Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Tết đến Đảo Cá Voi

Mai Lộc – Nhật Minh : Thứ hai 12/02/2024, 15:47 (GMT+7)

Tại Vịnh Vân Phong thuộc địa phận hai huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh Vân Phong có 28 đảo lớn nhỏ. Tên gọi các đảo mang nét đặc trưng. Trong đó, có Hòn Ông hay còn gọi là Đảo Cá Voi.

 

Đón và đưa chúng tôi ra Hòn Ông là anh Nguyễn Xuân Khoa, người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Trò chuyện với khách phương xa, anh Khoa say sưa kể về quê hương mình:

"Đảo này vịnh kín gió nên cá Ông, cá Voi thường vào các bãi kín gió này thành ra ta đặt tên đảo. Khi mà ngư dân đánh cá, đánh lưới nhiều lúc gặp phải sóng gió thuyền lật rồi cá Ông đưa vào. Theo truyền thuyết từ xưa kể lại, bà nội mình cũng kể lại là Ông đưa vào bờ.”

Vịnh Vân Phong, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Hòa (Ảnh: Review Villa)

Vịnh Vân Phong, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Hòa (Ảnh: Review Villa)

Trời trong, gió nhẹ, chúng tôi đến Hòn Ông lúc thời tiết rất đẹp. Điểm đến đầu tiên là làng Lương Hải. Trước kia, nơi đây có tên là “làng cát ném” bởi đây là vùng đất hoang, cây cỏ dại mọc và những đồi cát bay.

Ông Nguyễn Đình Láng – Trưởng lạch Lăng Lương Hải kể: “Thấy bãi này đất cát trống thành thử bà con mới cư ngụ ở đây thành lập ra làng gọi là làng cát ném, trước là biển sau là ruộng lúa thành ra mà con tới lập làng và làng cát ném là nơi đánh bắt thủy hải sản.

Rảo bước ở vùng đất này, chúng tôi ngạc nhiên trước vẻ đẹp kiến trúc của Lăng Lương Hải, một trong những lăng Ông ra đời sớm nhất trên vùng đất Khánh Hòa. Ngoài độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, nơi đây còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, ba sắc phong do vua triều Nguyễn ban tặng.

Đặc biệt, Lăng còn lưu giữ những bộ xương khi Ông lụy bờ. Ông Nguyễn Đình Láng kể: "Hàng năm ông Nam Hải mà trôi dạt vào bờ thì trách nhiệm tập thể của bà con ngư dân ra vớt ông về để mà thờ cúng, hiện nay tất cả cốt cô Kiều, ông Chuông và ông Nam Hải đều đang được thờ trong miếu ông Nam Hải đây.”

Một góc Lăng Lương Hải (Ảnh: Di tích Khánh Hòa)

Một góc Lăng Lương Hải (Ảnh: Di tích Khánh Hòa)

Vạn làng Thủy Tú là một trong những vạn cổ xưa nhất của nghề biển ở Bình Thuận. Được lưu thờ, bảo quản của ngư dân bộ cốt Ông dường như còn nguyên vẹn và được xác lập là bộ cốt ông lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Năm 2003 bộ xương cốt Ông được Viện Hải Dương học Nha Trang phục chế và bảo quản nguyên vẹn tại nhà bảo tàng của Dinh với chiều dài 22m, nặng 65 tấn.

Hàng năm, dân làng sẽ chọn ra một ngày làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Sau đó là chuỗi các hoạt động diễn xướng dân gian, nhất là hò bả trạo, hoạt động rước thuyền.

Ông Nguyễn Tứ Hải - Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Khánh Hòa, cho biết: "Bởi vì mỗi lần người ta ra khơi, là hồn trong cột buồm. Chính vì thế, họ phải trông chờ thần linh. Chính vì thần linh như thế tạo cho họ sức mạnh.

Sức mạnh gần như họ vượt qua tất cả mọi khó khăn vượt qua tất cả mọi hiểm nguy để làm bằng được một việc. Đó là bám biển và thu được nhiều cá, đem lại lợi ích kinh tế, xây dựng một nền văn hóa của ngư nghiệp.”

Lễ hội cầu Ngư (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bình Định)

Lễ hội cầu Ngư (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bình Định)

Lễ hội cầu ngư với ước mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng được cộng đồng ngư dân lưu truyền qua bao thế hệ. Vào ngày lễ hội, ngư dân đều gác lại công việc để cùng tham gia. Lễ hội không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian mà còn là không gian lưu truyền những giá trị truyền thống của bao thế hệ gắn liền với biển.

Xuân về với muôn nơi, với đất trời, ngư dân sẽ lại tất bật giông ra khơi năm mới không chỉ với mong ước tôm cá đầy thuyền, bình an trở về mà còn khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền đối với vùng biển, vùng lãnh hải của quốc gia. Cầu mong cho những ước mơ của bà con sẽ thành hiện thực, để lộc biển mãi tràn đầy./.

Mai Lộc – Nhật Minh /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn