Nan giải bài toán nước sạch nông thôn

Về vùng nông thôn, chúng ta rất dễ nhìn thấy những lu hủ chứa nước lấy lên từ kênh, mương để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, giặt rửa. Thậm chí đối với hộ gia đình khó khăn thì nước ao lóng phèn dùng trong ăn uống. Dẫu biết nước sông bị ô nhiễm nhưng vì sao người dân vẫn “nhắm mắt làm liều?

Bà Trần Thị On sống tại ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã gần 60 tuổi mà chưa hề biết đến nước sạch, đạt chuẩn vệ sinh là gì. Nơi bà ở heo hút nên nước sạch về chưa tới, nhà thuộc hộ nghèo nhiều năm càng không có khả năng khoang giếng nước.

Khi mùa lũ về thì bà bắt đầu múc nước dưới kênh lên xài, trời mưa thì hứng nước tích trữ nấu ăn, tắm giặt. Còn vào hạn thì hàng xóm thương tình chia nước giếng cho bà dùng.

Bà Trần Thị On chia sẻ: Tôi sống cặp với mé ruộng luôn chứ không có gần sông cái. Không có tiền đóng cây nước nên xài nước dưới sông không à, hoặc hứng nước thùng xài. Mà giờ già xách nước cũng không nỗi nên xài nhín nhín.

Năm 2020, sông Nước Đục tỉnh Hậu Giang đối mặt với tình trạng "chết lâm sàng" do ô nhiễm hữu cơ từ trong ruộng đồng chảy ra, ảnh hưởng đến nước dùng dưới tiêu, sinh hoạt hằng chục ngày liền.

Nhiều năm trở lại đậy, khu vực đồng ruộng ở Hậu Giang còn chịu thêm tình trạng ô nhiễm hữu cơ, thải trực tiếp ra kênh mương cục bộ theo mùa. Cứ hễ mưa dầm, ủ ngập làm chết rơm rạ, rồi nước này chảy ra sông làm dòng sông “chết lâm sàng” trong mấy ngày liên tục.

Bà Đoàn Thị Tuyết Hoa – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết nhu cầu nước sạch ở nông thôn rất lớn nhưng tình hình đáp ứng chẳng được là bao. Thế nên, phần lớn bà con sử dụng nước ở chuẩn tạm chấp nhận được đó là nước khoan giếng.

Còn trường hợp của bà Đoàn Thị Hiệp thì nguy hiểm hơn nhiều. Trước đây bà Hiệp sống dọc kênh Bùng Binh ( TP Cần Thơ) sau đó được di dời vào khu tái định cư mới. Về đây, không có tiền khoan cây nước, bà chấp nhận bơm nước sông lên xài. Dù biết nước sông bị nhiễm chì, nếu sử dụng thời gian dài sẽ để lại hậu quả bệnh tật khủng khiếp nhưng gia đình bà có nỗi khổ riêng.

Bà Đoàn Thị Hiệp, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ cho biết: Chị biết là nước sông ô nhiễm từ lâu rồi, vì quanh đây công ty xí nghiệp nhiều lắm, bao nhiêu chất thải nó đều đổ ra sông ô nhiễm môi trường nhưng mà bây giờ không có nước phải chịu. Mình lấy nước từ sông lên xài. Làm cây nước thì chị không có tiền, bây giờ khoan cây nước cũng 7 triệu rồi.

Nhiều hộ dân sống tại khu tái định cư Hưng Phú 1 quận Cái Răng chấp nhận bơm nước sông lên xài dẫu biết nước bị ô nhiễm nặng

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn có tác động rất lớn tới cuộc sống của người dân. Số liệu điều tra ở vùng có ô nhiễm cho thấy, phụ nữ ở các khu vực này mắc các bệnh về phụ khoa, da liễu, đường tiêu hóa và ung thư đều tăng. Không có nước sạch, đợi trời mưa hứng nước trữ lâu, xài tiết kiệm.

Dẫu biết nước kênh mương ô nhiễm nhưng cũng lắm lúc bấm bụng dùng tới như ôm “quả bom” nổ chậm, không biết bộc phát bệnh lúc nào, đó là tình cảnh của nhiều hộ dân sông ở ĐBSCL – vùng luôn tự hào là thiên đường nước ngọt.