Mua ve chai... qua mạng

Một ứng dụng kết nối người thu mua ve chai với tên gọi VECA (viết tắt của “ve chai”) nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng.

Ứng dụng thể kết nối cả ba bên bao gồm người bán, người mua và vựa thu gom phế liệu chỉ bằng những thao tác đơn giản với bảng giá chi tiết, nh bạch cho từng loại phế liệu.  

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Chắc hẳn bạn đã không còn lạ lẫm với hình ảnh những cô chú mua ve chai trong chiếc áo rách vai và con xe đạp cũ chất đầy đồng nát. Những vật dụng nào cũ, không còn dùng nữa thì sẽ được cá nhân, gia đình hoặc các cơ sở thu mua để đổi lấy tiền.

Với chiếc xe đạp cũ, Cô Nguyễn Thị Liên đã rong ruổi trên khắp con phố Sài Gòn thu mua ve chai hơn chục năm nay chia sẻ: “Tôi đã mua ve chai hơn chục năm nay rồi, tôi phải vừa đạp xe đi vừa rao nếu ai có thì họ mang ra rồi người ta gọi bán. Cách đây mấy năm thì người ta cũng xin số điện thoại rồi người ta gọi đến thì mình đi lấy mối, còn lúc nào rảnh ra thì mình lại phải đạp xe đi mua.”   

Cho đến hiện tại, khi cuộc sống ngày càng phát triển, những đồ phế liệu, ve chai cũng ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ 4.0, nghề thu mua ve chai đã được nâng cấp theo hình thức mua bán online giúp cho việc trao đổi trở nên dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Cũng với chiếc xe đạp đó nhưng giờ đây cô Liên không còn rong ruỗi, đạp quảng đường hàng chục cây số như trước nữa, cô chia sẻ: “Gần đây thì có công nghệ ve chai thì đi thu mua tôi thấy cũng tiện vì tôi không phải đi đạp rong nữa mà tôi thấy nổi lên có địa chỉ có gì thì chúng tôi đến thẳng chỗ đấy chúng tôi mua thôi, nó vừa thuận tiện và cũng tăng thêm thu nhập”

Ứng dụng bán ve chai công nghệ mà chị Liên nhắc đến còn được gọi dưới cái tên viết tắt là VECA. Đây là ứng dụng công nghệ có chức năng chính là kết nối người bán với người mua để thực hiện việc mua bán ve chai một cách nhanh nhất. Cách vận hành tương tự như ứng dụng Grab. Song song đó, ứng dụng có thể hướng dẫn mọi người biết cách phân loại rác và biết được những loại nào có thể bán được với giá trị bao nhiêu.

Anh Bùi Thế Bảo -  Đồng sáng lập dự án Veca chia sẻ:“Thì mình thấy vấn đề về phân loại rác, khang hiếm nguồn nguyên vật liệu trong ngành bao bì như giấy, nhựa. Mình thấy đó là một bài toán cũng khá là lớn. từ đó mình mới có ý tưởng ve chai và rác. Ve chai có nghĩa là đây là nguyên vật liệu có thể tái chế được, là tiền từ đó người dân sẽ giữ lại và không bỏ vào các loại rác”

Giờ đây khi cần, người bán sẽ gửi thông tin bằng cách chụp hình ve chai và gửi lên hệ thống. Sau đó, hệ thống sẽ báo nhập thông tin số lượng ve chai cụ thể (nếu có) và đặt lịch ngày giờ thu mua. Người dùng sẽ đợi nhân viên ve chai đến thu gom dựa vào lịch đặt đã hẹn sẵn. Điều này sẽ giúp người mua ve chai có một lượng khách hàng nhất định và không phải tốn công đi tìm kiếm khách hàng. Người bán cũng có thể chủ động nhờ lịch hẹn đã được đặt trước đó.

Tuy nhiên, vì là ứng dụng hoàn toàn mới mẻ nên app mua bán ve chai tất nhiên không tránh khỏi những bất cập, đặc biệt trong thời gian đầu. Đa phần người đi thu mua ve chai là người nghèo, lớn tuổi và không rành công nghệ. Việc họ sử dụng được app cũng là cả một vấn đề.

Chị Đỗ Thị Minh Trang – Đồng sáng lập dự án Veca chia sẻ:“Vận động các cô ve chai rất khó vì phải thuyết phục cô tin vào tính hiệu quả của mô hình. Tại vì các cô ve chai là những cô ít tiếp xúc với công nghệ nên việc hướng dẫn sử dụng áp rất khó khăn nhưng với Veca thì đây chỉ là những khó khăn ban đầu thôi.”

Ve chai công nghệ số thời 4.0 tưởng chừng như chuyện không thể ở những năm trước. Nhưng giờ đây nó là công cụ hỗ trợ đắc lực cho những cô chú thu mua. Có thể chỉ vài năm nữa thôi, những tiếng rao ve chai đồng nát sẽ không còn được nghe nhiều trên các con phố như thế này!