Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dọc miền Tết Việt (Kỳ 3): Chuyện kể Tết phương Nam

Nhật Minh - 12/02/2024 | 20:01 (GTM + 7)

Miền Tây Nam Bộ, điểm dừng chân cuối cùng của VOV Giao thông trong chặng hành trình dọc miền Tết Việt - Nơi những dòng sông hò hẹn chở tình đất, tình hoa lan tỏa khắp đồng bằng.

 

Trên mảnh đất này, từ thuở đón bước chân của dòng người lưu dân vào khai hoang, lập ấp, mở làng, cách ăn tết, đón Tết hàng trăm năm qua của ông bà vẫn được con cháu gìn giữ và lưu truyền, bởi thiếu nó là thiếu tết.

Từ những ngày đầu tháng Chạp, người người, nhà nhà miền Tây đã tất bật sửa soạn đón Tết cổ truyền. Từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ trên bến đến dưới thuyền, từ nông thôn đến thị thành, mọi người đều cùng nhau chuẩn bị đón tết cổ truyền đầm ấm nhất.

Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng kể:"Các tục như đâm cốm dẹp, quết bánh phồng, bánh tráng, tát mương, tát đìa bắt cá làm khô rồi đến trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp bàn thờ ông bà. Sắm sửa, hồi xưa người ta treo tranh Tết luôn.

Tết nhất bàn thờ ông bà phải sạch, khang trang, không có bụi bặm, chung quanh gian thờ, bàn ghế phải sơn phết lại, đánh bóng lại, treo tranh trên tường nhà coi tranh cũ thì phải mua tranh mới để thay. Làm hàng rào hoa giấy rồi lặt mai để nở đúng ngày tết.

Trước nhà phương Nam đều có khuôn viên trồng một luống cúc vạn thọ, gốc mai, hòn non bộ. Cái sắm sửa chuẩn bị tết là niềm vui, là sự háo hức của gia đình. À, tết đến rồi."

Chùi lư đồng - nét văn hóa độc đáo của người miền Tây mỗi dịp Tết. Ảnh: Thanh Phê

Chùi lư đồng - nét văn hóa độc đáo của người miền Tây mỗi dịp Tết. Ảnh: Thanh Phê

Với bà con miền tây, Tết chính thức bắt đầu từ ngày đưa ông Táo về trời. Ðây là lễ cúng Ông Táo lớn nhất trong năm, nhằm đưa tiễn ông Táo sau một năm phù hộ độ trì cho sự bình an và ghi chép công tội của gia chủ để báo cáo với Ngọc Hoàng. Sau khi cúng đưa ông Táo về trời, mọi người bắt đầu đi tảo mộ. Con cháu dọn dẹp sạch mồ mả ông bà là một trong những việc hiếu đạo, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Những công việc "vòng ngoài" dứt điểm cũng là lúc các gia đình tất bật lo bày biện mâm cơm dâng lên ông bà tổ tiên. Trên bàn thờ không thể thiếu mâm ngũ quả. Xuất phát từ mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” nên người miền Nam thường chưng: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Ngoài ra, còn có trái thơm với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu nhất.

Quan trọng nhất trong dịp Tết là bữa cơm chiều cuối năm. Bốn món dứt khoát không thể thiếu là thịt kho hột vịt, canh khổ qua, đầu heo ngâm giấm và dưa chua. Mấy ngày Tết cúng kiếng rất được coi trọng, bữa cơm nào cũng vậy, cúng tổ tiên xong mới được dùng.

Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, cho biết: "Chiều 30, rước ông bà về ăn Tết với mình, bởi theo quan niệm dân gian, dương gian âm cảnh đồng nhất lý. Nghĩa là đời sống ở dương thế thế nào thì âm cảnh thế ấy. Cho nên khi trên đây ăn tết thì ở dưới cũng ăn Tết. Gia đình sẽ soạn bữa cơm thịnh soạn cúng 30, có gà, trái cây, dưa hấu, bánh trái rước ông bà về ăn Tết."

Theo quan niệm của người dân miền Tây, sau khi đã rước ông bà về ăn Tết ngày 30 tháng Chạp, đến ngày mùng 3 phải làm mâm lễ long trọng để tiễn ông bà. Trong mâm lễ thiêng liêng ấy, không thể thiếu con gà trống được chọn lựa kỹ càng, không thể thiếu bánh tét, bánh tráng.

Ông Trần Văn Phúc, ở Bến Tre kể: "Tết nhà thì mùng 3 mình mần con gà trống, cúng trong nhà trong cửa. Cúng xong mình lấy cặp giò lại với vàng bạc, cau, giấy mùng 3, mình treo ở cửa của mình. Xong rồi mình cầm giấy vàng bạc ra khu vườn của mình có góc cây nào để mình dán vô đó để mình Tết vườn."

