Mùa nắng nóng và những con đường đầy bụi

Dù nhiều cơn mưa xuất hiện vào chiều tối đã làm dịu bớt tiết trời oi nóng tại các tỉnh thành ĐBSCL, nhưng đến hẹn lại lên, tiết trời khô nóng là điều kiện cho những con đường “thả tung” bụi mù.

Điều này vừa gây nguy hiểm cho người đi đường, vừa ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân hai bên đường. 

Nhà ở ngay cặp tuyến đường tỉnh lộ, lại nhiều phương tiện chở vật liệu xây dựng chạy ngang, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh nhiều năm qua đã quá quen với chuyện bụi đường… Trồng hàng hoa giấy trước nhà để vừa làm đẹp vừa chắn bụi, rồi nhiều khi từ bên ngoài nhìn vào, chỉ thấy một màu nâu sẫm của bụi bám lâu ngày chứ chẳng còn nhìn rõ màu xanh của lá hay mùa đỏ của hoa.

Theo chị Thanh, tình trạng này xảy ra chủ yếu vào mùa khô, khi tiết trời hanh nóng. Có những hôm trời chuyển gió, sợ bụi cứ thốc vào đến tận trong nhà nên cửa nhà chị lúc nào cũng đóng im ỉm. Chưa kể những buổi chiều mát trời, cả nhà định ra ngồi ngoài khoảnh sân nhỏ để hóng mát mà cũng khó… 

"Ở ngay sát đường tỉnh lộ… Chiều chiều bưng tô cơm ra ăn cho mát. Nhưng nếu xe tải lớn lớn chạy ù qua là bưng tô cơm đi vô luôn, bụi chịu không nổi", chị Thanh nói.

Thời tiết khô nóng, ít mưa khiến các con đường tràn ngập bụi. Ảnh nh họa

Đó không phải là câu chuyện của riêng một tuyến đường nào mà là vấn đề chung xảy ra tại nhiều khu vực của ĐBSCL mỗi khi mùa khô diễn ra được một thời gian, “vắt kiệt” độ ẩm trên những tuyến đường và khiến bụi đường bay đầy trong không khí.

Bên cạnh đó, không chỉ có điều kiện thời tiết mà chính từ những con đường xuống cấp với nhiều ổ voi, ổ gà cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chưa kể, một số đơn vị thi công sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường nhưng không kiểm soát được tốt (bằng cách hút bụi, tưới ẩm mặt đường,.v.v…) thì chuyện người dân chịu khổ vì bụi trở thành lẽ tất yếu.

Như chia sẻ của anh Nguyễn Huy Hoàng, ngụ tại tỉnh Đồng Tháp, thường có lộ trì di chuyển qua QL 80: "QL 80 bắt đầu từ Sa Đéc về tới Mỹ Thuận, lớp lớp bụi rồi khói xe. Có đoạn làm đường, lấp ổ gà... rất nhiều bụi. Chỗ Tân Xuân về tới Xã Vạc, gần tới Sa Đéc,… ổ gà rất nhiều. Trời mưa thì thôi chứ trời nắnglà hít bụi.. Cũng có tưới nhưng chỉ đỡ thôi, tháng này này tưới qua là rút lẹ lắm. 

Riêng QL 80, dài hơn 200km, chạy qua các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ, Kiên Giang. Đây là tuyến đường mà Kênh Mekong FM90 vẫn thường nhận được phản ánh của các bác tài về tình trạng xuống cấp ảnh hưởng đến việc đi lại…

Trang bị rèm cửa hay trồng cây trước cửa nhà là những giải pháp hữu hiệu để căn nhà bớt bị ảnh hưởng bởi bụi. Ảnh nh họa

Một số giải pháp phòng chống bụi cho các hộ gia đình

Sau một tuần tất bật cùng công việc tại TP Sa Đéc, anh Trần Hữu Trang, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cho biết chỉ muốn tranh thủ về nhà để tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ. Theo anh Trang, do nhà anh ở trong khu vực đường nông thôn, ít xe cộ qua lại nên đỡ phần bụi bặm. Những ngày nắng, gia đình anh cũng dễ dàng xử lý: Chúng tôi ở nhà trồng thêm cây và cũng thường xuyên tưới, xịt nước vô cây cho đỡ bụi, cũng đỡ được phần nào.

