Không chỗ đỗ xe, để cư dân… tự xử?
Tình trạng phá hoại những phương tiện đậu đỗ ngoài đường, vỉa hè tại khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) diễn ra mới đây chỉ là một trong những hậu quả của tình trạng thiếu điểm đỗ xe tại các khu đô thị, tòa nhà chung cư diễn ra tại Hà Nội.
Việc không tuân thủ quy hoạch của chủ đầu tư, thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý đang đẩy người dân, chủ xe vào tình trạng… phải tự xử, khi chỗ đỗ xe ngày càng quá tải.
Mua xe được gần 2 năm, đã đăng ký với Ban quản lý tòa nhà, nhưng đến nay anh Nguyễn Anh Minh, ở khu Ngoại Giao đoàn (Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn chưa có chỗ đỗ, buộc phải đỗ xe ngoài đường, chấp nhận rủi ro:
"Khu Ngoại giao đoàn bây giờ người ta không có chỗ đỗ nên người ta đỗ đầy 2 bên đường. Không có thì bắt buộc người ta phải đỗ ra đấy", anh Minh chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thắm bỏ ra gần 3 tỷ đồng để sở hữu căn chung cư khu vực quận Bắc Từ Liêm. Tuy vậy, khi định mua ô tô, chị Thắm mới phát hiện, toàn bộ chỗ đỗ trong hầm đã chật kín từ lâu, nếu có hộ chuyển đi, chỗ đỗ xe cũng được âm thầm chuyển nhượng, khiến người mới mua xe rất khó tìm được chỗ đỗ:
"Việc đầu tiên là phải rà soát các chỗ đỗ có thực sự là chủ sở hữu căn hộ đăng ký đỗ không. Nếu chỗ nào không phải chủ sở hữu căn hộ đỗ thì loại ra và bốc thăm cho người khác thì may ra có chỗ đỗ cho người ra, người vào", chị Thắm nói.
Một lãnh đạo Ban Quản lý khu đô thị Ngoại giao đoàn cho hay, tình trạng thiếu điểm đỗ xe đã diễn ra từ lâu và ngày càng nghiêm trọng. Với những tòa nhà mới xây dựng và hoàn thiện, chỉ những hộ chuyển đến đầu tiên và đăng ký mới có chỗ đỗ ô tô hợp lệ, ngoài ra đều phải tự tìm nơi đỗ: "Ví dụ một tòa nhà có 800 căn, trong đó 30% hộ dân có ô tô, trong khi đó chỗ đỗ ô tô thì quá ít, rõ ràng là nó quá tải, không đủ phục vụ nhu cầu".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, toàn phường có 72 tòa nhà cao tầng, với dân số khoảng 5,6 vạn người. Riêng tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính đã có 17 tòa nhà cao tầng, chỗ đỗ xe luôn rơi vào tình trạng thiếu thốn.
Người dân buộc phải đậu đỗ trên vỉa hè, lòng đường hoặc bất kể chỗ nào không có biển cấm. Nhiều vụ tranh chấp giữa chủ nhà và chủ xe ô tô đã xảy ra, do xe đỗ bịt kín lối vào các căn nhà mặt đường.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Nhu cầu điểm đỗ xe rất cấp thiết, tuy nhiên hạ tầng đô thị về điểm đỗ xe lại không đáp ứng được, từ đó dẫn tới tình trạng người dân thường xuyên đỗ xe ở vỉa hè, lấn cả vào phần vỉa hè dành cho người đi bộ, đỗ xe ở lòng đường, gây ách tắc giao thông. Bất cập này chính quyền phường thường xuyên nhận được dân phản ánh về nội dung này".
Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai, Hà Nội thừa nhận, thời gian qua, tình trạng phương tiện dừng đỗ sai quy định trên địa bàn quận Hoàng Mai diễn ra tương đối phổ biến. Điều này bắt nguồn từ việc thiếu điểm đỗ ô tô trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, tình trạng này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại khu HH Linh Đàm, Khu Kim Văn, Kim Lũ trên đường Nghiêm Xuân Yêm, khi chủ đầu tư phớt lờ việc đầu tư hạ tầng bãi đỗ xe, khiến người dân đỗ tràn lan sang các khu vực xung quanh:
"Hiện tại dân số trên địa bàn quận Hoàng Mai xấp xỉ 70 vạn dân, trong khi đó theo quy hoạch phân khu đến năm 2030 tổng dân số trên địa bàn quận là xấp xỉ 30 nghìn. Như vậy, số dân hiện tại so với quy hoạch đã lớn hơn gấp 2 lần. Đây là một trong những cái rất khó khăn trong việc sắp xếp về phương tiện dừng đỗ cũng như bố trí cho con em học hành", ông Đức cho biết.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng thiếu điểm đỗ xe diễn ra tại hầu hết các khu đô thị, nhà cao tầng, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) là do chủ đầu tư các dự án không tuân thủ quy định về việc xây dựng chỗ đỗ xe.
Cụ thể, Thông tư số 21/2019 của Bộ Xây dựng quy định: “Diện tích chỗ để xe tối thiểu là 25m2 cho 4 căn hộ chung cư, nhưng không nhỏ hơn 20m2 cho 100m2 diện tích sử dụng căn hộ chung cư, trong đó bảo đảm tối thiểu 6m2 chỗ để xe máy, xe đạp cho mỗi căn hộ chung cư”.
Bên cạnh việc có nhiều dự án không tuân thủ quy định về chỗ đỗ xe, có những trường hợp diện tích đỗ xe vẫn đủ theo thiết kế, nhưng bị chiếm dụng hoặc bị sử dụng sai mục đích, dẫn đến bị thiếu hụt diện tích để xe:
"Những mâu thuẫn, tranh chấp, những xung đột ở các khu đô thị mới, các khu chung cư thời gian qua đã xuất hiện vấn đề xã hội mà cần phải hoàn thiện chính sách cũng như pháp luật để giảm thiểu những tranh chấp, khiếu kiện, nhưng xô xát, thậm chí những vụ án mạng có thể xảy ra nếu như chúng ta không có những cách hiểu thống nhất về khu đô thị, khu chung cư, phần sở hữu chung và quyền của chủ sở hữu chung, quyền của Ban quản lý, quyền của bảo vệ…", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Tình trạng thiếu chỗ đỗ xe tại các khu đô thị, khu chung cư diễn ra đã lâu và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để xảy ra tình trạng này, ngoài trách nhiệm của chủ dự án, còn có vai trò của chính quyền địa phương trong việc giám sát thực hiện quy hoạch.
Hậu quả là về người dân, người chủ sở hữu phương tiện luôn phải chịu thua thiệt, bởi khi đậu đỗ tùy tiện thì đối diện nhiều rủi ro, trong khi họ muốn thượng tôn pháp luật cũng khó, vì không có điều kiện để thực thi.
Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: "Nghịch lý thượng tôn".
Vụ việc hàng chục xe ô tô bị phá lốp ở Linh Đàm vừa qua, là một ví dụ về tình trạng thiếu nghiêm trọng chỗ đỗ xe ở chung cư, dẫn tới xe phải đỗ tràn lan, gây hệ lụy về TTATGT và an ninh tài sản. Nhưng nó điển hình vì quy mô, mức độ nghiêm trọng, và bởi đó là nơi mật độ chung cư cao nhất thành phố.
Sự quá tải nhu cầu đỗ xe cũng nằm trong trạng thái quá tải toàn diện ở đây, bên cạnh quá tải chỗ học hành khiến trẻ mầm non phải bốc thăm để được vào trường công, hoặc 1 cán bộ phường phải phục vụ tới gần 5.000 nhân khẩu.
