Một lời xin lỗi quá khó...?

Va chạm giao thông: Im lặng, xin lỗi hay “động thủ”. Dưới áp lực cuộc sống và tình trạng giao thông tồi tệ, mỗi người chọn cho mình một cách ứng xử...

Có 3 lần dừng đèn đỏ tôi bị va chạm bởi người đi xe phía sau. 3 trường hợp khá điển hình. Trường hợp 1 là 1 bạn lái taxi, xuống xe đã thấy bạn này chạy ra đỏ mặt tía tai, 2 tay xoắn vào nhau rối rít: Em xin lỗi, em xin lỗi, em vội quá nên lỡ đâm phải xe anh...

Kiểm tra xe cũng chỉ xước vệt nhỏ và cả hai đều không làm sao nên tôi bảo bạn taxi cứ đi tiếp;

Trường hợp thứ hai. Một anh lái xe nom có vẻ trí thức, sau khi đâm phải xe tôi, mặt mũi anh tái nhợt, người cứng đơ cứ đứng nhìn trân trân vào "nạn nhân" - là tôi:

- Anh lùi xe lại đi chứ?

Lập cập chui vào xe lùi lại, từ đầu đến cuối chẳng nói được câu nào. Tôi cũng chẳng vì thế mà bắt bẻ anh thêm nữa, trèo lên xe rồi lái đi. Nhìn vào gương chiếu hậu vẫn thấy anh trí thức kia đang loay hoay với chiếc xe của mình mà chưa thể di chuyển. Chắc anh vẫn shock vì vụ tai nạn bất ngờ’

Trường hợp thứ 3, một chiếc xe đẹp, với người tài xế bóng nhẫy, sơ kẻ “cắm thùng”. Sau khi đâm rầm vào xe tôi, anh kéo nửa kính, thò nửa mặt rất cảnh giác, chắc sợ bị đấm, cười nhăn nhở:

- Có sao không?

Mặc dù đâm vào tôi nhưng anh cương quyết không xuống xe, chỉ ngồi trong quan sát. Sau khi thấy tôi lên xe nổ máy rời đi, anh mới dám chạy xuống ngó cái xe của mình xem nó "có sao không"!?

Chỉ vì những va chạm trên đường, người ta sẵn sàng xông vào nhau giải quyết bằng nắm đấm (ảnh nh hoạ)

Trên thực tế, với tình trạng giao thông tồi tệ và ý thức tham gia giao thông không được tốt của một bộ phận người điều khiển phương tiện, những va chạm trên đường là khó tránh khỏi. Mỗi người lại có một cách ứng xử khách nhau.

Đôi khi, rất khó có thể lý giải được việc người ta sẵn sàng động tay, động chân với nhau, chỉ vì một va chạm nhỏ trên đường.

Như trường hợp gần đây, một người phụ nữ lái oto chẳng may va chạm với một phụ nữ khác điều khiển xe đạp điện trên đường, đã bị người này gọi người thân đến hành hung, đấm đá không thương tiếc. Điều đáng nói, người phụ nữ lái oto còn đang mang thai.

Những lời xin lỗi, ăn năn sau đó là quá muộn khi mà chỉ vì thói côn đồ, người ta sẵn sàng đánh đập người khác mà không nghĩ đến hậu quả, hay chí ít là một chút tình người.Có trường hợp một nữ sinh bị một thanh niên lực lưỡng liên tục đấm đá vào người, vào mặt vì “tội” trót đâm xe vào xe máy của vợ anh ta.

Lại có thanh niên ngồi chơi ven đường cái quan, thấy xe oto đi ngang qua đèn chiếu chói mắt, liền lấy xe máy đuổi theo bằng được để đập phá xe của người đi đường. Thể hiện tính chất côn đồ, hung hãn và hành động chỉ vì lý do rất giời ơi đất hỡi…

Rồi không ít những trường hợp sau va chạm giao thông người ta vác dao ra chém nhau, vác gậy ra vụt vào đầu vào mặt nhau, phá hoại tài sản của người khác. Để rồi sau đó thì phải dẫn nhau ra vành móng ngựa.

Những nhà tâm lý học thì lý giải rằng, do áp lực cuộc sống, những căng thẳng trong công việc khiến người ta trở nên hung bạo khi chỉ cần gặp một sự kích động tinh thần nhỏ. Nhưng rõ ràng, có những trường hợp có cảm giác như họ luôn sẵn sàng để đánh nhau, đàn áp người chẳng may va chạm giao thông với mình, và nhìn có vẻ… yếu thế hơn.

Có lẽ, những người này muốn thể hiện quyền lực với những người xung quanh. Thể hiện sức mạnh của mình qua nắm đấm.

Nhưng với xã hội hiện đại, tất cả những hành đồng vượt quá giới hạn này sẽ đều bị trừng trị nghiêm khắc bởi pháp luật.

Có lẽ, khi có nhu cầu đi học để lấy được cái bằng lái xe, mỗi cá nhân đều phải bắt buộc tham gia một khoá huấn luyện tâm lý, ứng xử và pháp luật, để biết được rằng mình cần phải làm gì sau tay lái.

Dưới áp lực giao thông, áp lực cuộc sống, công việc, những cái đầu luôn không giữ được bình tĩnh

Đôi khi, mọi chuyện đều có thể được giải quyết dễ dàng bằng một lời xin lỗi chân thành, nhưng không phải ai cũng làm được. Thật kỳ lạ khi những lời “cảm ơn”, “xin lỗi” lại rất khó thoát ra từ ệng của một số người, mà thay vào đó là nắm đấm, và những lời mắng nhiếc, thoá mạ nhau.

Như những trường hợp tôi kể ở trên. Nhiều khi, rất khó để mà “trông mặt, bắt hình dong”. Có khi, anh lái xe taxi - một người lao động phổ thông lại rất hiểu biết trong giao tiếp khi gặp sự cố, chỉ bằng một lời xin lỗi vì việc mà mình gây ra, anh đã nhận được sự cảm thông của người khác.

Nhưng cũng là va chạm giao thông, anh lái xe có vẻ là trí thức khi gặp chuyện lại chẳng nói được nửa lời, run rẩy và không thể thốt ra một lời hay ý tốt nào mà anh đã từng được dạy ở trường, hay được rèn luyện hằng ngày qua công việc của mình.

Còn anh điều khiển chiếc xe nhìn có vẻ sang trọng, thì co vòi, thủ thế, không dám nhận trách nhiệm, và chẳng cần quan tâm đến việc mình gây ra cho người khác…

Chẳng lẽ, một lời xin lỗi lại quá khó???

Tất nhiên, với nhiều người, một lời xin lỗi là không đủ, nhưng chí ít, nó cũng sẽ làm giảm đi những cái đầu nóng và giúp những mâu thuẫn trên đường dễ giải quyết hơn…