Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Cổ tích ở Vân Long

Vũ Loan: Thứ tư 14/02/2024, 06:12 (GMT+7)

Bây giờ là thời đại của công nghệ số, của kỷ nguyên AI nhưng ở Việt Nam chúng ta vẫn có một câu chuyện cổ tích thật đẹp. Đó là câu chuyện hồi sinh đẹp như cổ tích của vùng đất ngập nước Vân Long...

Cổ tích ngày nay không thể như cổ tích ngày xưa, chỉ cần ông Bụt, bà Tiên bất chợt hiện ra và phẩy tay một cái là cô bé Lọ Lem biến thành nàng công chúa kiêu sa, hay quái thú biến thành hoàng tử được. Nhưng một cái kết có hậu, một thanh âm núi rừng vọng vang bất tận là điều mà sự hồi sinh ở Vân Long đã thực sự tạo ra. 

"Đùng đoàng...  Đó là âm thanh của tiếng súng săn, là tiếng nổ mìn phá núi, là tiếng kích điện bắt cá trên sông, là tiếng thú rừng kêu tuyệt vọng trong những chiếc bẫy...

Và đó là âm thanh của rừng chết. Là sắc màu loang lổ trắng vàng của những núi đá vôi trơ trọc. Là hình ảnh kinh hoàng...của sạt lở, lũ quét, ...

Tiếng rừng hồi sinh: chim kêu vượn hót...

Còn đây là âm thanh của một khu rừng đã được hồi sinh..."

---

Mô tuýp câu chuyện cổ tích chúng ta thường nghe và thuộc câu đầu tiên sẽ là: Ngày xửa ngày xưa, ở trong một khu rừng nọ, ....

Còn đối với Vân Long, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, tôi sẽ kể là: Ngày nảy ngày nay, ở khu rừng Vân Long, có một loài linh trưởng đã xuất hiện từ trong những câu chuyện kể dân gian truyền qua nhiêù thế hệ...đó là loài linh trưởng có tên là Voọc mông trắng, hay còn được gọi là voọc quần đùi trắng.

Voọc quần đùi trắng quý hiếm ở Vân Long. Ảnh: TTXVN

Voọc quần đùi trắng quý hiếm ở Vân Long. Ảnh: TTXVN

Ngày xửa ngày xưa, ở trong sách đỏ, voọc mông trắng nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp với số cá thể dự tính là chỉ còn tồn tại rất ít trên toàn thế giới.

Ngày nảy ngày nay, chỉ riêng ở Vân Long, số cá thể voọc mông trắng đã lên tới hơn 200 và đang tiếp tục được tăng lên tại nhiều khu rừng bảo tồn khác.

Những người dân đã gắn bó cả cuộc đời với vùng đất Vân Long đều không giấu được niềm vui sướng, sự bất ngờ khi được tận mắt nhìn thấy thật gần, thật rõ những con voọc mông trắng mà 60-70 năm qua, họ mới chỉ được nghe đến tên qua câu chuyện kể của các cụ ngày xưa:

"Ở Vân Long nhưng chưa bao giờ nhìn thấy con voọc, giờ Vân Long là khu bảo tồn, hôm nọ bà đi bà mới gặp 1 đàn voọc nhiều lắm, gặp 3 lần luôn, 3 chỗ, 1 cái ở chỗ núi Ba Đào ở trên cây cao, còn vào đến Đồi thị thì thấy 1 đàn ngồi trên cây to, còn đến cửa Luồn còn gặp 1 đàn nhảy qua đường 14 con, nó còn trêu lại người ấy, nó gần như thế mà nó không sợ gì cả, từ bé tới giờ chưa bao giờ nhìn thấy voọc quần đùi trắng".

"Chim chóc lúc đấy thì nhiều, nhìn thấy có cả khỉ ở trên núi, 20 năm trước không có voọc đâu". 

"Giờ khác nhiều chứ, trước nó là rừng rậm mà giờ là khu bảo tồn rồi, nó có nhiều động vật người ta thả vào, toàn động vật quý hiếm nhìn thấy nó  là sướng lắm".

Người dân ở Vân Long đều thấy rõ được sự thay đổi của làng quê mình cùng với niềm vui sướng và tự hào, bởi họ biết, quê hương tiếp tục là nơi sinh sống tốt nhất cho con cháu của họ, để thanh niên không phải tha hương đi làm ăn, để người già được nhìn con trẻ lớn lên mạnh khỏe mỗi ngày.

Thậm chí, ngày xưa, ở Vân Long có nhiều con đường dẫn lên núi, dẫn vào sâu trong rừng được hình thành bởi quá nhiều người đã vào rừng săn bắt động vật, đốt rừng, phá núi, kích điện, chặt cây trong một thời gian dài. Vậy mà giờ đây, dấu vết những con đường đó đã gần như biến mất trong màu xanh hồi sinh của rừng.

Anh Phạm Thông, một người dân của Vân Long và cũng là một cán bộ làm công tác bảo tồn cũng tự hào chia sẻ về sự đổi thay của làng quê mình: "Mọi người đều nhìn thấy trước đây chẳng có gì ở Vân Long cả, mọi thứ đều bị phá hủy hết, không có con chim, con gì nhảy nhót hết, bây giờ nó phục hồi lại và khách du lịch cũng như mọi người đều được hưởng lợi từ đấy, ít nhất là cũng có không khí trong lành và mọi người không bị nhiều bệnh ung thư.

Hay như nói về loài voọc mông trắng ở Vân Long chẳng hạn thì mọi người rất tự hào, vui sướng và hiện nay, về cơ bản, việc săn bắt động vật hoang dã nó không mang lại nhiều lợi ích cho người dân nữa, những thợ săn mà còn sót lại trong làng bây giờ còn nghèo hơn rất nhiều so với những người dân trong làng".

Sự thú vị trong câu chuyện hồi sinh của rừng Vân Long khiến tôi liên tưởng với cổ tích chính là bởi một chi tiết rất li kì. Đó là: Bỗng nhiên, có một ông Bụt hiện ra ở Vân Long thật. Ông vội vàng vượt nghìn dặm đến Vân Long với hy vọng nghe được tiếng khóc còn sót lại của 1 loài linh trưởng quý hiếm bậc nhất trên thế giới.

Ông Bụt của loài voọc mông trắng ở Vân Long chính là ông Tilo – một chuyên gia linh trưởng người Đức. Vào năm 1991, do vô tình nhìn thấy bức ảnh chụp loài voọc mông trắng trên một tờ báo của Việt Nam, ông vô cùng hạnh phúc với tia hy vọng là có thể nhìn thấy những cá thể này còn tồn tại trên thế giới.

Vợ chồng ông Tilo trong một chuyến khảo sát về linh trưởng cùng các đồng nghiệp. Ảnh: TT

Vợ chồng ông Tilo trong một chuyến khảo sát về linh trưởng cùng các đồng nghiệp. Ảnh: TT

Tôi mạn phép gọi ông Tilo là ông Bụt để mình kể chuyện được hấp dẫn hơn, và thính giả nghe tôi kể cũng có thể thấy đúng là cuộc sống luôn có những điều vô cùng kỳ diệu xảy đến như phép màu. Chứ thực tế thì ông Tilo chẳng có phép màu nào trong tay để hô biến con voọc mông trắng hiện ra ngay trước mắt ông được.

Phải mất ròng rã bao nhiêu tháng lăn lộn, mò mẫm trong rừng Vân Long, ông Tilo và những cộng sự của mình mới được vỡ òa trong hạnh phúc khi canh chụp được hình ảnh đầu tiên của loài voọc mông trắng quý hiếm này. Một tia hy vọng cực kỳ mong manh đã chiến thắng nỗi ám ảnh đáng sợ của 2 từ “tuyệt chủng” đối với một chuyên gia nghiên cứu về linh trưởng như ông Tilo.

