Nếu không thu phí cao tốc sẽ không có nguồn để khai thác, duy tu và bảo dưỡng

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc trong bối cảnh nguồn ngân sách eo hẹp như hiện nay thì việc thu phí là hợp lý và cần thiết.

Tuy nhiên, chủ trương này ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, nên cần nghiên cứu đánh giá kỹ, để có mức thu phí hợp lý; đảm bảo phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội theo từng khu vực; giám sát chặt chẽ công tác thu phí; tăng cường tính công khai, nh bạch nguồn thu để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

 

Hiện nay, trước thông tin, Bộ GTVT đề nghị cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư khiến không ít người băn khoăn; nhất là đối với các doanh nghiệp vận tải.

Nhiều người cho rằng, hàng năm đã phải đóng phí bảo trì đường bộ, phí môi trường khi tiêu thụ xăng dầu và nhiều loại phí, lệ phí khác. Việc ngân sách bỏ tiền đầu tư xây dựng đường cao tốc xét về căn nguyên cũng là tiền từ nhân dân đóng góp.

Vì thế việc thu phí từ đường cao tốc do nhà nước bỏ vốn đầu tư làm nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng "phí chồng phí” hoặc theo kiểu "trăm dầu đổ đầu tằm”; người sử dụng phương tiện sẽ cùng lúc phải trả nhiều loại phí; khiến nhiều người dân và doanh nghiệp vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên theo tính toán của Bộ GTVT, để đạt mục tiêu có 5.000 km cao tốc đến năm 2030 cần nguồn vốn hơn 800 ngàn tỷ đồng, trong khi Nhà nước chỉ bố trí được nguồn vốn khá nhỏ. Riêng quỹ bảo trì đến 2025 với hơn 1.642 km đường cao tốc đưa vào sử dụng đã cần đến hơn 1.800 tỷ/năm.

Con số là rất lớn. Muốn phát triển cao tốc để thúc đẩy kinh tế phát triển, giao thương thuận lợi, nâng cao đời sống của người dân chỉ còn cách đi vay hoặc xã hội hóa để làm cao tốc.

Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư cũng đã được nhiều nước áp dụng vì nguồn ngân sách của quốc gia nào cũng có giới hạn. Cũng chính nhờ cách làm này mà nhiều tuyến cao tốc ở nước ta đã được hình thành và phát triển.

Điển hình tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đưa vào hoạt động và thu phí cách dây trên 10 năm. Sau đó ngừng thu phí đến nay đã dẫn đến hậu quả là xe nào cũng chạy vào cao tốc; khiến đường hư hỏng nặng; xe nối đuôi nhau rồng rắn; biến thành” thấp tốc.

Đơn vị quản lý hàng năm bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng nhưng nguồn thu từ phí đường bộ không đủ; ngân sách cấp ít ỏi nên toàn tuyến liên tục xuống cấp. Đa số người tham gia giao thông đều muốn thu phí trở lại để có tiền sửa chữa, nâng cấp nhưng vì vướng luật nên các đơn vị vẫn lúng túng chưa thể áp dụng.

Riêng với hàng loạt các cao tốc được ngân sách nhà nước đầu tư đã và sắp đưa vào sử dụng tới đây, nếu không thu phí sẽ đặt ra gánh nặng rất lớn về khai thác, duy tu và bảo dưỡng; không có nguồn lực công nào đủ dồi dào để đáp ứng.

Do vậy, đề xuất thu phí các tuyến cao tốc do nhà nước đầu tư cũng là một cách làm đột phá trong bối cảnh các địa phương trong cả nước đều muốn có đường, có cầu, có cao tốc mới thúc đẩy được kinh tế- xã hội phát triển.

Thực tế đi trên các cao tốc tuy phải trả phí nhưng sẽ giúp rút ngắn được khoảng cách, tiết kiệm thời gian; tiết kiệm nhiên liệu, giúp cho nhiều loại phương tiện bớt chi phí; hạ giá thành hàng hóa theo hướng dịch vụ vận chuyển tốt hơn, chất lượng sẽ tốt hơn.

Vấn đề băn khoăn ở đây chính là mức thu, thời gian thu, đoạn đường thu và nhất là tính nh bạch trong thu chi. Các khoản thu từ cao tốc này phải được đầu tư chính đáng trở lại cho duy tu bảo dưỡng; mở thêm các tuyến cao tốc mới.

Ngoài ra các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ cũng phải được đầu tư nâng cấp và mở rộng, làm mới để người dân và doanh nghiệp có sự lựa chọn khi tham gia giao thông ễn phí chứ không phải chỉ đầu tư  duy nhất cho cao tốc rồi thu phí.