, dựng nhà cho dơi trú ngụ, tạo thiên địch chống rệp sáp cho ca cao. Cùng với đó, là nguồn phân hữu cơ từ cỏ: "Người ta nói, thiếu hữu cơ, thì bón phân chuồng. Ồ, quá hay luôn. Nhưng hữu cơ của mình cạn kiệt. Tôi nói, một năm tôi cần 100 tấn phân chuồng. Một năm cần chừng đó chắc hết tiền mất. Mà có tiền mà mua cũng không có phân chuồng mà đổ vào đất. Thành ra giải quyết phục hồi hữu cơ đất bằng phân chuồng không khả thi. Và nguồn hữu cơ tôi nhắm tới là cỏ. Tôi khoái cỏ là bởi, chả cần trồng, nó vẫn mọc. Trên con đường tìm nguồn cỏ cung cấp cái hữu cơ phục hồi đất, tôi thử đủ mọi chuyện…."

Khi ta lấy chất hữu cơ đó ta cắt, ta tủ gốc, khi nó mục thì phân khoáng đó đã đủ cho mình, nó nằm đó, không chạy đi đâu. Khi ta tủ gốc, mùa khô nó chống bốc hơi nước. Mưa thì nó mục, và phân khoáng nó đã đủ. Phần lời của chúng ta là 20 lần trọng lượng chất hữu cơ mà nó tổng hợp được. Hệ thống canh tác của tôi không có cạnh tranh dinh dưỡng.

Với ông Phước, làm nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ không nên “mộng mơ”, bởi nó thực sự là một chặng đường nhiều thử thách. Giá trị mình tạo ra không phải mình được hưởng ngay, mà hàng chục, hàng trăm năm sau, con cháu mình mới hưởng.

Khi cả xã hội đang đối diện cách mạng 4.0, ông Phước tự nhận, cái mình đang đối diện là cuộc “Cách mạng … 100 cọng rơm”, khi mâu thuẫn giữa lợi ích môi trường và bài toán kinh tế.

"Mục tiêu của tôi là trồng rừng giữ mãi mãi. Vậy thì làm sao mà sống? Trồng rừng xong ta cưa ta bán thì trồng rừng không có ý nghĩa gì cải tạo môi trường hết. Khổ vậy đó. Biết phá rừng ảnh hưởng môi trường, nhưng không phá lấy gì mà sống? Tôi trồng rừng là vĩnh viễn. Và tôi sống bằng cách nào? Tất cả những cây này, lá của nó là thực phẩm cho dê. Nên tôi nuôi đàn dê bên cạnh. Và tôi tính toán, thu nhập từ dê tốt hơn mai mốt cưa gỗ bán nếu trong vòng 10 năm tính bình quân. Và mình giải quyết được kinh tế, giải quyết được môi trường".

Ông Phước cho chúng tôi xem những bức ảnh của 10 năm trước. Những ngọn đồi trọc lóc ngày nào, giờ đã mướt xanh. Bước chân trên thảm thực vật xào xạc, nghe những giọt nước tí tách trên tầng cây lá lốt trồng trải uốn lượn quanh ngọn đồi, ăn trái ca cao ngọt thơm, mát lành, cảm giác một nguồn năng lượng tích cực trào dâng.

Và ngay cả những người lãng mạn nhất, cõ lẽ cũng chẳng mơ thấy một ngày, được là người nông dân hạnh phúc đến nhường này.

"Làm Nông nghiệp mà, không có đam mê thì thấy tủi dữ lắm. Giờ này, bạn bè cùng lứa nó ngồi phòng máy lạnh. Mình bị mưa, bị sình, … nó buồn nó khổ đó (cười). Nhưng tôi kiếp trước là kiếp nông dân, nên giờ rời đồng ruộng là tôi khó chịu lắm".