Vợ ông Tilo – bà Nguyễn Thu Hiền kể lại: "Năm đầu tiên thực trạng săn bắn động vật hoang dã trái phép và tàn phá, khai thác rừng của Việt Nam rất cao. Anh Tilo vẫn nhớ âm thanh xuất hiện thường xuyên trong rừng là tiếng súng săn bắn động vật, nên mỗi lần anh TiLo đã đi rừng bao giờ cũng phải 2 cán bộ kiểm lâm đi cùng và có súng Aka đi để bảo vệ và không ít cuộc là đi điều tra nghiên cứu động vật ngăn chặn săn bắn như chặt phá rừng là đánh nhau.

Thời điểm đó, Vân Long chưa thành khu bảo tồn nên bức tranh gần như chỉ toàn núi đá vôi lộ đầu, người dân vẫn chăn thả nên nguồn thức ăn cạnh tranh rất lớn đối với voọc, chúng phải chuyển dịch vào bên trong các dãy núi sâu. đến bây giờ là gần 20 năm thì cái áo xanh trở lại và dễ nhìn thấy voọc hơn vì bây giờ nó không còn sợ con người như ngày xưa. Bây giờ đi thuyền là sẽ nhìn thấy voọc ở trên núi, thậm chí voọc còn vào sát bờ uống nước là những hình ảnh rất đẹp khẳng định sự bảo tồn, bảo vệ Vân Long thành công rất cao"

20 năm với hình ảnh bắt đầu của những con người bé nhỏ giữa mông lung núi rừng Vân Long trơ trọc, đi tìm kiếm những con vật cũng vô cùng bé nhỏ đang lẩn trốn con người bằng tất cả nỗi hoảng sợ mà bản năng sinh tồn có được. Vậy mà khi tôi nói Vân Long đúng là đã hồi sinh, vợ chồng ông Tilo vui tới nỗi quên kể về những khó khăn nguy hiểm trong từng đó thời gian, mà chỉ mê mải kể trong niềm vui về sự sinh sôi từ vài cá thể voọc mông trắng lên tới vài chục, vài trăm.

Và thế là, ít nhất khoảng thời gian 20 năm để rừng Vân Long hồi sinh chỉ dài bằng một nụ cười rất nhẹ nhàng và hạnh phúc của đôi vợ chồng chuyên gia này: "Đến ngày hôm nay thì cũng đã trải qua rất nhiều nhiều việc nhiều chuyện, dù nhỏ hay lớn thì anh chị cũng đều cảm thấy rất hạnh phúc bỡi mỗi lần về Vân Long là như về nhà, bà con cô bác rồi gặp mọi người ai cũng biết đến mình chào hỏi.

Còn đối với người dân hiện tại mới chỉ có người dân xã Gia Vân được hưởng lợi phía cửa chính đi vào thăm Vân Long khi lái đò lái thuyền thì mọi người cũng có thêm thu nhập.Vui nữa là từ trường học đến tất cả người dân và mọi tổ chức xã hội đều nhận thức được việc cần bảo vệ và yêu quý động vật, họ ghi lại thông tin hoặc báo cho Kiểm Lâm biết khi voọc xuất hiện…"

 

Vẻ đẹp hoang sơ của Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long. Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình

Vẻ đẹp hoang sơ của Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long. Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình

Câu chuyện cổ tích ngày xưa thường chỉ dừng ở một cái kết có hậu, còn chuyện cổ tích ngày nay của Vân Long, sẽ không chỉ dừng lại ở sự hồi sinh. Những thanh âm núi rừng muốn được vang vọng bất tận cùng thời gian thì phải cần tới nỗ lực tiếp nối không ngừng nghỉ của những người làm bảo tồn.

