Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Thu phí cao tốc được đầu tư từ ngân sách, còn nhiều ý kiến trái chiều

Hoàng Hà: Thứ tư 24/05/2023, 06:45 (GMT+7)

Bộ GTVT đang xin ý kiến các bộ ngành về việc thí điểm thu phí đường bộ với tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và 8 đoạn cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 do nhà nước đầu tư.

Việc thu phí đối với hạ tầng do nhà nước đầu tư có đúng luật? Thời gian thu phí và mức phí thế nào cho phù hợp, hài hòa các lợi ích?

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với một số chuyên gia, nhà quản lý xung quanh vấn đề này. Trước hết là cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ vận tải:

PV: Thưa ông, việc thu phí đối với hạ tầng do nhà nước đầu tư có hợp lý không?

Ông Trần Ngọc Thành: Khi nhà nước đầu tư đường cao tốc bao giờ cũng đầu tư song song các tuyến đường quốc lộ để người dân có quyền lựa chọn.

Còn đường cao tốc là đi với tốc độ cao hơn, lưu thông tốt hơn, nên về nguyên lý người dân đi lên đường cao tốc thì phải trả phí, dù là BOT hay nhà nước đầu tư thì cũng phải thu phí để tiếp tục tái đầu tư.

Tuy nhiên khi tổ chức thu phí thì việc thu ở mức nào sau khi trừ đi chi phí phải còn tiền để nộp cho ngân sách nhà nước và nhà nước lấy tiền đó tiếp tục tái tạo và đầu tư nhiều tuyến cao tốc khác, mặt khác vẫn phải bảo dưỡng, duy tu QL1 và đường Hồ Chí Minh để người dân có quyền lựa chọn.

Đây thực tế là thu giá đường bộ, quan điểm của tôi là nên thu và tổ chức thu như thế nào cho phù hợp, tránh hiện tượng như từ trước đến nay, đó là có nhiều đoạn đường tổ chức thu phí không đủ chi phí cho việc tổ chức thu phí, như vậy rất vô lý.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã được thông xe ngày 30/4. Ảnh: Việt Quốc/VnExpress

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã được thông xe ngày 30/4. Ảnh: Việt Quốc/VnExpress

PV: Hiện nay Bộ GTVT đang đề xuất mức phí thì 1.000-1.500 đồng/km/1xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ ngồi), thời gian thu phí thí điểm trong vòng 5 năm. Vậy theo ông mức phí và thời gian thu phí cần thực hiện theo nguyên tắc nào để đảm bảo hài hòa các lợi ích?

Ông Trần Ngọc Thành: Tính toán mức thu phí cho các nhà đầu tư BOT thế nào thì mức tối đa của nhà nước thu cũng phải như thế, tức là thu hồi chi phí đó trong vòng bao nhiêu năm như các dự án BOT khác để lấy tiền đó tiếp tục đầu tư những đoạn cao tốc khác, để đất nước ta có được mạng lưới giao thông phát triển tốt hơn.

Tôi không bình luận việc thu 1.000 đồng, 1.500 đồng hay thu 5 năm…điều quan trọng là nhà nước ứng tiền ra để đầu tư thì phải thu hồi được vốn và lấy chính nguồn vốn đó để đầu tư mạng lưới giao thông. Còn việc vướng luật thì chúng ta báo cáo Quốc hội sửa, vì luật do chúng ta ban hành mà.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đường Võ Nguyên Giáp, Hà Nội từ cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài. Ảnh: Tạ Hải

Đường Võ Nguyên Giáp, Hà Nội từ cầu Nhật Tân đi sân bay Nội Bài. Ảnh: Tạ Hải

Trong khi đó, trao đổi với VOV Giao thông, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng đề xuất của Bộ GTVT là vô lý và sẽ xảy ra tình trạng thuế chồng thuế:

"Đề xuất này hoàn toàn vô lý, bởi tiền xây dựng các đoạn cao tốc đó là tiền thuế của dân, người dân đã đóng góp và nhà nước thu một lần rồi, bây giờ thu một lần nữa là thuế chồng thuế. Với lý giải của Bộ GTVT là do nguồn ngân sách không đủ, thu về để làm đường mới và duy tu bảo dưỡng, tôi thấy lý do đó là khó thuyết phục.

Nếu nguồn lực thiếu để mở rộng, phát triển những con đường mới thì có rất nhiều hình thức, như đầu tư theo hình thức đối tác công tư, liên doanh liên kết, xã hội hóa…việc đưa ra đề xuất này là tính quẩn của Bộ GTVT. Trong khi cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư bằng ngân sách nhiều nơi làm ăn rất kém hiệu quả, lãng phí rất lớn, nếu tiền ngân sách được sử dụng hiệu quả thì chắc chắn nguồn lực không thiếu đến như vậy."

Hoàng Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn