Máy bay chở khách nội địa của Trung Quốc có thể cạnh tranh với Airbus hay Boeing?

Ngày 8/11, chiếc máy bay chở khách thân hẹp do Trung Quốc sản xuất đã trình diễn tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc. Giới chức nước này kỳ vọng có thể đưa vào chế tạo và sử dụng rộng rãi dòng máy bay chở khách nội địa đầu tiên nhằm giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

 

Vào ngày 8/11 vừa qua, chiếc máy bay chở khách thân hẹp do Trung Quốc tự sản xuất đã trình diễn tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc ở thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: AFP

Mẫu máy bay phản lực thân hẹp C919 được phát triển từ năm 2008 và dù đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/2017, nhưng loại máy bay này chưa từng ra mắt công chúng, vì vậy đây là cột mốc đáng chú ý của C919 cũng như ngành công nghiệp máy bay Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi việc C919 chính thức được phép cất cánh trên bầu trời là “một thành tựu đáng mừng” và gọi đây là “một nỗ lực mang theo ý chí của quốc gia, giấc mơ của dân tộc và kỳ vọng của nhân dân”.

Máy bay C919 do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) nghiên cứu và chế tạo với tham vọng cạnh tranh với các dòng máy bay nước ngoài như Boeing 737 MAX và Airbus A320.

Với sải cánh gần 36m, chiều dài khoảng 39m và chiều cao đuôi khoảng 12m, C919 là máy bay một lối đi với 3 ghế ngồi mỗi bên.

 

Li Tongyue, một hướng dẫn viên trên máy bay C919, cho biết: "Là máy bay phản lực thân hẹp đầu tiên của Trung Quốc do COMAC phát triển, tầm bay tối đa của C919 là 5.555 km, có thể chở 158 đến 192 hành khách. Ghế ngồi cũng có thể được tùy chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Máy bay tập trung vào sự an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, thoải mái và thân thiện với môi trường”.

Trước đó, vào tháng 9, máy bay C919 đã được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bay sau 4 năm thử nghiệm.

Các hãng hàng không Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ việc đưa dòng máy bay C919 vào phi đội máy bay chở khách dù phương tiện này chưa được cơ quan quản lý hàng không tại Mỹ và châu Âu cấp chứng nhận.

Vào tháng 5, China Eastern Airlines, hãng hàng không lớn thứ 2 Trung Quốc (xét về số lượng hành khách) thông báo dự định đưa 4 máy bay C919 vào đội bay của hãng, với mức giá là 99 triệu USD/chiếc. Mức giá này cũng khá cạnh tranh so với máy bay của Boeing và Airbus. Theo Axon Aviation - hãng bán, cho thuê và thu mua máy bay thương mại, tư nhân trên toàn thế giới, giá một chiếc Airbus A320 neo hiện là khoảng 110 triệu USD, Boeing B737-800 là khoảng 117 triệu USD.

Trung Quốc là một trong những thị trường hàng không dân dụng phát triển nhanh nhất thế giới. Ảnh: Reuters

Truyền thông nước này đưa tin máy bay C919 sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào quý đầu năm 2023.Tập đoàn COMAC cho biết đã nhận được hơn 800 đơn hàng máy bay C919 từ hàng chục khách hàng.

Ông Zhang Xiaoguang, Giám đốc tiếp thị của COMAC, cho biết: “Số lượng hợp đồng chúng tôi đã ký tại triển lãm này là lớn nhất kể từ khi thành lập COMAC, điều này cho thấy sự kỳ vọng tốt và sự hỗ trợ vững chắc từ khách hàng của chúng tôi, chẳng hạn như các công ty cho thuê và hãng hàng không, đối với máy bay phản lực C919 và máy bay ARJ”.

Giới chức Trung Quốc kỳ vọng dòng máy bay này giúp giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, nhất là trong bối cảnh quan hệ với các nước phương Tây xấu đi.

Thế nhưng, trên thực tế hầu hết bộ phận của C919 như động cơ, hệ thống điều khiển, liên lạc và càng đáp đều nhập khẩu từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Đây là một bất lợi đối với Trung Quốc bởi các quy định khắt khe trong cấp phép xuất khẩu của Mỹ có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc tìm nguồn cung ứng linh kiện, ảnh hưởng tới việc tăng cường sản xuất máy bay nội địa của nước này.

CEO Richard Aboulafia của hãng tư vấn hàng không AeroDynac Advisory có trụ sở tại Mỹ cho rằng đây là một dòng máy bay được chế tạo tại Trung Quốc nhưng được vận hành nhờ công nghệ của phương Tây. Việc biến chiếc máy bay này thành một thương hiệu chính chủ của Trung Quốc sẽ mất hơn một thập niên và nhiều tỉ đô la.

Bên cạnh đó, Comac cũng sẽ cần một giấy chứng nhận sản xuất riêng trước khi có thể sản xuất hàng loạt loại máy bay này. Tác động của C919 với thị trường máy bay toàn cầu cũng sẽ hạn chế do Airbus và Boeing sản xuất hàng chục máy bay mỗi tháng.

Không chỉ vậy, hiện Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu máy bay trong một thời gian nữa. Giám đốc điều hành Aboulafia của AeroDynac Advisory cho rằng sở dĩ như vậy là bởi Trung Quốc lo ngại nếu ngừng nhập khẩu máy bay của phương Tây, Mỹ và các nước đồng nh; thì việc nhập khẩu linh kiện cho C919 cũng có thể bị ảnh hưởng.

Theo các nhà phân tích, trước mắt, Trung Quốc sẽ cung cấp máy bay C919 cho thị trường trong nước, tiếp đó là mở rộng thị trường sang các nước thuộc thế giới thứ ba.

Trung Quốc là một trong những thị trường hàng không dân dụng phát triển nhanh nhất thế giới và C919 là nỗ lực đầy tham vọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Theo ông Zhang Xiaoguang, Giám đốc tiếp thị của COMAC, thị trường máy bay dân dụng của Trung Quốc là khá lớn: "Đến năm 2041, số máy bay của Trung Quốc sẽ đạt 10.000 chiếc, chiếm 21,1% số lượng máy bay trên toàn cầu. Thị trường hàng không Trung Quốc sẽ trở thành thị trường hàng không đơn lẻ lớn nhất thế giới".

Mặc dù so với các ông lớn Airbus và Boeing, hiện đang nắm đến 99% thị phần dòng máy bay chở khách cỡ lớn trên thế giới, C919 của Trung Quốc còn quá non trẻ.

Thế nhưng các chuyên gia cho rằng Airbus và Boeing cần bắt đầu chuẩn bị ngay từ bây giờ cho trận chiến lâu dài này. Đây là một ngành công nghiệp chiến lược đối với Trung Quốc và chắc chắn rằng nước này sẽ quyết tâm để tạo được chỗ đứng trên thị trường hàng không trị giá hàng tỷ đô la này.