Tiến sĩ Hà Thăng Long – Chủ tịch Hội đồng sáng lập của trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh Green Việt là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên gắn bó với Vân Long và có cơ hội được học tập, nghiên cứu bài bản để tiếp nối công tác bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam. Anh đã giãi bày trăn trở không nhỏ của mình đối với công tác bảo tồn ở Việt Nam hiện nay:

"Cái mà mình thấy đang khó khăn cho bảo tồn nói chung đó là cái nguồn lực về con người, sau đó là nguồn lực về tài chính. Một số người có cơ hội đi học giống như mình, thời điểm 1990-2000 đó thì có cỡ khoảng 10 người có cơ hội giống mình. Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu ít nên không có cơ sở lý thuyết để đưa ra giải pháp toàn diện mà thường chỉ nhìn được ở góc độ nhất định.

Ví dụ như việc bảo tồn con mông trắng chẳng hạn, nếu như không có cuộc điều tra toàn diện năm 1999-2000 về quần thể ở Vân Long thì không biết quần thể đó là bao nhiêu, phải chịu những tác động gì, hoạt động của người dân đang ảnh hưởng thế nào đến quần thể đó. Những nghiên cứu sinh như mình được ra ngoài học thì nhìn thấy Việt Nam mình thực sự đang thiếu cái gì…"

PV: Là một trong những người được coi là thế hệ tiếp nối của các chuyên gia như ông Tilo, bà Thu Hiền trong công tác bảo tồn thì hiện anh quan tâm tới công tác đào tạo nhân sự tiếp nối sau mình như thế nào?

TS Hà Thăng Long: Công việc liên quan đến bảo tồn đòi hỏi phải đam mê, tại vì cứ tưởng tượng một buổi sáng mà phải trèo lên đỉnh Vân Long 300m còn núi tai mèo thì nếu mà không thích là bỏ ngay từ ngày đầu. Chính vì nguồn lực tài chính không đủ nên không trả công xứng đáng được cho những người hoạt động trong lĩnh vực này nên các bạn trẻ sẽ không quan tâm..

Vì mình hàng năm đều có tổ chức khóa tập huấn thì thấy rằng các khóa tập huấn một năm mà cỡ khoảng 20-30 người thì như muối bỏ bể, không có đủ. Còn hiện trạng các trường đại học đang tuyển dụng và dạy cho sinh viên thì rất nhiều trường không tuyển được sinh viên ngành này nữa.

Để thấy được rằng công việc này đòi hỏi sự động viên của cộng đồng và sự quan tâm của xã hội và đó cũng là mối quan tâm của mình đối với vấn đề về chiến lược nhân sự lâu dài cho bảo tồn.

Cảnh hoàng hôn trên đầm Vân Long. Ảnh: MT

Cảnh hoàng hôn trên đầm Vân Long. Ảnh: MT

PV: Nghe anh chia sẻ vậy tôi thấy nhiều cản trở quá. Nói đến nghề làm bảo tồn chắc phần lớn mọi người cũng không hình dung ra là sẽ làm gì, đúng không anh? Nhưng chẳng lẽ khó tìm được những tín hiệu khả quan và hấp dẫn hơn cho công việc bảo tồn này hay sao?

TS Hà Thăng Long: Mình nghĩ rằng cơ hội rất lớn, các chính sách lớn của nhà nước mình trong khoảng chục năm tới về chuyện biến đổi năng lượng xanh chẳng hạn thì đó là chính sách cực lớn mà cả thế giới cũng đang quan tâm.

Thứ hai là vấn đề về môi trường sống đô thị của mình cần phải được cải thiện rất nhiều thì buộc phải có những người làm về bảo tồn thôi, Mình nghĩ là cơ hội ở đó và những người đi làm lâu trong nghề như mình thì thấy rõ đó là xu thế tất yếu của cộng đồng trong vòng 20-30 năm tới. Và như vậy thì nhu cầu về nguồn lực sẽ rất lớn.

Vấn đề là chúng ta bây giờ làm sao gắn được các chính sách lớn đó, làm rõ nhu cầu nguồn lực sau đó truyền thông tới giới trẻ để tạo nên một nhu cầu có thật để giải quyết các vấn đề cho cuộc sống của mình và cộng đồng. Đó là việc cần phải làm.

