Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
“Cô tiên nhỏ” hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh “Cô tiên nhỏ” hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh

“Cô tiên nhỏ” hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh

Hồng Lĩnh   •   8:18 02/04/2024

May mắn sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng sau khi đi du học Australia trở về TP.HCM, Nguyễn Đỗ Trúc Phương lại quyết định làm thiện nguyện. Gần 5 năm qua, hơn 200 hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em đã được cô kêu gọi giúp đỡ.

“Cô tiên nhỏ” của những mảnh đời bất hạnh tự nhận mình chỉ là là người “gieo duyên”, còn tất cả là nhờ vào sự tin tưởng và tấm lòng nhân ái của mạnh thường quân.

"Ông cực khổ mấy năm nay, giờ có con có cháu đến thương ông, có tấm lòng hảo tâm. Ông không biết nói sao. Cuộc đời ông đến chết không bao giờ quên…"

"Tuy sống trong gia đình khá giả, nhưng chị Phương không ngại mang niềm vui đến với những vùng miền xa xôi, luôn luôn hỏi thăm và giúp đỡ các hoàn cảnh đó một cách chân thật"

"Một sự yêu thương có trong tim của mình, một sự vui vẻ khi mình làm được những điều tốt, nhỏ nhặt thôi...."

Người dân ngụ tại đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM không ai là không biết đến “ông Chín vé số”.

Ông Chín tên thật là ông Lê Văn Sót quê ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Vì gia cảnh nghèo khó, vợ nay ốm, mai đau nên buộc phải rời quê hương lên thị thành kiếm sống, bán vé số và lượm ve chai, mong có chút tiền gửi về quê cho vợ chữa bệnh.

Ông Lê Văn Sót làm nghề bán vé số và lượm ve chai kiếm sống qua ngày

Ông Lê Văn Sót làm nghề bán vé số và lượm ve chai kiếm sống qua ngày

Bản thân ông cũng có khối u mang nặng trên người, nên trái gió trở trời, đành một mình chịu đau trong căn phòng trọ tuyềnh toàng chỉ vài mét vuông.

Ông Lê Văn Sót chia sẻ: “Ông đi lượm ve chai và bán vé số sống qua ngày. Dành dụm chút đỉnh tiền mua thuốc men uống, còn bao nhiêu đem về cho vợ. Vợ bệnh cao huyết áp và tiểu đường, gửi về để cho bà ấy mua thuốc thêm uống. Chiều xổ số xong là ông đi bán và lượm ve chai tới 9,10 giờ đêm ông mới về. Vợ chồng ông được hai thằng con trai, chúng nó có gia đình cả rồi, làm nghề phụ hồ, nhưng giờ cũng thất nghiệp”.

Giọt nước mắt hạnh phúc của ông Lê Văn Sót khi nhận số tiền giúp đỡ của mạnh thường quân. Ông không tin đây là sự thật...

Giọt nước mắt hạnh phúc của ông Lê Văn Sót khi nhận số tiền giúp đỡ của mạnh thường quân. Ông không tin đây là sự thật...

Trưa nắng rát, con hẻm vào phòng trọ của ông Sót vẫn chưa rút nước. Thuỷ triều lên, nước quá mắt cá chân, dập dềnh theo vòng xoay của chiếc xe đạp cũ chất đầy chai nhựa, túi ni-lông.

Nhờ một bạn trẻ đăng tải về hoàn cảnh của ông Sót trên mạng xã hội, Nguyễn Đỗ Trúc Phương đã tìm đến gặp, xác minh hoàn cảnh và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ ông.

Trực tiếp chứng kiến bữa cơm đạm bạc của ông Sót trên chiếc giường đủ thứ ve chai ông lượm về, Trúc Phương xúc động: “Khi tôi đến đây, ngoài sức tưởng tượng của tôi khi nhìn thấy phòng trọ lụp xụp này. Ông cũng đã yếu rồi, năm nay đã 80 tuổi. Lúc đến đây, tôi đã quyết định dành tặng ông 100 triệu để ông về quê với bà. Tôi nghĩ, đó là mong ước lớn nhất của ông”.

Năm 2020, Trúc Phương đăng một bài viết trên mạng xã hội kêu gọi giúp đỡ hoàn cảnh ông Hải xe ôm, ngày ba bữa ăn bánh mì. Chỉ sau một đêm, mạnh thường quân trên cả nước ủng hộ số tiền gần 40 triệu đồng.

Không lâu sau đó, Phương đăng kêu gọi giúp anh Phạm Văn Tâm ở Tây Ninh bị rắn hổ mang chúa cắn vì liều mình đi bắt rắn kiếm tiền đóng học cho con. Nhờ sự hỗ trợ đó, cuộc đời anh Tâm đã bước sang một trang mới. Trong đại dịch Covid-19, Phương cũng quyên góp được vài tỉ đồng hỗ trợ lương thực cho bà con. Với những đóng góp của minh cho hoạt động thiện nguyện, Trúc Phương đã được Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”.

Giữa tháng 3, Trúc Phương có mặt tại một mái ấm, giản dị và chẳng rình rang. Ngoài những phần quà là 500 quyển tập, 30 bộ nệm, chăn gối mới và 30 triệu đồng tiếp sức cho các em trên con đường đến trường, Trúc Phương còn mang đến mái ấm không khí ấm áp, tươi vui với những lời ca, tiếng hát, nghe các em nhỏ đọc thơ...

