Nghịch lý thượng tôn

Tình trạng thiếu chỗ đỗ xe tại các khu đô thị, khu chung cư diễn ra đã lâu và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để xảy ra tình trạng này, ngoài trách nhiệm của chủ dự án, còn có vai trò của chính quyền địa phương trong việc giám sát thực hiện quy hoạch

Hậu quả là về người dân, người chủ sở hữu phương tiện luôn phải chịu thua thiệt, bởi khi đậu đỗ tùy tiện thì đối diện nhiều rủi ro, trong khi họ muốn thượng tôn pháp luật cũng khó, vì không có điều kiện để thực thi.

Ảnh nh họa

 Vụ việc hàng chục xe ô tô bị phá lốp ở Linh Đàm vừa qua, là một ví dụ về tình trạng thiếu nghiêm trọng chỗ đỗ xe ở chung cư, dẫn tới xe phải đỗ tràn lan, gây hệ lụy về TTATGT và an ninh tài sản.

Nhưng nó điển hình vì quy mô, mức độ nghiêm trọng, và bởi đó là nơi mật độ chung cư cao nhất thành phố.

Sự quá tải nhu cầu đỗ xe cũng nằm trong trạng thái quá tải toàn diện ở đây, bên cạnh quá tải chỗ học hành khiến trẻ mầm non phải bốc thăm để được vào trường công, hoặc 1 cán bộ phường phải phục vụ tới gần 5.000 nhân khẩu.

Nhưng vấn đề đỗ xe khác ở chỗ, nó không chỉ nổi lên vào mùa tuyển sinh hay lúc cách ly thời dịch bệnh, mà hàng ngày hàng giờ, với gần 10 vạn con người. Và tất nhiên, người ta không thể sống cùng một nỗi bất an thường nhật, thấp thỏm về việc xe có bị bất ngờ cẩu đi không, có bị tháo bánh, vặt gương trong đêm không, và giờ là, xe có bị phá lốp, tạt sơn không, hoặc tệ hơn thế nữa.

Nỗi bất an về phương tiện đi lại, về an ninh tài sản, an ninh trong môi trường sống trước dấu hiệu thao túng của những thế lực ngầm vì lợi ích kinh tế đang là một vấn đề thực sự. Nó đi xa hơn rất nhiều so với câu chuyện của một sự thiếu tiện nghi. Trong “cuộc chiến” này, cư dân đang yếu thế, vì bản thân họ đã không chấp hành quy định về dừng đỗ, hay đúng hơn, là không được tạo điều kiện để chấp hành.

Trong một đô thị, người dân mua xe theo pháp luật về quyền sở hữu; đăng ký xe theo quy định; mua nhà theo hợp đồng với dự án hợp pháp; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, mà kết quả cuối cùng là khốn khổ vì chính chiếc xe của mình, không biết phải chấp hành pháp luật ra sao, đó là một nghịch lý không thể chấp nhận.

Nghịch lý này bắt nguồn từ việc, cho đến nay, người dân toàn thành phố nói chung và dân Linh Đàm nói riêng, không thể hình được về lộ trình bao giờ thì thành phố chính thức hạn chế chỗ đỗ trong nội đô, và bao giờ thì họ bắt đầu phải cân nhắc việc sở một chiếc ô tô.

Nghịch lý này xuất phát từ việc, 12 tòa chung cư sừng sững bị “nhồi” thêm vào một khu đô thị kiểu mẫu, làm mật độ xây dựng tăng lên gần gấp đôi, phá vỡ tất cả quy hoạch trước đó, nhưng không thể nào quy trách nhiệm.

Nghịch lý xuất phát từ việc, quy định về chỗ đỗ xe trong dự án chung cư đã có từ lâu, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án đầy đủ, có giám sát kiểm tra, có nghiệm thu, nhưng các tiện ích dân bỏ tiền ra mua, chỉ nằm trên giấy. Trong số hơn 1400 chung cư đã hoàn thành và đang vận hành ở Hà Nội, chưa một dự án nào bị xử lý về việc này.

Nghịch lý nảy sinh từ chỗ, khi “sự đã rồi”, không ai đứng ra dàn xếp hay tối thiểu là hướng dẫn cư dân làm thế nào họ có thể thu xếp đỗ xe một cách hợp pháp, mà để mặc người dân tự xoay sở.

Như một tất yếu, hệ quả của việc để dân “tự xử” các vấn đề của mình, là những lần đỗ xe hú họa, là cuộc “chiến” giữa một bên cung cấp dịch vụ ngầm về điểm đỗ, và một bên có nhu cầu nhưng không chấp nhận mất tiền vô lý cho những kẻ vô pháp vô thiên.

Sự xuất hiện của các bãi đỗ xe tự phát dù gây thách thức an ninh, nhưng dẫu sao cũng là một gợi ý cho Linh Đàm, vì nó cho thấy, vẫn còn những diện tích đất nhàn rỗi có thể được tận dụng, sắp xếp tạm thời cho nhu cầu bức bách.

Song, vấn đề nằm ở các nghịch lý vừa nêu. Nếu như không được hóa giải, thì với tốc độ mọc lên của chung cư, với tốc độ trăng trưởng của ô tô như hiện nay, sẽ sớm có thêm những phiên bản khác của Linh Đàm.

Chỉ khi nghịch lý được hóa giải, người dân mới có cơ hội chấp hành, và pháp luật mới được thượng tôn.