PV: Vậy theo anh, chúng ta hiện nay cần phải đẩy mạnh việc gì nhất để từng bước nắm được những cơ hội trên cho ngành bảo tồn?

TS Hà Thăng Long: Vấn để là ở truyền thông làm thế nào để những chính sách lớn như thế này đến được với các bạn trẻ để các bạn ấy hiểu rằng, nếu mình tham gia vào việc đầu tiên là định hướng cho nghề nghiệp.

Còn bây giờ chúng ta dùng truyền thông kiểu cũ như "Tôi yêu động vật hoang dã quá, một số loài nó sắp tuyệt chủng đến nơi rồi" thì bây giờ không thuyết phục được giới trẻ đâu vì họ không thấy được sự liên hệ của mình đối với sự mất đi của một loài nào đó, sẽ không thuyết phục được giới trẻ, hoặc là có thì cũng chỉ là một nhóm nhỏ thôi.

PV: Cảm ơn anh rất nhiều vì đã dành cho VOVGT những lời chia sẻ vô cùng ý nghĩa trong ngày đầu năm mới này. Kính chúc anh sức khỏe và một năm mới với nhiều dự án bảo tồn thành công!

Hiện nay, Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên duy nhất của Việt Nam được ghi nhận sự hồi sinh và có sự bảo tồn bài bản. Cần ít nhất là 20 năm để có thể hồi sinh được một cánh rừng đã chết như Vân Long.

Đó chính là động lực, mở ra tương lai và hy vọng hồi sinh cho nhiều cánh rừng đang bị đe dọa trên dải đất hình chữ S của Việt Nam. Tôi cảm thấy thật may mắn khi là người đã được nghe và hôm nay cùng kể lại câu chuyện hồi sinh ở Vân Long tới thính giả của VOV Giao thông.

Dù các bạn có thể chưa được trực tiếp đến Vân Long, được tận mắt nhìn thấy hay lắng nghe những thanh âm hồi sinh của núi rừng, muông thú nơi đây, nhưng tôi cảm nhận được rõ có một thanh âm đang vang lên bất tận trong xúc cảm của mình, được lan tỏa từ niềm vui sống trên quê hương của người dân Vân Long hay niềm vui với công việc bảo tồn của vợ chồng ông Tilo- bà Thu Hiền, anh Hà Thăng Long.

Và tôi tin vào vẻ đẹp của cổ tích, khi những rung cảm của tình yêu, trách nhiệm, niềm vui hòa vào làm một thì những thanh âm cuộc sống đó sẽ còn vang mãi.

 

Vũ Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Kênh rạch trơ đáy, ruộng vườn xơ xác, lượng nước dự trữ cho việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đang cạn dần… Đó là tình cảnh chung của nhiều bà con đang chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Sau gần 2 tháng triển khai, việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số vị trí ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội  triển khai áp dụng thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đây là ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh có tên gọi “Thẻ vé Giao thông Hà Nội”.

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Bước vào những ngày nắng nóng, người dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long liên tục “kêu cứu” vì trình trạng khói, bụi từ nhà máy xay xát lúa gạo trong khu vực trực tiếp thải ra môi trường.

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Hiện nay, Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn, đặt nhiều cánh rừng vào tình trạng cảnh báo cháy cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Thống kê chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Đây là mối lo ngại rất lớn cho môi trường. Vì vậy, việc tái chế các linh kiện điện tử đã qua sử dụng là một việc làm rất ý nghĩa, góp phần hạn chế rác thải điện tử xả ra môi trường.

Đảo Ngọc 'thay áo mới'

Đảo Ngọc "thay áo mới"

Nếu các bạn đã quen thuộc với con phố Ngũ Xã khi tới đây thưởng thức món ngon Hà Nội, thì nay sẽ không khỏi ngạc nhiên với một Ngũ Xã vào buổi tối lên đèn. Các tuyến phố trên Đảo Ngọc đã đổi thay kể từ khi khu vực được xây dựng thành không gian văn hóa, ẩm thực mới.