Ở vùng đất châu thổ này, mùng 3 Tết còn có thêm tục Tết trâu - loài vật đã gắn bó song hành cùng cuộc trường chinh khai phá vùng đất phương Nam. Ăn Tết, người nghỉ ngơi thì trâu cũng được nghỉ ngơi. Người ăn uống no đủ thì trâu cũng được ăn uống no đủ. Những ngày cuối năm, sau khi trang hoàng nhà cửa, người ta dọn dẹp chuồng trâu sạch đẹp, tắm rửa sạch sẽ cho trâu, rồi dán những mảnh giấy hồng đơn hình vuông vào “cổng trâu”, sừng trâu và trong “máng trâu” bao giờ cũng đầy cỏ tươi, nước ngọt.

Từng tham gia cùng ông bà cúng Tết trâu, ông Trần Văn Phúc, ở Bến Tre nhớ lại: "Trâu cái thì cúng bánh cấp. Trâu đực thì cúng bánh tét. Đựng 1 thúng gạo để bánh cấp với bánh tét lên đó. Vái ông chuồng bà chuồng cho con trâu mạnh giỏi để cày bừa."

Tết nguyên đán, cũng là dịp bà con miền Tây cúng ông Chuồng, bà Chuồng đã phù hộ vật nuôi phát triển khỏe mạnh suốt năm, hy vọng năm mới việc chăn nuôi sẽ thuận lợi, may mắn. Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng chia sẻ: "Nếu mà những người gắn bó với nông nghiệp thì những tục lệ về nông nghiệp vẫn còn. Thí dụ giờ phải cúng chuồng, kể cả không phải chuồng trâu mà chuồng heo cũng phải cúng ông chuồng bà chuồng."

Ảnh minh hoạ: Dân Việt

Ảnh minh hoạ: Dân Việt

Tết Nguyên đán và “tết trâu” xong xuôi, thường vào ngày hạ nêu, chủ trâu tiến hành thả trâu về với những cánh đồng. Sáng sớm, chủ trâu mang lễ vật ra chuồng trâu van vái “ông chuồng, bà chuồng” phò hộ cho bầy trâu ra đi không gặp điều xui rủi, an toàn, mạnh khỏe, sanh thêm nhiều nghé. Sau đó, người chủ và đứa bé thường ngày chăn trâu đưa bầy trâu từ chuồng ra đồng.

Tới đây, người chủ lần lượt rút dây dàm ra khỏi mũi cho từng con trâu, theo thứ tự nhỏ trước lớn sau, cái trước đực sau, với lý do là con đực cổ hay con cái già cầm bầy mà cất vó trước thì khó lòng kìm giữ những con còn lại. Trước khi rút dàm con cầm bầy, người và trâu vẫn còn quấn quýt, bịn rịn, người chủ nhẹ tay xoa lưng, xoa đầu, vuốt sừng từng con cầu chúc sức khỏe, khi đi có bầy, khi về có đàn.

Một nét đẹp văn hóa khác ở miền Tây ngày Tết đó chính là tục cúng ghe đầu năm mới. Người đi ghe thường thờ Bà Cậu, vị thần tốt, thân thiện, chuyên cứu giúp người trên sông nước. Đa số người ta sẽ thường cúng vịt, tượng trưng cho sự di chuyển thuận lợi trên sông.

Chủ ghe cầu cong Bà Cậu phù hộ cho năm mới mua bán được thuận buồm xuôi gió; xuôi chèo mát mái... Khi cúng xong, người ta cũng dán trước mũi ghe, trên bánh lái, cặp chèo... những miếng giấy vàng bạc cho ghe, chèo... ăn Tết. Đặc biệt, những ghe buôn bán họ rất chú trọng trong cúng ghe xuất hàng đầu năm.

Tác giả Nguyễn Thanh Lợi, trong tác phẩm Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Nam bộ viết: “Ngày Tết của những người làm nghề kinh doanh vận tải trên sông nước không thể không có một bàn thờ Bà trên ghe tàu với mâm ngũ quả, bình hoa, cặp bánh tét và nhang đèn. Vào ngày mùng ba, mùng bốn hoặc mùng năm Tết thường có một ngày họ dùng cặp vịt cúng Bà. Món vịt chế biến là luộc nấu cháo”.