Ông Hiệp cùng chiếc xe Dừa Tắc

Ông Hiệp cùng chiếc xe Dừa Tắc

Trong những hoàn cảnh mà Phương giúp đỡ, Phương không thể quên hình ảnh ông Hiệp cùng chiếc xe Dừa Tắc. Đó là người đàn ông có đôi vai gầy, rám nắng, đôi bàn tay xương xương. Trước đây, ông Hiệp chạy xe ôm truyền thống, nhưng từ ngày có xe công nghệ, ông lùi về gắn bó với chiếc xe dừa đã hơn 5 năm. Chiếc xe cũng là nguồn sống của hai vợ chồng già đã bước qua tuổi 70.

Giây phút hạnh phúc của vợ chồng ông Hiệp

Giây phút hạnh phúc của vợ chồng ông Hiệp

Nguyễn Đỗ Trúc Phương tâm sự: “Tôi có nói với bố mẹ: “Tiền hôm nay không kiếm thì ngày mai có thể kiếm nhưng những hoàn cảnh khó khăn ví dụ như ông đây hôm nay mà con không giúp thì chắc gì ngày mai con đã có cơ hội giúp ông. Tại vì số tiền mình giúp chỉ là một phần nhỏ thôi, nhưng sự kịp thời rất quan trọng đối với những hoàn cảnh khó khăn”.

Tặng phần quà cho ông Hùng làm bảo vệ

Tặng phần quà cho ông Hùng làm bảo vệ

Không chỉ vội đến rồi vội đi, Trúc Phương còn dành thời gian tìm hiểu xem họ mong muốn, ước mơ gì mà chưa thể thực hiện. Từ việc xây một căn nhà, tự tay mua một chiếc điện thoại, mua một chiếc xe, thậm chí là một chiếc đài radio giúp họ xoa dịu bớt nỗi cô đơn..... đều xuất phát từ trái tim của cô gái giàu lòng trắc ẩn.

Và hầu như với hoàn cảnh nào, Phương cũng đưa các ông bà đi siêu thị mua sắm. Phương chia sẻ, với mọi người, việc vào siêu thị rất bình thường, nhưng với những người bán vé số, đẩy hàng rong.... siêu thị là nơi họ không dám bước vào, và càng không có được niềm vui khi mua hàng mà không phải nghĩ đến giá tiền bao nhiêu.

Phương luôn tâm niệm 'của cho không bằng cách cho'

Phương luôn tâm niệm "của cho không bằng cách cho"

Nguyễn Đỗ Trúc Phương cho biết: “Của cho không bằng cách cho. Đó là lý do mà khi mà trao tặng số tiền đó tôi lúc nào cũng tạo cho họ cảm giác như người nhà, gia đình. Ví dụ như các ông bà lớn tuổi, họ đã sống một cuộc đời khó khăn quá lâu rồi. Tôi chỉ muốn cho họ một cuộc sống là thời gian cuối của cuộc đời để có thể tận hưởng những điều đẹp đẽ nhất. Còn đối với những hoàn cảnh khuyết tật, tôi cũng cố gắng hỗ trợ vì tôi nhìn thấy sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh vượt lên của họ. Họ chỉ thiếu sự may mắn mà thôi...”

Thời gian đầu làm từ thiện, Phương bị ba mẹ phản đối, cũng phải nhận những lời ra tiếng vào không hay từ cộng đồng. Nhưng nay chính ba mẹ lại là một trong những mạnh thường quân. Phương cho hay, cô tuân thủ nguyên tắc chi phí đi lại, ăn ở đến những vùng sâu, vùng xa đều là gia đình bỏ tiền túi; để những hoàn cảnh được nhận trọn vẹn sự hỗ trợ của mọi người. Đó cũng là cách tạo niềm tin trong việc đi làm từ thiện.

Đến trẻ em miền núi và các hộ dân đồng bào khó khăn ở Pờ Tó, Gia Lai

Đến trẻ em miền núi và các hộ dân đồng bào khó khăn ở Pờ Tó, Gia Lai

Nguyễn Đỗ Trúc Phương bày tỏ: “Nguyên tắc của tôi trong tất cả những lần kêu gọi từ thiện đó là phải minh bạch, rõ ràng và uy tín. Tôi lúc nào cũng có một số tài khoản mà mạnh thường quân có thể vào xem, sao kê online.

Khi tôi bắt đầu mở quyên góp cho bất kỳ một hoàn cảnh nào đó thì tôi chỉ kêu gọi vừa đủ số tiền thôi. Ví dụ như trường hợp đó, tôi xác định 50 triệu thì đúng 50 triệu tôi sẽ đóng tài khoản và sẽ không nhận thêm”.

Tại một Mái ấm

Tại một Mái ấm

“Trên đường đời của chúng ta đều có những sự lựa chọn. Khi chúng ta làm từ thiện là chúng ta đã lựa chọn đúng đắn. Mong các bạn luôn theo con đường đúng đắn đó ở trong tâm hồn của mình để có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh hơn nữa”, Phương chia sẻ.

Chiếc chăn Trúc Phương tặng các em

Chiếc chăn Trúc Phương tặng các em

Niềm vui của các em nhỏ vùng cao

Niềm vui của các em nhỏ vùng cao

Nếu từng có trải nghiệm, hoặc chứng kiến những câu chuyện về tình người, tình yêu cuộc sống trên con đường bạn rong ruổi hàng ngày, hãy cùng chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: [email protected].

Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.