Nhưng vấn đề đỗ xe khác ở chỗ, nó không chỉ nổi lên vào mùa tuyển sinh hay lúc cách ly thời dịch bệnh, mà hàng ngày hàng giờ, với gần 10 vạn con người. Và tất nhiên, người ta không thể sống cùng một nỗi bất an thường nhật, thấp thỏm về việc xe có bị bất ngờ cẩu đi không, có bị tháo bánh, vặt gương trong đêm không, và giờ là, xe có bị phá lốp, tạt sơn không, hoặc tệ hơn thế nữa.
Nỗi bất an về phương tiện đi lại, về an ninh tài sản, an ninh trong môi trường sống trước dấu hiệu thao túng của những thế lực ngầm vì lợi ích kinh tế đang là một vấn đề thực sự. Nó đi xa hơn rất nhiều so với câu chuyện của một sự thiếu tiện nghi. Trong “cuộc chiến” này, cư dân đang yếu thế, vì bản thân họ đã không chấp hành quy định về dừng đỗ, hay đúng hơn, là không được tạo điều kiện để chấp hành.
Trong một đô thị, người dân mua xe theo pháp luật về quyền sở hữu; đăng ký xe theo quy định; mua nhà theo hợp đồng với dự án hợp pháp; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, mà kết quả cuối cùng là khốn khổ vì chính chiếc xe của mình, không biết phải chấp hành pháp luật ra sao, đó là một nghịch lý không thể chấp nhận.
Nghịch lý này bắt nguồn từ việc, cho đến nay, người dân toàn thành phố nói chung và dân Linh Đàm nói riêng, không thể hình được về lộ trình bao giờ thì thành phố chính thức hạn chế chỗ đỗ trong nội đô, và bao giờ thì họ bắt đầu phải cân nhắc việc sở một chiếc ô tô.
Nghịch lý này xuất phát từ việc, 12 tòa chung cư sừng sững bị “nhồi” thêm vào một khu đô thị kiểu mẫu, làm mật độ xây dựng tăng lên gần gấp đôi, phá vỡ tất cả quy hoạch trước đó, nhưng không thể nào quy trách nhiệm.
Nghịch lý xuất phát từ việc, quy định về chỗ đỗ xe trong dự án chung cư đã có từ lâu, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án đầy đủ, có giám sát kiểm tra, có nghiệm thu, nhưng các tiện ích dân bỏ tiền ra mua, chỉ nằm trên giấy. Trong số hơn 1400 chung cư đã hoàn thành và đang vận hành ở Hà Nội, chưa một dự án nào bị xử lý về việc này.
Nghịch lý nảy sinh từ chỗ, khi “sự đã rồi”, không ai đứng ra dàn xếp hay tối thiểu là hướng dẫn cư dân làm thế nào họ có thể thu xếp đỗ xe một cách hợp pháp, mà để mặc người dân tự xoay sở.
Như một tất yếu, hệ quả của việc để dân “tự xử” các vấn đề của mình, là những lần đỗ xe hú họa, là cuộc “chiến” giữa một bên cung cấp dịch vụ ngầm về điểm đỗ, và một bên có nhu cầu nhưng không chấp nhận mất tiền vô lý cho những kẻ vô pháp vô thiên.
Sự xuất hiện của các bãi đỗ xe tự phát dù gây thách thức an ninh, nhưng dẫu sao cũng là một gợi ý cho Linh Đàm, vì nó cho thấy, vẫn còn những diện tích đất nhàn rỗi có thể được tận dụng, sắp xếp tạm thời cho nhu cầu bức bách.
Song, vấn đề nằm ở các nghịch lý vừa nêu. Nếu như không được hóa giải, thì với tốc độ mọc lên của chung cư, với tốc độ trăng trưởng của ô tô như hiện nay, sẽ sớm có thêm những phiên bản khác của Linh Đàm.
Chỉ khi nghịch lý được hóa giải, người dân mới có cơ hội chấp hành, và pháp luật mới được thượng tôn.