Tết nhà, Tết vườn cúng gà để năm mới theo cánh gà bay cao, thì người đi sông nước cúng vịt để ghe nổi và chuyện mua bán cũng nổi như vịt bơi trên mặt nước. Đây là cách chơi chữ hết sức thú vị phản ánh tính hài hước nhưng cũng đậm chất trí tuệ dân gian.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, chia sẻ: "Tết truyền thống luôn giữ được nét đẹp, văn hóa của người Việt Nam. Vì vậy chính những người đi trước là những người lớn cần phải có chia sẻ với con cái của mình về ý nghĩa của dịp Tết. Chúng ta quây quần bên nhau nó mang lại những tình cảm mang lại những giá trị mà không bao giờ giá trị vật chất có thể mua được những điều như vậy, để từ đó chúng ta góp phần giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam để tiếp tục cho những thế hệ mai sau."

Tết với dân miệt hai mùa mưa nắng là dịp để con cháu tìm về quê cha đất tổ, quây quần ấm áp. Lễ tết Nam bộ vì thế trở thành bản sắc văn hóa đặc thù trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Giờ đây, kinh tế phát triển, đời sống hiện đại nhưng Tết ở quê miền Tây vẫn vậy, nét đẹp ấy được duy trì và truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, là cách để ông bà truyền dạy con cháu “chim có tổ, người có tông”, biết ơn các bậc tiền nhân đã khai hoang mở cõi để con cháu có cuộc sống ấm no, sung túc.

Tết xưa trong ký ức thế hệ ông bà cha mẹ đầy ắp những điều tuyệt diệu. Tết nay, dù không còn nguyên những lễ tục thờ cúng như ngày xưa nhưng vẫn còn đó vẹn nguyên ý nghĩa văn hóa, là chiếc nôi tinh thần làm nên cái Tết nghĩa tình của đất và người phương Nam.  

Ý kiến của bạn
Ca đoàn Thiếu nhi và Điều ước Giáng sinh

Ca đoàn Thiếu nhi và Điều ước Giáng sinh

Tại các Giáo xứ, Ca đoàn Thiếu nhi luôn là nền tảng để các em nhỏ tiếp bước trở thành các ca viên, nền tảng đó được thể hiện mộc mạc qua những lời ca trong trẻo và những ước mơ giản dị.

Khách đi metro gấp 5 lần dự kiến, mong có sự chia sẻ với quy định đi tàu

Khách đi metro gấp 5 lần dự kiến, mong có sự chia sẻ với quy định đi tàu

Chiều 23/12, đại diện Ban Quản lý Đường sắt Đô thị và Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 thông tin với báo chí về quá trình triển khai và vận hành tuyến metro số 1 trong 2 ngày 22 - 23/12.

Hàng vạn người trải nghiệm metro số 1 trong ngày đầu miễn phí vé

Hàng vạn người trải nghiệm metro số 1 trong ngày đầu miễn phí vé

Có mặt tại ga Bến Thành từ 6 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Cường (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cùng các đồng đội không giấu nổi niềm xúc động. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, giấc mơ về một hệ thống giao thông hiện đại của TP.HCM đã trở thành hiện thực khi tuyến metro đầu tiên chính thức đi vào hoạt động.

“Cạm bẫy” sàn chứng khoán quốc tế, tiền ảo, ngoại hối: Ngăn chặn từ đâu?

“Cạm bẫy” sàn chứng khoán quốc tế, tiền ảo, ngoại hối: Ngăn chặn từ đâu?

Nhiều đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi để mời gọi và môi giới đầu tư. Không chỉ vụ Phó Đức Nam (TikToker Mr Pips) lừa đảo 5.200 tỷ đồng mà nhiều vụ việc khác chưa bị phát giác, xử lý.

Gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong ngày đầu vận hành chính thức

Gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 trong ngày đầu vận hành chính thức

Theo thông tin mới nhất từ bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, trong ngày vận hành chính thức đầu tiên (22.12) từ 10h-22h có 175 lượt tàu và gần 150.000 hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Metro số 1: Cuộc hẹn sau 17 năm

Metro số 1: Cuộc hẹn sau 17 năm

Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành. Hàng ngàn người dân đã có mặt để chứng kiến và tham gia trải nghiệm. Đó là sự háo hức, mong mỏi, là niềm tự hào, hãnh diện khi đã thực sự “chạm” vào giấc mơ metro.

Hội chứng thù ghét đồng loại

Hội chứng thù ghét đồng loại

Những vụ án thảm khốc diễn ra trong những hoàn cảnh không ai ngờ tới đang ngày càng nhiều trên khắp thế giới đang cho thấy một sự bất an đối với giá trị nhân loại, hơn là câu chuyện của những cá nhân đơn lẻ.

// //