Thế nhưng, không phải gia đình nào cũng may mắn có được không gian sống trong lành như gia đình anh Trang. Hiện nay đang là những ngày giữa tháng 4, những cơn mưa trái mùa xuất hiện làm bớt đi những ảnh hưởng của bụi đường.

Nhưng mùa khô rồi vẫn sẽ quay lại, nếu những con đường vẫn xuống cấp, thi công không đảm bảo thì bụi vẫn mịt mù bám trên áo người đi đường hay xộc thẳng vào nhà các hộ dân xung quanh. 

Có nhiều nguyên nhân dân đến việc môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng bởi bụi đường, có thể kể đến: thời tiết khô nóng, mặt đường xuống cấp, công trình đang thi công, các phương tiện vận chuyển làm rơi đất cát,.v.v…

Bên cạnh việc trông chờ vào những giải pháp tổng thể từ ngành chức năng như cải tạo lại chất lượng mặt đường, đảm bảo việc thi công đúng quy chuẩn,… thì mỗi gia đình có thể làm gì để hạn chế sự xâm lấn của bụi đường? 

Một trong những giải pháp để ngăn bụi được khuyến khích áp dụng là trồng cây xanh trước nhà. Những loại cây có tán rộng, nhiều cành lá thường được ưu tiên lựa chọn, có thể kể đến hoa giấy, tre, trúc, hoa dâm bụt,… Vừa có thể cản bớt bụi, vừa có thêm mảng xanh cho không gian sống là điều khiến nhiều người ưng ý với giải pháp này.

Những gia đình có sân vườn rộng, khoảng cách từ cửa nhà ra đến đường không quá gần thì việc trồng cây xanh sẽ phát huy hiệu quả trong việc tạo một lớp “màng lọc” không khí, giữ cho môi trường sống trong lành. Tuy nhiên, với những gia đình có nhà nằm cận đường di chuyển thì ngoài việc trồng cây xanh, nên có thêm các biện pháp hỗ trợ khác.

Trang bị cho gia đình chiếc mành hoặc rèm che sẽ là cần thiết nếu như trồng cây xanh vẫn không cản được hết bụi. Một số gia đình có thể chọn mành tre, trong khi nhiều gia đình khác lại chọn rèm vải theo sở thích, gu thẩm mỹ riêng.

Bên cạnh đó, không ít gia đình chọn cách tiết kiệm chi phí bằng việc mua những tấm vải lớn, căng ra bốn góc, trải ra từ gần mái nhà xuống gần sát mặt đất, vừa cản bụi, vừa cản nắng chiếu trực diện vào nhà trong mùa khô nóng.

Đối với một số trường hợp mọi người trong gia đình cảm thấy tầm tầm mắt bị “ngộp” khi cửa nhà mình bị che khuất bởi tấm rèm lớn, chúng ta có thể cân nhắc đến giải pháp làm cửa kính. Tuy nhiên, nếu làm cửa kính thì câu chuyện thông gió, nhiệt độ trong phòng cũng sẽ là vấn đề mà mỗi gia đình nên lưu ý.

Một vấn đề khác mà các gia đình có thể quan tâm và suy tính nếu như đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng ngôi nhà mới, đó là việc lựa chọn hướng nhà hay việc đo khoảng cách từ nhà ra tới đường. Đó được xem là một điều hiển nhiên khi xây dựng, nhưng rõ ràng, nếu có sự tính toán kỹ từ đầu cũng sẽ góp phần giảm khả năng ô nhiễm bụi đường trong quá trình sinh sống.

Đó là một vài gợi ý về những giải pháp mà mỗi gia đình có thể thực hiện để hạn chế ảnh hưởng của bụi đường trong đời sống. Còn những giải pháp về lâu về dài, liên quan đến cơ sở hạ tầng giao thông thì vẫn rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các đơn vị chức năng của mỗi địa phương.